Bạo hành trẻ em: Khó xử lý!

15/09/2013 - 22:49

PNO - PNO - Từ năm 2009 đến năm 2012, cả nước xảy hơn 100.000 vụ bạo hành gia đình, trong đó, bạo hành trẻ em chiếm 1/5. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng bạo hành trẻ em rất khó phân định giữa vi phạm hành chính và xử lý hình sự

edf40wrjww2tblPage:Content

“CON TÔI, TÔI ĐÁNH!”

Theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên và nhi đồng của Quốc hội, các vụ bạo hành trẻ em ngày một nghiêm trọng, tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Đau lòng nhất là nhiều vụ bạo hành dã man lại do chính bố mẹ, người thân của các em gây ra.

Vụ bé Nguyễn Thùy Dương (năm tuổi, tạm trú P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) bị cha ruột là Nguyễn Ngọc Thành bạo hành mà Báo Phụ Nữ phản ánh vừa qua, đã khiến nhiều người căm phẫn. Thành đập đầu con vào tường, dùng cây đánh chỉ vì bé không chịu ăn. Thấy cha bước vào UBND P.Hiệp Bình Phước khi bị cơ quan công an triệu tập, bé Thùy Dương lập tức chui xuống gầm bàn trốn, cho thấy bé đã bị tổn thương ghê gớm cả về thể xác lẫn tinh thần.

Tương tự, đầu tháng 8/2013, hình ảnh bé trai Nguyễn H.T. (ba tuổi) tại P.17 (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng bị cha là N.H.D. đánh đập, hành hạ nhiều lần với những vết hằn chi chít trên mặt, lưng, mông cũng khiến nhiều người đau xót. Khi giải thích với các cơ quan chức năng, nhiều đối tượng hành hạ con vô tư khẳng định: “Con tôi, tôi đánh!” hay “Chuyện gia đình tôi không liên quan đến người khác”… (!) Những đối tượng này xem việc đánh đập, đối xử hung bạo với con cái là hết sức bình thường, không có gì đáng nói, theo kiểu "tôi đẻ, tôi dạy".

Bao hanh tre em: Kho xu ly!

Bé Nguyễn H.T. bị cha ruột hành hạ

Bao hanh tre em: Kho xu ly!

Bé Thùy Dương với những thương tích do cha ruột gây ra

XỬ LÝ HÀNH CHÍNH HAY HÌNH SỰ ĐỀU... ĐƯỢC!

Theo thống kê của Viện KSND Tối cao, 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm chăm sóc đúng mức, bị bỏ bê, bị ngược đãi, đánh đập. Có tới 49,81% học viên các trường giáo dưỡng từng sống trong cảnh bị đối xử hà khắc, thô bạo của cha mẹ.

Nhiều chuyên gia tâm lý khẳng định, nỗi đau về thể xác của các bé không đáng lo bằng nỗi đau tinh thần. Di chứng của những trận “đòn thù” cha mẹ trút lên các bé sẽ còn dai dẳng, suốt cuộc đời. Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Bích Hồng, ĐH Sư phạm TP.HCM phân tích: Về tinh thần, đứa trẻ sẽ mặc cảm, không tự tin, vì cho rằng không được cha mẹ thương yêu, có những suy nghĩ tiêu cực về cha mẹ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, một người lúc nhỏ bị bạo hành, lớn lên có khả năng lặp lại hành động của cha mẹ.

Vấn đề ở đây chính là dư luận bất bình với các vụ việc trẻ em bị bạo hành, đòi hỏi phải lý nghiêm minh nhưng hầu hết vụ việc chỉ dừng ở xử lý hành chính, phạt tiền nên không đủ sức răn đe. Trở lại vụ việc bé Thùy Dương bị cha bạo hành, gần một tháng trôi qua, vẫn đang chờ củng cố chứng cứ, chưa xử lý được. Nguyên nhân, do quá nhiều luật, nghị định trong việc xử lý hành vi bạo hành gia đình tạo ra sự chồng chéo.

Luật sư Phạm Tấn Thuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, điều 104 Bộ luật Hình sự quy định, đối với hành vi cố ý gây thương tích với người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, chỉ cần giám định có tỷ lệ thương tích là cơ quan điều tra có thể khởi tố đối tượng về hành vi cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, trong Nghị định Xử phạt hành chính về bạo hành gia đình cũng quy định phạt tiền đối với hành vi gây thương tích cho các thành viên trong gia đình. Do vậy, xử lý hành chính hay hình sự phụ thuộc vào “cảm tính” của người ra quyết định xử lý.

Luật sư Nguyễn Minh Thuận (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, ngoài hành vi cố ý gây thương tích, hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử lý theo tội danh hành hạ người khác được quy định tại điều 110 Bộ luật Hình sự. Theo đó, “Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoạc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Còn phạm tội đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật, với nhiều người, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm”. Tuy nhiên, để xử lý tội danh này không dễ, khi điều 110 Bộ luật Hình sự không quy định rõ: Thế nào là đối xử tàn ác? Đối xử tàn ác gây ra hậu quả thế nào cho người lệ thuộc mình thì bị xử lý theo quy định của điều luật trên?

 HẢI DƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI