Cây xanh ngã đổ: Có trách nhiệm của các đơn vị thi công các công trình hạ tầng

22/09/2016 - 14:30

PNO - Hàng loạt vụ cây xanh ngã đổ ở TP.HCM trong thời gian qua khiến dư luận bất an, nhiều câu hỏi được đặt ra về trách nhiệm của chủ sở hữu và quản lý cây xanh là Sở GTVT.

Chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM về vấn đề này.

Phóng viên: Trong vòng một tháng nay xảy ra hơn năm vụ cây xanh ngã đổ làm thương vong ba người, hư hại nhiều tài sản. Nguyên nhân do đâu? Các trường hợp bị nạn được hỗ trợ, bồi thường ra sao, thưa ông?

Ông Trần Quang Lâm: Tính từ đầu năm đến nay, đã có 171 cây xanh ngã đổ (tăng 37 cây so với cùng kỳ năm 2015) trong đó có sáu cây loại ba (cây có nguy cơ gây thiệt hại lớn khi ngã đổ), chiếm tỷ lệ 3,5% so với số lượng cây ngã đổ. Ngoài ra, 506 cây gãy nhánh (giảm năm cây so với cùng kỳ năm 2015). Qua tìm hiểu, ba vụ cây xanh bật gốc, gãy nhánh làm thương vong ba người hầu hết đều còn xanh tươi, không có dấu hiệu bị hư hại tại vị trí thân hay gốc, cây sinh trưởng và phát triển bình thường, tuy nhiên hệ thống rễ không còn tốt, kém phát triển.

Cay xanh nga do: Co trach nhiem cua cac don vi thi cong cac cong trinh ha tang
Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Sở GTVT đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh (đơn vị được giao chăm sóc, duy tu hệ thống cây xanh) nhanh chóng huy động lực lượng khắc phục, đảm bảo giao thông thông suốt, đồng thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, cử người túc trực tại bệnh viện chăm lo, hỗ trợ toàn bộ chi phí. Đối với những nạn nhân tử vong, chúng tôi phối hợp với gia đình nạn nhân lo hậu sự.

* Vì sao công tác “khám sức khỏe” cây xanh được Sở GTVT và Công ty Công viên cây xanh thực hiện thường xuyên nhưng năm nào cũng xảy ra sự cố, thậm chí năm nay cây xanh ngã đổ nhiều hơn năm trước?

- Kế hoạch chăm sóc cây xanh như lấy cành khô, mé gọn tán, đốn bỏ cây già cỗi, sâu mục… không phải chờ đến mùa mưa bão mới thực hiện mà là công tác thường xuyên của chúng tôi. Tính đến nay đã đốn hạ 360 cây sâu bệnh, già cỗi; cải tạo thay thế 200 cây tạp và 290 cây bị ảnh hưởng do công tác thi công xây dựng các công trình và bị cố tình xâm hại.

Phải thừa nhận rằng tình trạng xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng gồm các công trình điện lực, chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước, cáp viễn thông, cải tạo chỉnh trang vỉa hè... đã làm không gian sống của hệ rễ cây xanh bị thu hẹp; hệ rễ cây bị cắt xén khi các đơn vị thi công công trình đã gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây. Đây cũng là nguyên nhân khiến cây xanh có nguy cơ ngã đổ bất cứ lúc nào.

Một số cây xanh ngã đổ do bị sam mục phần rễ nằm bên dưới mặt đất, sam bọng phía trong lõi thân cây nhưng bằng mắt thường rất khó đánh giá, trong khi không có trang thiết bị đánh giá chuyên ngành. Rồi việc khai thác nước ngầm, biến đổi khí hậu làm cây thiếu nước, sinh trưởng kém, suy yếu nên dễ ngã đổ, gãy cành nhánh hơn khi gặp mưa kèm gió lốc.

Cay xanh nga do: Co trach nhiem cua cac don vi thi cong cac cong trinh ha tang
Cây cổ thụ bật gốc trên đường Sư Vạn Hạnh ngày 30/8

* Các đơn vị thi công công trình khi tác nghiệp đã cắt xén, xâm hại bộ rễ của cây gây nguy cơ ngã đổ, vậy trách nhiệm thuộc về đơn vị nào? Xử lý ra sao?

- Rõ ràng việc các đơn vị thi công công trình xâm hại đến bộ rễ cây xanh thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong công tác bảo vệ cây xanh. Trong quá trình tuần tra, giám sát, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm, các khu quản lý giao thông đô thị sẽ tiến hành xử phạt; trong trường hợp cây xanh bị xâm hại nặng, có nguy cơ ngã đổ sẽ tiến hành đốn hạ, thay thế ngay.

* Thực tế cho thấy, các loại cây bóng mát trên địa bàn TP chưa phong phú, khả năng chống chịu gió bão hạn chế, chưa kể khả năng thẩm định “độ già yếu, mục rỗng từ trong thân cây” của Sở GTVT còn hạn chế. Sắp tới Sở có những biện pháp gì để khắc phục?

- Thời gian qua, các chủng loại cây xanh được chọn lựa và thay thế dần, cơ bản phù hợp với điều kiện đô thị, biến đổi khí hậu. Một số cây bộc lộ nhược điểm như cây xà cừ đã được đưa vào danh mục cây cấm trồng, tuy nhiên việc thay thế các cây này phải có đánh giá tình trạng cây, biện pháp xử lý phù hợp, tránh ảnh hưởng đến cảnh quan chung của đô thị.

Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị liên quan cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia để quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị phù hợp với thực tế hạ tầng đô thị, đảm bảo cảnh quan đô thị gắn với an toàn cây xanh...

Sau các sự cố ngã đổ cây xanh, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp để rút kinh nghiệm và đưa ra nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do sự cố cây xanh gây ra.

Cụ thể: tiếp tục rà soát, “khám sức khỏe” thường xuyên cho hơn 5.500 cây cổ thụ nhằm phát hiện khiếm khuyết của cây để xử lý kịp thời. Song song đó sẽ điều chỉnh, bổ sung quy trình chăm sóc cây xanh, đặc biệt là cây loại ba; trang bị thêm phương tiện phục vụ việc mé nhánh, tỉa cành cho cây xanh...

Ngoài ra, Sở GTVT sẽ kết hợp với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ xây dựng dữ liệu (bản đồ phân vùng gió, lốc xoáy) theo khu vực trên địa bàn TP, đồng thời mô phỏng đánh giá khả năng chịu sức gió của các cây trong vùng có nguy cơ để lên phương án xử lý, thay thế kịp thời.

Trước mắt, chúng tôi sẽ đề xuất UBND TP thực hiện ba việc trọng tâm:

+ Đốn hạ thay thế cây sâu bệnh, già cỗi, sam thân, bọng gốc, nghiêng nguy hiểm.

 + Hạ thấp chiều cao đối với cây có rễ ăn ngang, cành nhánh giòn, dễ bật gốc như sọ khỉ, lim xẹt, phượng vỹ...

+ Thay thế dần các loài cây tạp (cây tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngã đổ) bằng các chủng loài có nhiều đặc tính đáp ứng tiêu chí lựa chọn cây trồng đường phố (rễ ăn sâu, cơ lý tính phù hợp...).

* Được biết, Sở GTVT đã kết hợp với một trường đại học thực hiện đề tài về xác định nguy hại, đánh giá rủi ro và quản lý an toàn cây xanh đường phố TP.HCM, đề tài này sẽ mang lại tác động gì thưa ông ?

- Đề tài hiện đang được Trường Đại học Khoa học tự nhiên thực hiện, dự kiến quý II năm 2017 sẽ hoàn thành. Mục tiêu của đề tài nhằm đưa ra quy trình đánh giá rủi ro và quản lý an toàn cây xanh đường phố tại TP.HCM dựa trên các biểu hiện hình thái bên ngoài của các loài cây xanh được trồng phổ biến hiện nay.

Tuy nhiên, khó khăn rất lớn mà nhóm nghiên cứu đưa ra là bộ rễ của cây xanh nằm bên dưới lớp bê tông, hiện tại ở Việt Nam cũng như ở các nước tiên tiến trên thế giới không có bất cứ thiết bị máy móc nào có thể dò tìm được. Hơn nữa, hoạt động làm đường giao thông, làm vỉa hè, xây dựng cống thoát nước, cáp viễn thông ngầm, dây điện ngầm dưới mặt đường ảnh hưởng đến bộ rễ của cây xanh, chưa được các đơn vị quản lý, thi công trong lĩnh vực này quan tâm đúng mức.

Chúng tôi lưu ý người dân, khi có mưa to, giông lốc nên hạn chế ra đường và không ẩn nấp dưới tán cây. Khi gặp sự cố cây xanh, người dân có thể gọi số điện thoại tổng đài tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị 1022 hoặc điện thoại đường dây nóng của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh 08.39351351 hoặc 08.39557755.

* Xin cảm ơn ông!

Thu Hồng (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI