Cần Giờ cần bãi tắm sạch, chứ không phải đô thị lấn biển

13/08/2018 - 06:00

PNO - Việc lấn biển tại Cần Giờ để xây đô thị biển không đạt mục tiêu mà thị trường đang cần, đó là bãi tắm.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM về quy hoạch khu đô thị du lịch biển Cần Giờ quy mô 2.870ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (TP.HCM), kỹ sư Doãn Mạnh Dũng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM - đánh giá vấn đề lấn biển Cần Giờ theo kinh nghiệm của hai tỉnh Ninh Bình và Kiên Giang.

Can Gio can bai tam sach, chu khong phai do thi lan bien
Sơ đồ ý tưởng 3 khu bãi tắm sạch tại Cần Giờ

Theo ông Dũng, bờ biển Ninh Bình nằm ở bờ Tây vịnh Bắc bộ. Tại đây, có dòng hải lưu tầng đáy chạy theo hướng Bắc Nam do chênh lệch nhiệt giữa Bắc và Nam vịnh Bắc bộ. Vì trái đất quay từ Tây sang Đông nên dòng hải lưu trên di chuyển theo chiều ngược lại. Tổng hợp hai chuyển động trên, dòng hải lưu đưa cát từ cửa Ba Lạt của sông Hồng về ven biển Ninh Bình.

Cứ khoảng 2 năm, cồn cát nhô lên trên mặt nước. Người dân ra cồn đắp đê nhỏ ven bờ phía Đông để lấn biển. Nếu để chậm 4 hay 5 năm thì cồn cát quá cao, sau này khó đưa nước ngọt ra để trồng trọt. Hiện nay, do có nhiều đập thủy điện ở thượng nguồn sông Hồng nên hiện tượng trên dừng lại.

Ở Kiên Giang có biên độ thủy triều rất thấp và là nhật triều. Biên độ tại Rạch Giá thực tế khoảng 0,8m. Vì vậy việc lấn biển tại Kiên Giang là thuận lợi. Vấn đề khó khăn là nền móng vùng lấn biển cần nhiều thời gian để ổn định.

Thế Cần Giờ thì sao? Ông Dũng cho biết, huyện này có 12km bờ biển. Biên độ thủy triều cao và lại là bán nhật triều. Cao nhất đến 5m và trung bình trên 3m. Dòng triều lên xuống kéo theo các chất lấn.

Can Gio can bai tam sach, chu khong phai do thi lan bien
Biển Cần Giờ

“Bờ biển Cần Giờ cũng chịu tác động của dòng hải lưu tầng đáy như Ninh Bình. Nhưng vùng này không có phù sa như bờ biển Ninh Bình mà là các chất dơ từ sông Lòng Tàu đưa về phía Nam. Vấn đề cơ bản của Cần Giờ không phải là thiếu đất để xây dựng đô thị biển, mà là không có bãi tắm sạch”, ông Dũng nói.

Do đó, việc lấn biển tại Cần Giờ để xây đô thị biển không đạt mục tiêu mà thị trường đang cần, đó là bãi tắm. Bên cạnh đó, như đã phân tích, việc lấn biển Cần Giờ là không khoa học và lãng phí về kinh tế. Hơn nữa, việc sử dụng chức năng quy hoạch của Nhà nước để chiếm hữu mặt tiền biển của dân là tạo ra mâu thuẫn không có hồi kết giữa các nhà đầu tư với người dân.

Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM đã từng đệ trình với Hội đồng Khoa học TP.HCM về ý tưởng xây dựng bãi tắm biển nhân tạo tại Cần Giờ với chiều dài 12km, rộng 2km, bao gồm 3 khu. Giữa các khu có mương thoát nước dơ ra biển. Xây dựng hệ thống đê bao bằng ống vải địa kỹ thuật với cao độ 5,5m, tức trên mức thủy triều cao nhất. Bơm cát tại chỗ đưa vào đê bao. Việc xây dựng đê bao có thể thực hiện bằng cơ giới nên giá thành rẻ. Tuổi thọ đê đạt 20-25 năm.

“Ý tưởng trên của tôi được Hội đồng khoa học cấp thành phố cho 6,3 điểm nên không được triển khai. Nhưng với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, chúng tôi hy vọng được đối thoại với lãnh đạo TP.HCM về dự án xây dựng bãi tắm nhân tạo Cần Giờ, thay vì đô thị lấn biển như chủ trương hiện nay”, ông Dũng tha thiết. 

Đoàn Vệ Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI