Chữa cháy cũng phải... đúng quy trình?

10/07/2019 - 08:10

PNO - Nắng nứt đồng, trơ rạ, đổ thêm những ngọn gió tây nam rát bỏng. Mùa hạn, khắp dải đất miền Trung, gió ào ào vờn giỡn trong khi con người căng mình chờ từng đám cháy rừng.

1. Mặc cho con dốc cheo leo như dựng đứng phía trước, đá cát lỏi chỏi ngay dưới mặt đường, chiếc xe bán tải của chàng kỹ sư Tín vẫn phăng phăng chở tôi lên đến lưng chừng núi Lỗ Chài, thuộc xã Hòa Quang Bắc, H.Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.

Nơi này, trưa 4/7, một đám cháy thiêu rụi hơn 10ha rừng tự nhiên, lan sang ngọn núi kế bên thuộc địa phận của xã Hòa Định Tây, đốt tiếp 50ha rừng trồng. “Cháy rừng như thể một đặc sản của tỉnh này nói riêng, của miền Trung mùa khô hạn nói chung” - kỹ sư Tín thở dài.

Chua chay cung phai... dung quy trinh?
Lo đám cháy tái phát từ những gốc cây than hóa còn ngún lửa, người dân tiếp tục phun nước sau đám cháy

Tôi đứng giữa lưng chừng ngọn Lỗ Chài, ngước mắt về gần đỉnh theo cái chỉ tay của Tín. Trên kia, tàn dư của đám cháy cách đó mấy hôm chỉ là một vòng tròn đen nhẻm. Gió lồng lộng, phập liên hồi như muốn thổi bay mọi vật ngáng đường trong cuộc rong chơi bất tận. Hướng gió loạn xạ.

“Cần đến 4 triệu năm để làm sạch 10ha thực bì đem xuống núi rồi quay lên canh tác. Cho nên, khi trồng rừng trên núi, chỉ có thể đốt thực bì đi, đốt hằng tháng, hằng năm để tránh lấn đất, ăn dinh dưỡng của đất. Mà khi đốt, có ai kiểm soát được gió sẽ đổi hướng về đâu. Thành ra, gió cứ thế mang lửa đi khắp nơi, nuốt từng héc-ta rừng trong nháy mắt” - Tín nói.

Hơn thế, điểm bén lửa đâu chỉ do người dân đốt thực bì. Chiếc hộp quẹt ai đó đánh rơi bỗng phát nổ; tấm kiếng, nhôm lạc giữa rừng đến hồi tụ đủ nhiệt; rồi nổ đá; tàn thuốc lá… cộng với hàng loạt yếu tố như gió mạnh, lá khô, cây chết khiến cháy rừng xảy ra bất cứ lúc nào.

“Sau cháy rừng, người ta ít bàn con số thiệt hại hay trách nhiệm thuộc về ai. Nỗi ám ảnh tái cháy mới là khủng khiếp” - Tín nói. Anh đưa tay quét một đường lên đỉnh núi, trầm tư: “Cháy đợt đầu, cây còn tươi, lá khô đều đã rụng nên lửa lan chậm. Sau đám cháy, lá chết vắt trên cây, thân cây thì giòn rụm, gốc cây bị than hóa, ngún lửa từ bên trong nên đám cháy mới đáng sợ”.

Không nơi nào đủ nhân lực để sau đám cháy, cất công đi thẩm định đâu là gốc than đang trữ lửa. Rừng Nghệ An, Hà Tĩnh hay đâu đó thuộc dãy Trường Sơn cứ cháy rồi lại cháy, đám cháy sau dữ dội hơn đám cháy ban đầu cũng chính vì lý do này.

Khoảng 13g30 ngày 4/7, ngọn Lỗ Chài bùng lên đỏ rực. 17g, lực lượng chữa cháy của tỉnh mới có mặt. Tín đưa tôi xem đoạn clip do người dân quay, cười như mếu: “Hai chiếc xe chữa cháy to đùng dừng ngay dưới chân núi Lỗ Chài. Nhìn xe mà bế tắc. Rồi phải mất thêm cả tiếng đồng hồ cho con bán tải của tôi chở từng đoàn người tiến về khu vực cháy”.

“Việc chữa cháy đã diễn ra ra sao?” - tôi hỏi. Kỹ sư Tín bật cười: “Vẫn rất… cổ xưa. Một nửa thi nhau bẻ cây tươi đập lửa, một nửa đi phát quang khoảng 20ha để khoanh vùng, cách ly đám cháy. Đến 4g sáng 5/7, khi chẳng còn gì để cháy thì lửa tự tắt” - Tín nhún vai, vẻ mặt chán nản.

Tôi truy: “Hơn 3 tiếng đồng hồ để lực lượng đến hiện trường, trong khi Lỗ Chài cách trung tâm TP.Tuy Hòa chỉ chừng 30km?”. “Đó là câu chuyện khác, thủ tục hành chính phải đúng quy trình” - Tín buông giọng.

Khi đám cháy bùng lên cho đến khi được dập, phải theo quy trình: nhận tin báo của người dân, cơ quan phòng cháy chữa cháy gọi ngược về chính quyền địa phương, chính quyền cử người đi xác minh đám cháy, đánh giá mức độ lớn nhỏ của ngọn lửa lẫn khả năng lan rộng, từ đó yêu cầu sự can thiệp, hỗ trợ của lực lượng chữa cháy, kiểm lâm, sự điều động nhân lực của chính quyền.

2. Cháy rừng ở Phú Yên vốn xảy ra như cơm bữa. May mắn, phần lớn không gây thiệt hại nhiều do các đám cháy diễn ra nhỏ lẻ, người dân và kiểm lâm thường xử lý thành công. Nhưng đó cũng biến thành trở ngại, khi sự đánh giá rủi ro bắt buộc phải chắc chắn để lực lượng chữa cháy tính toán, điều nhân lực và phương tiện.

Khi có cháy ở Lỗ Chài, dân gọi điện báo, trực ban chữa cháy nói “đang chờ chính quyền báo cáo tình hình, đánh giá rủi ro”. Chính quyền cử công an đến hiện trường đánh giá, sau đó gọi báo lại cho đơn vị chữa cháy.

“Ai đủ khả năng để đánh giá rủi ro của đám cháy? Chính quyền, công an địa phương liệu có hiểu biết đầy đủ về ngọn lửa, ngọn gió, khí hậu, độ nóng, địa hình của từng cánh rừng?” - Tín bức xúc.

Chua chay cung phai... dung quy trinh?
Con đập Lỗ Chài trữ nước thượng nguồn cách hồ nước nhân tạo trên đỉnh núi của Tín chỉ 120m

Tín là kỹ sư làm việc cho các dự án tưới tiêu bằng công nghệ cao ngay trên ngọn Lỗ Chài. Khi lực lượng ứng cứu có mặt, anh khẳng định, ngay trên đỉnh núi có một hồ nước rộng, chứa khoảng 400m3, đủ để dập ngọn lửa chưa quá lớn lúc 17g, nhưng không ai tin.

Nếu chỉ huy chữa cháy ra lệnh nối ống chuyên dụng từ hồ, đưa nước xuống chữa cháy, lửa đã sớm tắt. Tín tự an ủi: “Cũng phải thôi, đi khắp các ngọn núi quanh đây, không tìm ra một hồ nước nào như vậy. Trên núi có hồ nước nhân tạo là chuyện dễ gì ai tin”.

Hồ nước đó do chính Tín tự nghiên cứu địa hình, lên thiết kế và khoan đào từ vài năm trước theo hợp đồng làm việc, với mục đích tưới tiêu các dự án cây trồng và còn để chữa cháy. Cuối cùng, mục đích “chữa cháy” của hồ nước đã không được thực hiện. Hơn 60ha rừng cháy rụi.

Rừng núi chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ. Con người vẫn mắc kẹt ở sự chia nhau trách nhiệm qua từng công đoạn thông báo, phê duyệt, phát lệnh. Tệ hơn, khi ngọn lửa cứ mỗi phút một ngấu nghiến hàng mấy héc-ta rừng, sự đắn đo, chậm trễ tiếp tay cho tàn phá, hủy diệt. Vậy mà, trong sự cấp bách của tình huống, lại phải đợi chờ một sự cho phép.

Cháy rừng diễn ra quanh năm. Người ta nói rất nhiều đến nguyên nhân, thiệt hại, sự nhọc nhằn ứng cứu của toàn dân, toàn quân, rồi truy nguyên nhân gây cháy, truy tố, xử phạt. Không nghe ai nói đến những quy trình cần được giản lược, những thủ tục xác nhận, thẩm định, đánh giá rủi ro rườm rà cần được bãi bỏ.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI