Chín năm xây dựng nền giáo dục kháng chiến ở Nam bộ đã tạo ra nhiều kỳ tích

07/09/2017 - 18:51

PNO - Gần 3 triệu người dân Nam Bộ được thoát nạn mù chữ- đó thực sự là một kỳ tích. Các kỳ tích đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn Nam Bộ đến thắng lợi”...

Ngày 7/9, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “Chín năm xây dựng nền giáo dục kháng chiến ở Nam Bộ - Thành quả và kinh nghiệm (1945 - 1954)”.

Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang cùng hơn 200 đại biểu là các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thành phố, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục, nhà giáo, cán bộ tuyên giáo các địa phương khu vực phía Nam.

Gần 3 triệu dân Nam Bộ được thoát nạn mù chữ

Tại Hội thảo, cụ Võ Anh Tuấn - nguyên Phó giám đốc Sở GD Nam Bộ, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCNVN tại Liên Hiệp Quốc bồi hồi: “Người có công lớn trong việc chỉ đạo phong trào Bình dân học vụ ở Nam Bộ là thầy Nguyễn Văn Đài (bác Ba Hậu Lạc). Ông là một lão thành cách mạng, hoạt động yêu nước từ thời Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội.

Ngay khi Ban Bình dân học vụ của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ được thành lập hồi tháng 10/1945, bác Ba được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban cho đến khi thành lập Sở GD Nam Bộ và Viện Văn hóa Kháng chiến Nam Bộ thì bác Ba Hậu Lạc trở thành Trưởng phòng Bình dân học vụ của Sở”.

Chin nam xay dung nen giao duc khang chien o Nam bo da tao ra nhieu ky tich
Quang cảnh buổi tọa đàm

Với tâm huyết và tính năng động sáng tạo của các nhà giáo yêu nước, tập thể Sở và Viện kiên trì và từng bước giải quyết các khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Đó là quyết định mở lớp “Sư phạm văn hóa đặc biệt khóa Phan Châu Trinh”, do GS Hoàng Xuân Nhị làm Hiệu trưởng để đào tạo giảng viên trung học.

Tiêu chuẩn học viên là cán bộ kháng chiến có trình độ từ thành trung đến tú tài thời Pháp thuộc. Tiêu chuẩn cao nhưng đã chiêu sinh được gần 100 người. Sau 6 tháng học sẽ có trình độ tương đương CĐSP, chẳng những đủ để dạy các trường mà còn có thể cung cấp giảng viên cho các trường trung học Xứ Đoài Thanh niên Cứu quốc Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, tỉnh Bạc Liêu…

Chin nam xay dung nen giao duc khang chien o Nam bo da tao ra nhieu ky tich
Các ĐB trao đổi tại tọa đàm

Còn cụ Trần Văn An- nguyên giảng viên Trường ĐH Nông nghiệp 2 (Hà Bắc) nhấn mạnh: “Một điều mà thầy và trò các trường kháng chiến hết sức tự hào là các môn học ở bậc trung học đều dạy bằng tiếng Việt, trong khi các trường trung học ở Sài Gòn lúc đó đều dạy bằng tiếng Pháp… Quá khứ, hiện tại và tương lai là một dòng chảy liên tục. Hình thức cụ thể thì có thể khác nhưng bản chất sự việc không thể khác được. Đó là những cái cốt lõi để tạo thành truyền thống và sức mạnh của Đảng ta, trước đây cũng như hiện nay và sau này.

Chúng ta phải trân trọng, gìn giữ những truyền thống tốt đẹp đó, làm cho chúng sống lại trong sự nghiệp hôm nay. Đối với chúng ta, đặc biệt là các đảng viên trẻ, cần thiết phải ôn lại thường xuyên và được GD bằng những truyền thống đó”.

Bà Thân Thị Thư - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy khẳng định: “Kỳ tích của GD Nam Bộ lúc đó thể hiện trong muôn vàn khó khăn, Nam Bộ không những chịu nhiều tổn thất do thực dân Pháp gây ra nhưng tất cả đã vượt nên để tạo ra nhiều kỳ tích trong văn hóa- GD.

Đặc biệt, lúc đó hơn 90% dân số nước ta là mù chữ và với việc, gần 3 triệu người dân Nam Bộ được thoát nạn mù chữ- đó thực sự là một kỳ tích. Các kỳ tích đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn Nam Bộ đến thắng lợi”.

 Hiện nay, thầy cô giáo vẫn ngại đổi mới, sáng tạo

Tuy nhiên, đau đáu về GD-ĐT hiện nay, ông Trịnh Minh Thành - nguyên Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Cà Mau băn khoăn: "Ngày nay, rất tiếc một số việc trong GD-ĐT còn một bộ phận khá đông cán bộ và nhân dân còn nhiều ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng thuận cao. Văn kiện, Nghị quyết của Đảng đã xác định “GD là quốc sách”, song nhiều chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp của ngành GD vẫn chưa được triển khai quán triệt tới dân. GD hiện nay cứ dậm chân tại chỗ”.

PGS. TS Ngô Minh Oanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu GD, Trường ĐHSP TP cho rằng: “Bao nhiêu cải cách, bao nhiêu trường lớp mới được xây dựng, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho dạy học được đầu tư… Thế nhưng học sinh không có hứng thú trong học tập vì oải, vì mệt mỏi với những “ép buộc” mà thầy cô nhồi nhét hoặc dạy cho có trên lớp để rồi bắt học sinh phải đi học thêm… Thầy cô giáo thì ngại đổi mới, sáng tạo trong dạy học, rồi tính đến cả việc “nhập khẩu” GD về dạy...”.

Chin nam xay dung nen giao duc khang chien o Nam bo da tao ra nhieu ky tich
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư

Trước ý kiến của các ĐB, bà Thân Thị Thư nhận định, GD- ĐT cho rằng hiện nay cần phải đúc kết kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, tại sao trong kháng chiến, khó khăn, gian khổ trăm bề, hi sinh tổn thất về thầy cô giáo rất lớn nhưng thành quả mà GD kháng chiến Nam Bộ đã đạt được lại làm nên kỳ tích với gần 3 triệu người dân được xóa nạn mù chữ.

“Kinh nghiệm quan trọng được rút ra, đó là xác định mục đích của cả người dạy và người học tại các trường phải được xác định ngay từ đầu. Nếu không xác định được mục đích học tập, không coi việc đi học hay công tác đều là quyền lợi và nghĩa vụ, đều là vinh quang như nhau, GD- ĐT sẽ mãi không thể tiến vững chắc, tiến nhanh, tiến kịp với đòi hỏi của xã hội hôm nay”, bà Thư phát biểu.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI