Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore Nguyễn Quang Vũ: Muốn tiến sang Singapore, doanh nghiệp phải có 'cơm ăn áo mặc' đã

03/01/2018 - 14:34

PNO - Singapore là một trong những quốc gia tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai các dự án khởi nghiệp. Vì vậy, không ít doanh nhân trẻ háo hức tìm đường sang đây với hy vọng “đổi đời”.

Ông Nguyễn Quang Vũ - Chủ tịch Phòng Thương mại Việt Nam tại Singapore (VietCham Singapore) - đã chia sẻ với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về chuyện làm ăn ở đất nước được mệnh danh là một trong bốn con rồng châu Á này. 

Chu tich Phong Thuong mai Viet Nam tai Singapore Nguyen Quang Vu: Muon tien sang Singapore, doanh nghiep phai co 'com an ao mac' da
 

* Là Chủ tịch Vietcham Singapore, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Singapore (VAS), ông có thể đánh giá tổng quan về người Việt trên đất Singapore?

- Ông Nguyễn Quang Vũ: Trong mắt người Singapore, người Việt không “đẹp” lắm, vì thường bị liên tưởng đến những chuyện tiêu cực như ăn cắp, nói dối. Ngoài ra, phần lớn người lao động Việt Nam sang đây thường bị chê là lười. Lao động cấp thấp thì thường không chăm chỉ và hay ăn cắp vặt. Lao động cấp cao thì hay nhảy việc và kém trung thành.

Thậm chí, có thông tin đánh giá năng suất làm việc của một người Singapore gấp 16 lần người Việt Nam. Vì vậy, lao động Việt Nam ít được chào đón ở đảo quốc sư tử. Doanh nghiệp Singapore khi tuyển lao động Việt Nam thường không nhận được sự hỗ trợ về chính sách của chính phủ nước này; thậm chí, nước này còn không cho phép tuyển người giúp việc từ Việt Nam…

Có hàng ngàn cô gái Việt Nam sang Singapore mỗi tháng để kiếm sống bằng các hoạt động bất hợp pháp, thường xuyên bị bắt và trục xuất vì “dụ” khách trong sòng bạc, quán bar. 

* Bức tranh về người Việt ở Singapore mà ông vẽ ra có vẻ xám xịt quá…

- Ông Nguyễn Quang Vũ: Thực tế là bức tranh này không mấy sáng sủa, nhưng vẫn có nhiều điểm sáng. Đó là những tấm gương sinh viên xuất sắc như Lưu Thế Lợi - nghiên cứu sinh xuất sắc ngành khoa học máy tính của Đại học Quốc gia Singapore năm 2017, sáng lập Kyber Network vừa gọi vốn thành công 52 triệu USD.

Hay Lê Mậu Tuấn - người nhận học bổng toàn phần ASEAN sang Singapore du học từ năm lớp Chín, nay đã giành được học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ trị giá 8 tỷ đồng tại Học viện Công nghệ Massachusetts (Boston, Mỹ) và trúng tuyển vào chương trình thạc sĩ khoa học y khoa tại Đại học Harvard (Mỹ).

Ngoài ra, chúng ta cũng có những giáo sư giỏi như Vũ Minh Khương - giảng dạy Đại học Quốc gia Singapore hay Phan Toàn Thắng - cha đẻ của phương pháp ghép tế bào gốc từ cuống rốn để chữa lành các vết thương do bỏng, tiểu đường và nhiều bệnh tật khác…

* Trong bối cảnh phần sáng ít hơn phần tối như vậy, việc hỗ trợ người Việt sang Singapore làm ăn của VietCham có gặp nhiều khó khăn không? 

- Ông Nguyễn Quang Vũ: Chúng tôi chỉ hỗ trợ chủ doanh nghiệp sang Singapore chứ không hỗ trợ người Việt nói chung, vì chúng tôi không môi giới lao động và không môi giới hôn nhân.

Doanh nhân khi cần bắt đầu kinh doanh ở đây sẽ được chúng tôi hỗ trợ tối đa để giảm đến mức thấp nhất chi phí vận hành, chẳng hạn như văn phòng, nhà xưởng, nhân sự, luật sư, thủ tục pháp lý, hải quan, giấy phép, dịch vụ ngân hàng, vận động hành lang…

* Xin ông giải thích rõ hơn về “vận động hành lang”?

- Ông Nguyễn Quang Vũ: Việc vận động hành lang là chìa khóa mở một số cánh cửa để việc xâm nhập thị trường của doanh nhân không mất nhiều thời gian và chi phí, thậm chí bị thất bại do không chịu nổi chi phí đắt đỏ hoặc thiếu hiểu biết về văn hóa bản địa cũng như các rào cản thương mại.

Chu tich Phong Thuong mai Viet Nam tai Singapore Nguyen Quang Vu: Muon tien sang Singapore, doanh nghiep phai co 'com an ao mac' da
Anni coffee là một doanh nghiệp cà phê khởi nghiệp rất thành công ở Singapore vào đượ c nhiều siêu thị lớn và các trang thương mại điện tử mạnh

Một số chủ công ty Việt Nam sang Singapore tìm mọi cách để vào được chuỗi siêu thị lớn, nhưng các siêu thị trực tuyến lớn tại Singapore thường chỉ tiếp những đối tác có từ 200 đầu sản phẩm trở lên.

Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nếu chỉ có vài chục sản phẩm xuất khẩu thì khó có thể gặp được người quyết định. Khi đó, họ cần chúng tôi vận động hành lang để có thể gặp, trình bày và thuyết phục những người quan trọng.

* Trong vài năm trở lại đây, không ít người Việt Nam chọn Singapore để khởi nghiệp. Phải chăng là vì Singapore đã dành nhiều chính sách ưu đãi cho người khởi nghiệp?

- Ông Nguyễn Quang Vũ: Không ít doanh nghiệp công nghệ mới ra đời tại Việt Nam chưa hết khổ sở với các loại giấy phép, đã lo đến chuyện bị truy thu thuế, thậm chí có khi còn bị hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Vì vậy, họ chọn khởi nghiệp ở Singapore để vừa dễ thành công mà vừa có tư cách làm ăn toàn cầu.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói Singapore là “thiên đường” cho các startups. Chính phủ Singapore nhận thấy rõ tầm quan trọng của khởi nghiệp đối với nền kinh tế nên đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp mới. Chẳng hạn như trong ba năm liên tiếp, doanh nghiệp được miễn thuế 100.000 SGD lợi nhuận và giảm thuế 50% cho 200.000 SGD tiếp theo. Doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 triệu SGD không phải chịu thuế VAT, doanh thu dưới 5 triệu SGD không bị kiểm toán.

Những doanh nghiệp liên doanh với Singapore (từ 30% vốn của người Singapore trở lên) sẽ nhận được nhiều loại trợ cấp tùy ngành nghề, có giá trị từ 5.000 SGD đến vài chục ngàn SGD, chẳng hạn như tín dụng ưu đãi cho sản xuất và đổi mới (PIC) trị giá 10.000 SGD mỗi năm, dành ưu đãi cho nghiên cứu và phát triển hoặc thành lập trụ sở tại Singapore cũng như các hoạt động hoặc lĩnh vực đặc biệt như dịch vụ tài chính và hàng hải. 

* Với một môi trường kinh doanh thuận lợi như vậy, ông có khuyến khích doanh nhân Việt Nam sang Singapore làm ăn không?

- Ông Nguyễn Quang Vũ: Không đâu. Tôi chỉ khuyến khích doanh nghiệp đã có “cơm ăn áo mặc”, tương đối ổn ở Việt Nam, muốn mở rộng thị trường sang đây để tiến ra thế giới. Singapore là nơi cạnh tranh khốc liệt, không phù hợp với các doanh nghiệp non trẻ.

Thường thì các dự án về công nghệ mới có cơ hội phát triển, còn các lĩnh vực khác thì không có nhiều cơ hội. Những người khởi nghiệp ảo tưởng về sức mạnh của mình thì càng dễ thất bại hơn. 

* Đâu là các tiêu chí để đánh giá là một doanh nghiệp “ổn” như ông nói, để có thể thành công ở Singapore?

 - Ông Nguyễn Quang Vũ: Chúng tôi có dịch vụ khảo sát một cách cụ thể để biết doanh nghiệp có “ổn” hay không. Trong mấy năm qua, doanh nghiệp nhờ đến sự hỗ trợ của Vietcham rất nhiều và đủ mọi lĩnh vực, từ công nghệ đến dịch vụ, thương mại, nhưng chỉ có từ 10-20% doanh nghiệp được đánh giá là “ổn” và có thể bước ra thế giới thôi. 

* Đâu là những khó khăn khi kinh doanh ở Singapore, thưa ông?

- Ông Nguyễn Quang Vũ: Khó khăn thì rất nhiều, như nhân công, mặt bằng… đều đắt đỏ, nhưng khó khăn lớn nhất là sự sợ hãi khi không hiểu biết gì về thị trường này. Vì không có kiến thức, thông tin nên mọi quyết định đều cứ tính toán, cân nhắc mãi, cuối cùng chẳng đi đến đâu.

Và cũng không thể không nhắc đến thói quen ham rẻ “thâm niên” của chúng ta. Nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam qua đây chỉ tìm đến các dịch vụ giá rẻ, từ dịch vụ kế toán đến tư vấn, luật sư, mà hàng rẻ thường kém chất lượng, đến khi việc không “thông” thì mới chịu đi tìm dịch vụ tốt hơn. Kết quả, họ mất đến hai lần phí.

* Còn khác biệt về văn hóa kinh doanh thì sao, thưa ông?

- Đây cũng là một vấn đề mà chúng ta cần thay đổi để thích nghi. VietCham đã đón nhiều chủ doanh nghiệp Việt sang làm việc với người nước ngoài bị thất bại do khác biệt văn hóa kinh doanh. Ngoài ra, doanh nhân Việt Nam cần chú ý làm ăn ngay thẳng, trung thực để gây dựng uy tín kinh doanh trong mắt người nước ngoài.

* Ông thường về nước để hỗ trợ các doanh nhân trẻ. Tiếp xúc nhiều với các nhóm khởi nghiệp, ông đánh giá thế nào về tiềm năng khởi nghiệp của giới trẻ Việt Nam hiện nay?

- Ông Nguyễn Quang Vũ: Theo tôi, giới khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay rất đông đảo nhưng chủ yếu là các nhóm tự phát, không có các chính sách hay tổ chức thống nhất, nên giống như “rắn không đầu”. Các nhóm này mạnh ai nấy làm, thỉnh thoảng tụ họp lại với nhau rồi mỗi người cố gắng bán cho người khác một món hàng nào đó, nên chỉ thành một… cái chợ.

* Vậy theo ông, làm thế nào để “cái chợ” khởi nghiệp trở thành cái siêu thị có hệ thống?

- Ông Nguyễn Quang Vũ: Quan trọng nhất vẫn là do hoạch định của quốc gia. Doanh nghiệp khởi nghiệp tại Singapore luôn được chăm lo bởi Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp SPRING Singapore (trực thuộc Bộ Công thương Singapore). Các hành lang pháp lý dành cho startup được đưa ra một cách đầy đủ và rõ ràng, chẳng hạn như hành lang pháp lý đối đối với ngân hàng.

Theo đó, khi startup đã được SPRING duyệt, ngân hàng cho vay sẽ được đảm bảo. Nếu startup thất bại thì nhà nước sẽ chi trả lại số tiền vay hoặc toàn bộ lãi vay. Hay chính sách 1 chọi 1 - nhà đầu tư bỏ chừng này tiền ra đầu tư thì chính phủ sẽ bỏ chừng đó tiền vào quỹ đầu tư nhằm nâng tổng giá trị của quỹ, từ đó tạo điều kiện tối đa để trợ giúp doanh nghiệp.

Ngoài ra, khi chủ đầu tư bán phần vốn của mình trong doanh nghiệp mới mà có lợi nhuận (capital gain) thì phần lợi nhuận này không bị đánh thuế thu nhập.

* E là còn lâu nữa, Việt Nam mới có một “địa chỉ” chuyên chăm lo cho việc khởi nghiệp như SPRING Singapore, tình trạng “cái chợ” như ông nói có lẽ sẽ còn kéo dài. Vậy, tại sao ông vẫn quyết định tìm về để đầu tư?

- Ông Nguyễn Quang Vũ: Bùn nhiều thì cơ hội cho sen nhiều và Việt Nam là một hồ bùn nhiều tiềm năng. Đây đó thỉnh thoảng vẫn thấp thoáng vài bông sen đẹp. Nếu có cơ hội, chúng tôi chỉ hy vọng có thể đưa các bông sen đó tới nơi mà giá trị được tối ưu hóa.

* Cảm ơn ông về những chia sẻ trên! 

Xuân Lộc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI