Cẩn trọng với dự án 'bình mới rượu cũ'

07/05/2017 - 05:40

PNO - Nhằm che giấu quá khứ không tốt về pháp lý, năng lực tài chính, tiến độ xây dựng... nhiều dự án âm thầm “thay tên đổi họ” rồi rao bán rầm rộ,ẩn chứa nhiều rủi ro mà không phải khách hàng nào cũng biết.

Can trong voi du an 'binh moi ruou cu'
Dự án Khu nhà ở P.Tam Phú, Q.Thủ Đức ban đầu được biết đến với tên Đạt Gia Residence, nay mang tên mới là Đạt Gia Centre Point

Gần đây, trên địa bàn P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM, thông tin quảng cáo rầm rộ về mở bán dự án Saigon South Plaza do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt Nam làm chủ đầu tư (CĐT)đã thu hút nhiều khách hàng đến mua. Dự án được giới thiệu có tổng cộng 290 căn hộ (diện tích từ 44m2 - 75m2/căn), 70 shop house, 400 ki-ốt.

Nhiều thông tin quảng cáo trên mạng internet khá hấp dẫn: “Căn hộ cạnh khu đô thị Phú Mỹ Hưng, giá chỉ từ 960 triệu đồng/căn (một phòng ngủ). Tỷ suất sinh lời từ 5%/3 tháng...”. Đặc biệt, CĐT đưa ra lịch thanh toán cực kỳ hấp dẫn mà hiếm có dự án nào bì kịp. Khách hàng chỉ cần bỏ ra 30% giá trị căn hộ cho đến khi nhận nhà.

Tính ra mỗi tháng, người mua chỉ phải bỏ ra khoảng 7 triệu đồng. Ngoài ra, thông tin quảng cáo còn cho biết, còn có nhiều chính sách cực kỳ ưu đãi khác đối với nhà đầu tư mua nhiều căn.

Thấy hấp dẫn, nhiều khách đã không ngần ngại “xuống tiền”. Thế nhưng, ít ai biết Saigon South Plaza chính là dự án Vinaland Tower tai tiếng kéo dài suốt nhiều năm trời. Cách đây khoảng bảy năm, CĐT dự án này từng lập ra “chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở Vinaland” để huy động vốn hàng trăm người nhưng sau khi CĐT đã thu tiền khách hàng, dự án vẫn “án binh bất động”; khách hàng khốn đốn, tìm đến doanh nghiệp đòi nợ liên tục và vụ việc “lùm xùm” kéo dài.

Khoảng cuối năm 2016, nội bộ doanh nghiệp còn xảy ra nhiều lục đục liên quan đến tranh chấp giữa các nhóm cổ đông khiến dự án gần như “đứng hình”. Trong khi đó, theo thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM, hiện dự án vẫn chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện mở bán theo quy định. 

Tương tự, thời gian gần đây, trên địa bàn P.Tam Phú, Q.Thủ Đức, TP.HCM xuất hiện dự án Đạt Gia Centre Point do Công ty cổ phần N.V.T. làm CĐT cấp 1 và Công ty TNHH Tư vấn và kinh doanh nhà Đạt Gia làm CĐT cấp 2 đã thu hút nhiều khách hàng đến tìm mua. Dự án được quảng cáo có giá dưới 1 tỷ đồng, có đầy đủ tiện ích, là nơi an cư lý tưởng cho các gia đình trẻ, với nhiều chính sách thanh toán, hỗ trợ hấp dẫn. 

Nhiều người thiếu thông tin cứ tưởng đây là dự án mới, nhưng thực tế, Đạt Gia Centre Point chính là dự án Khu nhà ở P.Tam Phú, Q.Thủ Đức, lúc mới mở bán, có tên là Đạt Gia Residence. Đây là dự án đã từng bị điều chỉnh tăng số lượng căn hộ từ 583 căn lên 1.006 căn. Điều đáng nói, vừa qua, dự án để xảy ra tai nạn lao động làm chết người nên đã bị các cơ quan chức năng đình chỉ thi công.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện dự án còn để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong xây dựng và đang bị xử lý. Thế nhưng, không phải khách hàng nào cũng biết những thông tin này khi dự án khoác chiếc “áo mới” Đạt Gia Centre Point.

Một dự án khác tai tiếng không kém là tổ hợp nhà ở - nhà ở xã hội Tân Bình ở P.15, Q.Tân Bình do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tân Bình làm CĐT. Lúc mới mở bán, dự án được biết đến với tên gọi Tân Bình Apartment. Sau một thời gian xây dựng, bán hàng, khoảng giữa năm 2016, công trình bất ngờ xảy ra tại nạn lao động chết người. Cơ quan chức năng kiểm tra thì phát hiện dự án xây dựng trái phép hàng loạt hạng mục.

Vụ việc vẫn đang trong quá trình giải quyết thì vừa qua, bất ngờ khách hàng phát hiện dự án mang tên mới... Tân Bình Tower. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện trên mạng internet, thông tin rao bán căn hộ dự án Tân Bình Tower đang được quảng cáo rầm rộ. Việc “thay tên đổi họ” một dự án đang tồn tại hàng loạt sai phạm rồi rao bán, chẳng khác nào “bẫy” khách hàng.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản có uy tín đóng trụ sở tại Q.1, TP.HCM, việc thay tên dự án được các doanh nghiệp áp dụng phổ biến trong thời gian gần đây. Có hai lý do: thứ nhất, CĐT thay tên dự án để phù hợp với chiến lược phát triển, chiến lược marketing của doanh nghiệp.

Thứ hai, CĐT muốn làm mới dự án của mình để che lấp những thông tin không tốt đã từng xảy ra. Cả hai trường hợp này là bình thường với điều kiện dự án không có sai phạm hoặc đã được CĐT khắc phục sai phạm. Việc dự án đang còn những sai phạm chưa được giải quyết mà CĐT đổi tên để bán hàng chẳng khác nào lừa khách hàng.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cảnh báo, hiện có bốn thủ đoạn lừa người mua nhà phổ biến trên thị trường hiện nay: thay tên dự án; thay tên CĐT; “vẽ” lại quy hoạch 1/500 để tăng thêm tiện ích không có thật; tăng giá bán so với giá CĐT đưa ra. Trong đó, việc thay tên dự án và thay tên CĐT phần lớn xảy ra với CĐT làm ăn chụp giật, dính nhiều tai tiếng, không bán được hàng; CĐT đổi tên dự án, tên doanh nghiệp nhằm che giấu quá khứ không tốt của mình, tránh bị khách hàng cảnh giác không mua. 

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàng - chuyên gia bất động sản - khuyến cáo, trước khi mua căn hộ cần có thói quen xem xét kỹ mặt pháp lý của dự án. Bởi, các quyết định phê duyệt dự án, quyết định giao đất, giấy phép xây dựng... sẽ cho khách hàng biết rõ tên thật dự án, tên CĐT, số lượng căn hộ, thiết kế, tiện ích... Luật Kinh doanh bất động sản quy định rất rõ: CĐT, đơn vị bán hàng có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ cơ sở pháp lý cho khách hàng.

Ngoài ra, các cơ quan có trách nhiệm cần quản lý chặt chẽ các dự án, cần buộc dừng bán hàng đối với dự án có sai phạm. Hiện nay, khi dự án xây xong móng, đủ điều kiện mở bán thì được các cơ quan chức năng cấp giấy phép bán hàng, nhưng khi phát hiện sai phạm thì ít có dự án nào bị thu hồi giấy phép mở bán. Đây là một bất cập cần chấn chỉnh.

Phan Trí - Huế An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI