Cả huyện... phát sốt vì học trò mất ăn

06/10/2017 - 11:35

PNO - "Đi bộ từ nhà ra đây 4 tiếng, ví dụ học buổi chiều, 1h vô lớp, nó phải đi từ 9h, tới đây không có ăn trưa, chỉ có chết gục chứ học hành chi nổi... Kiểu này em mất học trò”. Lời cô giáo như bất lực.

Vào học được một tuần, cả huyện Tây Giang - tỉnh Quảng Nam nháo nhào lên vì quyết định 582 của Chính phủ ban hành ngày 28/4/2017, phê duyệt các thôn xã vùng đặc biệt khó khăn, trong đó qui định nơi nào thoát khỏi đặc biệt khó khăn thì không được trợ cấp các chế độ hỗ trợ. “Loạt pháo” này phủ ngay xuống học trò, lâu nay có chế độ bán trú. 

Ca huyen... phat sot vi hoc tro mat an
Nếu không được hỗ trợ bán trú, học trò sẽ bỏ học vì đói

Nguy cơ xóa tên trường

“Mình không biết, nhưng không có ăn thì nó không học được, từ đây ra trường xa lắm, không có xe đạp, xe máy, nhà nghèo đau không tiền mua thuốc”. Chị ngước nhìn khách. Đôi mắt người đàn bà Cơ tu như rợp bóng cây rừng, cố mở hết cỡ, như phó mặc.

Tôi bước vào cửa. Căn phòng chừng 10m2. Một cái giường và mấy miếng gỗ bệt đất, mấy cái xoong méo, ba nải chuối đang hườm. Đó là nơi cư ngụ lẫn tài sản của vợ chồng và 6 đứa con... Tôi  quay lại, chị đã ra sân ngồi bệt xuống dệt tấm dồ - một vật dụng của phụ nữ Cơ tu.

Chị tên là Pơ Long Thị PRách, thôn A Ching, xã A Tiêng, có hai con gái đang học lớp 6 và lớp 11. “Để dành cho con gái lấy chồng đó”. Dệt một tấm hết ba tháng, nếu bán thì được 500 ngàn đồng. “Con lớn bao nhiêu tuổi?”. “Không biết, nhưng học lớp 11, nó nói không được ở bán trú nữa thì nghỉ thôi, vì  đi bộ không nổi”. “Nghỉ làm chi?”. ”Thì lấy chồng”.

Nơi đó, đường sá cheo leo, nắng thì tróc da, mưa thì bùn ngập gối, lũ rừng như thác, dốc đứng như cây chò, con mắt muốn thoát mù chữ, phải đánh đổi nhiều khi cả tính mạng. Học trò miền núi giờ đã biết chỉ đi học mới hết khổ, nhưng chữ rơi hết dọc đường, khi ý chí không thắng nổi cơn thét gào như từ ruột máu mà ra. Chân trần dẫu cố bấm trơn tuột, cũng đành thả trôi...

Tôi nghe như có tiếng gió rít nhè nhẹ trong cơn mưa núi ập tới, táp vào vách nứa đã mục, như lời phán quyết bất lực của mẹ với hành trình đời con trong căn nhà xiêu vẹo lạc lõng bên vệ đường, lọt giữa cây rừng thâm u.

“Đây anh, dãy bán trú được năm năm rồi, bây giờ mà không có chế độ, thì dãy này cũng bỏ, nghĩa là xóa luôn tên trường”, cô giáo Hồ Thị Tâm, hiệu trưởng trường PT Dân tộc Bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi, buông lời buồn xo.

Ba tuần qua, là chuỗi ngày căng thẳng, 182 học trò bán trú, nếu chiếu theo quy định trên, thì 180 em sẽ không được ở. Ngày đầu tiên khi biết tin, 64 đứa bỏ học liền. Trước đây, Nghị định 116 của Chính phủ ban hành ngày 18/7/2016 về chính sách hỗ trợ học sinh và trường ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, trong đó có qui định học sinh cách điểm trường 4 - 7km thì không được ở bán trú, xác định đi - về được, thực ra là cách nhà nước giảm bớt trợ cấp, nhưng người làm qui định đâu có biết, 7km đèo dốc miền núi là như 70km ở đồng bằng, học trò đi sao nổi.

Cái kiểu đo bước chân, luận sức khỏe, khác chi chuyện “nghe nhạc hiệu, đoán chương trình”. Học trò bỏ học hàng loạt. Tỉnh xem xét, hạ xuống còn 5km, cũng bỏ.

Ca huyen... phat sot vi hoc tro mat an
Bữa ăn của học trò bán trú miền núi. Nếu không được hỗ trợ, các em sẽ nghỉ học

Nay thêm quy định này, như sấm nổ trời quang. “Em lấy ví dụ, học sinh ở thôn A Chinh, thuộc A Tiêng, là xã trung tâm huyện đây, phải đi qua cầu treo, lội suối, đèo cao ngất, đường luôn sạt lở, rồi các thôn BRượp, Ta Ri của xã A Nông, đi bộ từ nhà ra đây 4 tiếng, ví dụ học buổi chiều, 1h vô lớp, nó phải đi từ 9h sáng, tới đây không có ăn trưa, chỉ có chết gục chứ học hành chi nổi. Cha mẹ không có xe máy, xe đạp thì cũng bỏ. Kiểu này em mất học trò rồi”. Lời cô giáo không thảng thốt nữa, mà như xuôi tay, bất lực.

Mấy đứa học trò đen nhẻm, ù chạy khi thấy máy ảnh. Cậu bé tên A Rất Toàn, thôn A Cấp, xã A Nông, học lớp Sáu, ngồi nép góc giường, cô giáo gọi hai lần mới chịu ấp úng. Từ nhà, nó đi bộ ra đây hơn ba tiếng đồng hồ. “Dạ con đi không nổi, xin cô cho con học...”. Nó nhìn cô, cầu khẩn.

"Bao nhiêu đứa đã xin như vậy, em chỉ biết khóc. Trường đã dốc hết số gạo còn từ năm ngoái, xin mì tôm và chỉ cầm cự được một tuần thôi. Con đường bỏ học là không tránh khỏi rồi”. Tôi ngó mấy đứa đang rượt đuổi nhau ngoài sân, vô tư, đâu biết nhánh rẽ xuống vực tối thất học đã hiện ra.

Nơi đó, đường sá cheo leo, nắng thì tróc da, mưa thì bùn ngập gối, lũ rừng như thác, dốc đứng như cây chò, con mắt muốn thoát mù chữ, phải đánh đổi nhiều khi cả tính mạng. Học trò miền núi giờ đã biết chỉ đi học mới hết khổ, nhưng chữ rơi hết dọc đường, khi ý chí không thắng nổi cơn thét gào như từ ruột máu mà ra. Chân trần dẫu cố bấm trơn tuột, cũng đành thả trôi...

"Nếu theo quyết định này, thì 128/525 em sẽ  phải bỏ học, bởi nơi xa nhất là giáp với Lào, đi đến đây là 60km đèo dốc, học trò toàn đi bộ, không được ăn ở, lấy sức đâu mà học!”. Thầy Nguyễn Công Tươi - Hiệu phó trường THPT Tây Giang, quả quyết. 

Từ bữa khai giảng đến giờ, huyện này như phát sốt, Ban Dân tộc, sở, UBND tỉnh rồi huyện, họp miết, khẩn, mà bế tắc, bởi không thể để học trò bỏ học, nhưng học thì lấy chi mà ăn? Giọng thầy não nề: “Đây, thôn A Ur, xã A Vương, đi bộ từ nhà đến trường là 6 tiếng đồng hồ, tuyệt đối không xe cộ vì không có đường, học trò một năm về nhà một lần vì xa quá, bây giờ không cho ở nội trú, thì nhất định bỏ học. Tụi tôi lo muốn tâm thần luôn, nhưng bó tay rồi”.

Cũng tại... nông thôn mới

Thoát ra khỏi xã đặc biệt khó khăn là sự cố gắng để không còn cái nghèo ám ảnh, không còn bám vào ngân sách, ỷ lại nhà nước, và cũng bởi đường đua... nông thôn mới đang hút vào. A Nông là xã điểm về nông thôn mới ở miền núi Quảng Nam, cuối 2014 đã được công nhận. 

Ông Y Đên Bốn - Chủ tịch xã, cứ cười cười trên ghế, rồi nghẹo đầu qua một bên. “Cả cấp II và III có 91 em không được bán trú, bà con chửi loạn lên, không cho ăn ở, thì sao học được. Từ thôn xa nhất tới huyện  là 14 cây số, qua ba con suối, bốn cái đèo, đi bộ giỏi thì 4 tiếng, xe máy thì phải đi số 1 mới bươn nổi, con nít làm răng mà đi”. 

Ca huyen... phat sot vi hoc tro mat an
Lội suối, vượt dốc đến trường, chuyện thường thấy ở học trò miền núi Quảng Nam

“Xã anh là nông thôn mới đầu tiên ở miền núi, giàu mà”. “Giàu chi mà giàu”. “Bao nhiêu hộ nghèo?”. “23/215 hộ”. “Thu ngân sách được bao nhiêu?”. Ông cười sằng sặc: “Có đồng mô đâu, bà con làm nương rẫy, tự cấp tự túc bao đời. Một năm huyện phân bổ 100 triệu đồng chi thường xuyên, năm khó quá thì không có”. “Nghèo vậy thì sao là nông thôn mới?”. Ông thả giọng như rớt cái bịch xuống nền nhà, kéo dài giọng ra như giễu nhại: “Chủ trương mà anh...”, rồi cười hô hô. 

“Thu nhập bình quân bao nhiêu?”. “39 triệu đồng/người/năm”. Đến lượt tôi trố mắt. “Anh có lộn không, nghèo xác xơ mà tiền đâu lắm thế?”. Ông xòe bàn tay, nhẩm: “Năm 2014, thu nhập 17,3 triệu đồng/năm, năm 2015 là 23 triệu đồng, nay là 39 triệu đồng”.

“Con số này ở đâu ra?”. “Thống kê chứ đâu”, giọng ông chua chát như đã đến đỉnh điểm: “Ai đời, họ lấy tiền lương, thu nhập cán bộ xã, cộng với thu nhập hộ dân, chia ra bình quân, mà dân không làm ra đồng nào. Tôi chủ tịch xã, lãnh lương ra có chia cho dân không? Không bao giờ! Vậy thì làm sao mà tính bình quân, nhưng họ cứ tính. Rồi nông thôn mới là phải thoát nghèo, bà con phải đăng ký, thấy người ta làm mình phải làm. Chủ trương đòi như thế, mình không chịu là nó kiểm điểm chết”.

Tôi ngó sang ông A Rất Thương - Bí thư xã, thấy ông cười, lắc đầu vẻ ngao ngán. “Tôi nghe nói, chuyện học trò không có tiền ăn ở bán trú, sẽ phải áp dụng mô hình bán trú dân nuôi, tức là xã sẽ hỗ trợ cùng bà con... Cái này mới chết này, xã tôi có quỹ dự phòng 30 triệu đồng/năm, đâu chi bậy  bạ được, nếu huyện ép thì phải đưa ra hội đồng nhân dân, rồi chi, nhưng sau đó phải làm hóa đơn chứng từ giả để hợp lý, không thì kỷ luật chết”.

Ông Thương góp thêm: “Tôi nghe thông tin hai xã Ba Lê và A Xan phát đơn xin rút khỏi phấn đấu nông thôn mới”. Tôi hỏi ông Bốn: “Vậy nông thôn mới được chi, không được chi?”. “Được cũng có mà hại cũng lắm, chừ đang hại đó...”.

Tôi phóng xe về huyện, mấy bận leo dốc, nhớ Phó chủ tịch xã A Tiêng là Pơ Loong A Công nói rằng, không phân biệt được nghèo và thoát nghèo ở miền núi đâu, bởi nhà nào cũng một bữa ăn chỉ hai món là cơm và canh rau, đi củi cả ngày được một bó 10 ngàn, ăn cả ngày.

Ngột ngạt. Nghịch lý chua chát giữa đói nghèo, khát khao áo cơm, con chữ và bệnh thành tích thâm căn cố đế, hô hào thi đua tiến lên như thuở Bút Tre từng vung bút: “Hàng đầu không biết đi đâu - đi đâu không biết hàng đầu cứ đi”.

Một gánh củi, một bó rau rừng gùi từ bản xa ra đổi thịt, cá sống qua ngày, bẽ bàng kêu trời vì danh hiệu. Lời một cán bộ ở tỉnh vang bên tai: Tỉnh thấy trước rồi! Vậy, thấy nhà sẽ cháy, sao lại để nó thiêu trụi rồi mới tìm nước dập lửa? Bóng một phụ nữ Cơ tu đang trĩu nặng cái gùi, trên lưng là mấy gốc măng rừng đang đi từ dốc xuống, lướt nhanh qua tôi hình ảnh những đứa trẻ nếu đường học bị đứt gãy, thì cũng sẽ như cây măng rừng mới nhú, đã bị phạt ngang. 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI