Các tỉnh đồng bằng đang tái nghèo nhiều hơn miền núi

17/09/2018 - 15:13

PNO - Đây là vấn đề bất hợp lý được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 76/2014 (giai đoạn 2017 - 2018).

Ngày 17/9, tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (giai đoạn 2017 - 2018).

Cac tinh dong bang dang tai ngheo nhieu hon mien nui
Toàn cảnh phiên họp

Bình xét hộ nghèo còn nể nang 

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung nhận định, nhiều mục tiêu trong nghị quyết đã vượt tiến độ đề ra.

Tuy nhiên, Nghị quyết 76 chưa đạt tiến độ quy định, việc chuyển đổi phương thức hỗ trợ người nghèo từ hỗ trợ cho không sang hỗ trợ có điều kiện triển khai còn chậm. Nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

Các chính sách giảm nghèo đã được tích hợp bước đầu nhưng vẫn còn dàn trải, thiếu tính hệ thống; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt.

Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống dưới 4% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020; tỷ lệ bình quân hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm xuống dưới 30%.

Cac tinh dong bang dang tai ngheo nhieu hon mien nui
Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhận định, thành quả giảm nghèo chưa bền vững. Quá trình tổ chức bình xét hộ nghèo còn hạn chế do tình trạng nể nang hoặc trục lợi chính sách.

“Kết quả phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật còn rất hạn chế, trong khi dư luận xã hội, báo chí phản ánh nhiều về các hành vi trục lợi chính sách, sai đối tượng, sai phạm trong sử dụng vốn, thất thoát, lãng phí, tham nhũng”- bà Anh nói.

Chủ tịch xã đưa người thân đi làm con nuôi để hưởng chính sách

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga dẫn chứng: dư luận và báo chí phản ánh nhiều về cán bộ đưa người thân không đúng vào đối tượng danh sách hộ nghèo để trục lợi chính sách. Hoặc các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, cây con giống không phải hộ nghèo…

“Nhiều bài báo phản ánh bò vẫn “đi lạc” vào nhà chủ tịch xã... Chúng tôi cũng muốn biết vụ việc đã được xử lý ra sao?”, bà Nga đặt câu hỏi.

Cac tinh dong bang dang tai ngheo nhieu hon mien nui
Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung 

Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung thừa nhận: “Việc này trước đây có thật. Tôi còn nghe nhiều người nói: thôi năm nay tôi nghèo được hưởng thì sang năm nhường cho người khác. Một số vụ việc trục lợi vừa qua báo chí nêu chủ yếu là ở một số nguồn hỗ trợ chứ không phải trong chương trình này".

Ông Đào Ngọc Dung khẳng định, khi chuyển sang tiêu chí nghèo thì công khai, minh bạch. Về cơ bản khắc phục được tình trạng trục lợi như trước đây.

Song, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận vẫn có một số xã ở Nam Định, chủ tịch xã cho cả con cái mình đi làm con nuôi người khác để nhận chính sách hỗ trợ. Có chủ tịch xã phải đi tù về chuyện này”.

“Một số trường hợp khi phát hiện đều bị xử lý nghiêm, không nương tay bất cứ trường hợp nào”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Không thể có chuyện đồng bằng sông Hồng tái nghèo nhiều hơn miền núi

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý đến việc phân tích tỷ lệ hộ nghèo, thoát nghèo, tái nghèo, tỷ lệ nghèo phát sinh mới không đồng đều, thậm chí bất hợp lý giữa các tỉnh đồng bằng sông Hồng tỷ lệ tái nghèo, nghèo phát sinh mới cao hơn các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong khi đó một số tỉnh thiên tai rất nhiều như Lai châu, Hà Giang tỷ lệ phát sinh nghèo ít hơn.

Cac tinh dong bang dang tai ngheo nhieu hon mien nui
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Chủ tịch Quốc hội băn khoăn: Cách xét hộ nghèo có trái với đạo lý người Việt Nam hay không, khi có trường hợp đưa cha mẹ già tách ra thành hộ để thụ hưởng chính sách nghèo?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn chứng, tỉnh Thái Bình hộ nghèo phát sinh mới 2.506 hộ; tỉnh Lai Châu khổ như vậy mà phát sinh có 1.581 hộ; Nam Định phát sinh 3.738 hộ, trong khi Hà Giang chỉ có 2.900 hộ.

Chủ tịch Quốc hội nhận định thống kê như vậy là chưa đúng, chưa đầy đủ, phát sinh bất hợp lý, cần phải phân tích đánh giá đúng để chính sách đi đúng đối tượng, đúng mục đích.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, cách bình xét tỷ lệ nghèo theo kiểu ấn xuống không chính xác được.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc: "Tỷ lệ ấn xuống thì làm sao chính xác được, năm nào cũng giảm 5% nhưng thực tiễn cuộc sống khác. Tôi từng là lãnh đạo địa phương, sốt ruột xuống xem hỏi tiêu chí xét hộ nghèo thì không thể xét được mà con số là cơ học".

Đan Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI