Kết quả lấy phiếu tín nhiệm: Băn khoăn những con số 'vênh'

26/10/2018 - 06:42

PNO - Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này, về cơ bản, được các đại biểu Quốc hội đánh giá là phản ánh đúng nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn…

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được tín nhiệm thấp nhất

Đầu phiên làm việc chiều 25/10, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 nhân sự do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất là 437 phiếu - chiếm 90,1% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Bà cũng nhận 34 phiếu tín nhiệm (7,01%) và chỉ có 4 phiếu tín nhiệm thấp (0,82%).

Ket qua lay phieu tin nhiem: Ban khoan nhung con so 'venh'
 

Tại hai lần Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm gần đây, ở vị trí Phó chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng dẫn đầu danh sách với số phiếu tín nhiệm cao nhất. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người có nhiều phiếu tín nhiệm cao thứ hai tại lần bỏ phiếu này với 393 phiếu (81,03%).Thủ tướng cũng nhận 68 phiếu tín nhiệm (14,02%), 14 phiếu tín nhiệm thấp (2,89%).

Nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ với 137 phiếu (28,25%). Bộ trưởng Nhạ cũng nhận 194 phiếu tín nhiệm và 140 phiếu tín nhiệm cao. Tiếp theo là Bộ trưởng Bộ Giao thông  Vận tải Nguyễn Văn Thể với 107 phiếu tín nhiệm thấp (22,06%).

Trong số các thành viên Chính phủ có nhiều phiếu tín nhiệm thấp kỳ này còn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (97 phiếu), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà (89 phiếu), Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện (72 phiếu)…

Chia sẻ sau khi Quốc hội công bố số phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói, đó là động lực để bản thân ông cũng như toàn ngành cố gắng, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng và nhân dân: “Giáo dục liên quan đến mọi người, mọi nhà, được xã hội quan tâm. Có những vấn đề không thể trong một sớm một chiều giải quyết được, mà phải có thời gian. Vừa rồi, tôi cũng như ngành giáo dục đã rất nỗ lực, một số việc có kết quả, một số việc cần có thời gian”.

Bộ trưởng Nhạ cũng khẳng định: “Tôi không thấy mình thiệt thòi về lá phiếu tín nhiệm. Ngành nào cũng có vấn đề riêng. Tuy nhiên, giáo dục thì có phần nhạy cảm hơn, nên mình phải cố gắng hơn, để làm sao giải quyết dần dần, cùng với thầy cô và cả hệ thống chính trị, đặc biệt với phụ huynh và nhân dân, để làm sao đạt kết quả tốt nhất”.

Ket qua lay phieu tin nhiem: Ban khoan nhung con so 'venh'
 

Cần thay đổi cách gọi phiếu tín nhiệm

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ĐBQH đánh giá, kết quả này cơ bản thể hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cũng như tình hình thực hiện nhiệm vụ của các tư lệnh ngành. Bình luận về tỷ lệ phiếu tín nhiệm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng: “Rõ ràng đây là ngành có nhiều vấn đề, nhưng cách giải quyết của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của cử tri, ĐBQH”.

ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu cũng phân tích, trong thời gian qua, ngành giáo dục có quá nhiều tồn tại như: kỳ thi “2 trong 1” nhằm cải cách thi cử đã không thành công, kỳ thi năm 2017 tạo ra “cơn mưa điểm 10”, còn năm 2018 lại mắc hàng loạt sai phạm như thay đổi, nâng điểm cho thí sinh… Bên cạnh đó là hàng loạt vấn đề như sách giáo khoa độc quyền, lãng phí hay câu chuyện lạm thu là chuyện dài không hồi kết…

Ở một khía cạnh khác, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) lại băn khoăn: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận 137 phiếu tín nhiệm thấp, nhưng cũng có tới 140 phiếu tín nhiệm cao. Con số chênh lệch này khiến nhiều người phải đặt vấn đề, ĐBQH đứng ở góc nhìn nào để đánh giá.

“Với 140 phiếu tín nhiệm cao, tôi có thể nói, nếu như chúng tôi có quyền đánh giá các lãnh đạo do Quốc hội bầu ra thì người dân cũng có quyền đánh giá những ĐBQH mà mình bỏ phiếu, khi có những đánh giá chênh lệch như vậy” - bà Lan thẳng thắn. Bà Lan đề xuất, cần thay đổi tên gọi phiếu tín nhiệm: “Nên nói thẳng phiếu tín nhiệm thấp là không tín nhiệm. Thuốc đắng mới dã tật”.

Liên quan tới dư luận cho rằng, dù ai ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ giáo dục… đều sẽ nhận phiếu tín nhiệm thấp, bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định không đồng tình. “Là ghế nóng thì đương nhiên rất khó khăn; nhưng thực tế, xã hội luôn nhìn những ngành này một cách bao dung. Vấn đề là thể hiện như thế nào? Đường hướng ra sao? Có đấu tranh cho ngành, để cán bộ ngành có thể yên tâm công tác hay không? Ở môi trường càng khó khăn, càng có cơ hội để thể hiện mình, thực hiện nhiều ý tưởng” - ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nói. 

M. Quang

 
TIN MỚI