Chi tiền tỷ mỗi tháng, bệnh viện vẫn ngập rác và mùi hôi

17/05/2017 - 08:25

PNO - Nhiều bạn đọc phản ánh với báo Phụ Nữ về tình trạng dơ bẩn, hôi hám quá mức tại các bệnh viện (BV)

Theo ghi nhận của chúng tôi, không ít BV ở TP.HCM đã đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho vấn đề vệ sinh, nhưng vẫn không thể cải thiện được tình trạng này. 

Chi tien ty moi thang,  benh vien van  ngap rac va mui hoi
Dù nhà vệ sinh chỉ cách đó vài bước chân nhưng ông bố này vẫn thản nhiên cho con tè bậy - Ảnh chụp tại BV Nhi Đồng 1.

Vô tư vứt rác, tè bậy

Sáng 10/5, khu khám bệnh của BV Chợ Rẫy đông nghẹt. Trên lầu 1, cạnh nơi lấy mẫu xét nghiệm máu và nước tiểu đều có khu vệ sinh (ba buồng cho nam, ba buồng cho nữ),  bệnh nhân phải xếp hàng chờ rất lâu (từ 10-15 phút mới tới lượt). Nhân viên vệ sinh túc trực thường xuyên nhưng lưu lượng người ra vào nhà vệ sinh quá đông nên không chen vào để lau chùi kịp. Tại khu vệ sinh nữ, do người đi vệ sinh trước không dội nước nên một cụ bà e ngại không dám bước vào. 

Ở sân BV Chợ Rẫy, gần khu vực cấp cứu, 20 buồng vệ sinh khang trang, sạch sẽ vừa được xây mới, nhưng do nằm tách biệt với khu khám bệnh nên ít người sử dụng, bệnh nhân và thân nhân vẫn  dồn vào các khu vệ sinh cũ nằm trên lầu 1, gần khu vực lấy mẫu xét nghiệm. 

Rời khỏi khu vực xét nghiệm, chúng tôi thấy trước cửa phòng siêu âm ở lầu 1 (BV Chợ Rẫy), một phụ nữ trung niên ngồi bóc quýt ăn, vứt vỏ, nhả hạt thẳng xuống sàn. BV đã trang bị các thùng rác (màu xanh dành cho rác thải thông thường, màu vàng dành cho rác thải y tế), nhưng không ít bệnh nhân sau khi lấy máu xét nghiệm, bóc luôn bông gạc còn dính máu ném xuống sàn gạch.

Chi tien ty moi thang,  benh vien van  ngap rac va mui hoi
Thùng rác sát bên nhưng thân nhân và bệnh nhân vẫn vô tư ném rác ra ngoài - Ảnh chụp tại BV Chợ Rẫy

Một nhân viên dọn dẹp vệ sinh tại khu trại 25 của BV Chợ Rẫy (nơi dành cho thân nhân người bệnh) lắc đầu: “Khu vệ sinh ở đây phục vụ người nuôi bệnh. Chúng tôi vừa hứng một bể nước đầy để mọi người múc ra tắm rửa, nhưng mới quay ra một lúc, họ đã cầm cả đôi dép nhúng luôn vào bể, làm nguyên bể nước sạch trở nên đục ngầu”.

Tại BV Nhi Đồng 1, dọc từ khu khám chất lượng cao đến khu cấp cứu, mùi nồng nặc bủa vây. Trời nắng gắt, mùi hôi càng bốc lên mạnh hơn. Thỉnh thoảng, có người vô tư cho con đại tiện, tiểu tiện ngay giữa sân BV, thậm chí cho bé đứng ngay trên ghế, tụt quần tè thẳng xuống đất, dù nhà vệ sinh của BV chỉ nằm cách đó chừng 10 bước chân. 

Chi tiền tỷ mỗi tháng để làm vệ sinh

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM về vấn đề vệ sinh trong BV, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Trưởng phòng Quản trị BV Chợ Rẫy cho biết, BV bị quá tải trầm trọng, nhất là từ 7h-11h. Tại lầu 1, khu xét nghiệm của BV có hai khu vực nhà vệ sinh, mỗi khu gồm sáu buồng (3 nam, 3 nữ).

Tầng trệt cũng được bố trí nhà vệ sinh tương tự, nhưng vẫn bị quá tải vì phải phục vụ cho hàng ngàn lượt người ra vào liên tục, không có thời gian trống để nhân viên vệ sinh chen vào dọn dẹp. BV đã xây mới thêm 20 buồng vệ sinh khang trang ở ngoài sân, gần khu vực cấp cứu nhưng rất ít người sử dụng do nằm cách xa khu khám bệnh, đi lại bất tiện. 

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc BV Nhi Đồng 1 - bộc bạch: “BV đã xây mới nhiều nhà vệ sinh ở khu khám bệnh nhưng nhiều phụ huynh có thói quen cho bé “giải quyết” luôn ở gốc cây. Thùng rác có sẵn kế bên nhưng sau khi ăn uống, thân nhân của bệnh nhi lại xả rác xuống đất. Khu khám bệnh của chúng tôi có 26 nhân viên dọn dẹp vệ sinh, làm việc liên tục nhưng vẫn không xuể”.

Khi được hỏi tại sao ngay thời điểm ghi nhận, phóng viên không thấy nhà vệ sinh được trang bị giấy, xà bông rửa tay, đại diện BV Chợ Rẫy và BV Nhi Đồng 1 đều than “vừa bày ra là… mất ngay”.

Tại BV Chợ Rẫy, lọ dung dịch rửa tay đã được bắt vít vào tường nhưng vẫn bị bẻ trộm. Tình trạng này cũng xảy ra thường xuyên ở BV Nhi Đồng 1: đến vòi nước cũng bị vặn trộm, ngay cả đôi dép nhựa bệnh viện mới mua, trang bị để phụ huynh và bệnh nhi đổi dép khi đi vệ sinh cũng bị “chôm”.

Bà Bình cho biết thêm, mỗi tháng, BV Chợ Rẫy chi cả tỷ đồng để làm vệ sinh (dọn dẹp, tẩy rửa bằng hóa chất, chi trả tiền công cho nhân viên…). Với những trường hợp thân nhân và bệnh nhân có ý thức kém làm ảnh hưởng tới vệ sinh chung, nhân viên BV chỉ nhắc nhở chứ không có chức năng xử phạt. Nếu người dân không nâng cao ý thức, cùng hợp tác với BV giữ gìn vệ sinh chung, rất khó cải thiện được tình trạng ô nhiễm. 

 Thanh Huyền

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI