Bước thật êm để đất được yên…

24/07/2017 - 12:05

PNO - Trong dòng người đang lặng lẽ trở ra cầu tàu, tôi nhận được lời dặn từ Bến Dược, Củ Chi, hãy bước thật nhẹ bạn nhé, vì đất ở Hàng Dương toàn máu và thịt xương của các chị các anh, bước thật êm để đất được yên…

Trời chiều tháng Bảy, nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo như sẫm lại, bước những bước chân thật chậm và khẽ, bà đi về hướng khu C, nơi có những đồng đội của mình yên nghỉ. Giữa màu xanh của cây cỏ, giữa những hàng bia mộ có tên lẫn không tên, bộ bà ba đen khoác thêm chiếc khăn rằn, cứ dừng lại, lặng thinh, ngồi xuống, tôi vô tình được chứng kiến cái khoảnh khắc hội ngộ của ký ức và thực tại, của những con người đang lần bước trở về ngay trên miền cát trắng xương khô…

Buoc that em de dat duoc yen…
Đoàn công tác của Thành ủy TP.HCM do bà Nguyễn Thị Quyết Tâm dẫn đầu viếng nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo

Đây là Xuân, là Cúc, là Tân, là Thanh, là Bé Sáu… chị em chúng tôi tuy ở khác phòng nhưng rất thân thiết, thường quan tâm, chăm lo cho nhau, động viên rèn luyện ý chí và giữ vững khí tiết của người cộng sản trong lao tù. Tồn tại ngay địa ngục trần gian, kiệt sức cho đến ngày ra đi. Có chị bị kiết lị, địch đem thuốc vào nhà giam, ép chị phải chào cờ thì mới cho chích để cầm cơn, chị nhất định không chào, địch quăng ống kim xuống đất. Đêm đó, chị trút hơi thở sau cùng.  

Thi thể các chị được quấn lại trong tấm vải, đưa lên cái xe hòm, lính ngục đẩy tới những khu huyệt đào sẵn, chúng kéo đáy hòm rồi lấp đất, không để lại một cái tên hay dấu vết. Anh em bạn tù đợi đến khuya, lần ra, đánh dấu lên đó là mộ phần của đồng chí mình. Địch phát hiện, xóa đi, anh em lại tìm cách ghi dấu, nhất định không để một ai bị vùi lấp trong vô danh. Tất cả cứ diễn ra, từ đêm qua ngày, như một cuộc chiến để giữ tên cho người nằm xuống. 

Mỗi năm, bà lại cùng chồng, cũng là một cựu tù Côn Đảo, trở lại Hàng Dương. Phú Hải, Phú Bình, Chuồng cọp, Chuồng bò, khu A khu F… vẫn còn nguyên dấu tích. Đồng đội bà, như bà Tư Ni, ra đảo ở hẳn, chỉ để thấy mình gần hơn với anh chị em, để vẫn thường xuyên ghé vào hương khói, trò chuyện với các đồng chí năm xưa. 

Buoc that em de dat duoc yen…
Bà về lại nơi đồng đội yên nghỉ, bước đi thật chậm và khẽ... Ảnh: Ái Mỹ.

Đêm Hàng Dương 22/7, khuya qua còn mưa gió tơi bời, nay khô ráo hẳn, bà lại gọi tên đồng đội với một tâm nguyện sống có ích cho ngày mai được dẫn dắt từ hôm qua. Bà là Bảy Thư, tức Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước CH XHCN Việt Nam. 

***

Đêm 22/7, trong chương trình cầu truyền hình Linh thiêng Việt Nam do Đài Truyền hình TP.HCM thực hiện nhằm kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, từ điểm cầu Hàng Dương - Côn Đảo, khi bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM xúc động chia sẻ cái khoảnh khắc “Mùa biển động, tôi về đây đứng lặng/ Nghe rì rầm, tiếng vọng từ Hàng Dương…”; khi chính bà, ở tuổi lên 9 đã bươn vào rừng để gặp cha, 13 tuổi vượt Trường Sơn ra Bắc, nói tôi đã hiểu thế nào là sự mất mát hy sinh, có những người bước vào cuộc chiến khi chưa được một lần nói tiếng yêu hay có những người sinh con, gửi lại rồi ra đi mà không bao giờ trở về…

Từ điểm cầu Bến Dược, có một người đã không kìm được nước mắt. Chị đang ngồi ngay tại ngôi đền thiêng có khắc tên cha chị. Chị đang ở gần An Tịnh, Suối Sâu, nơi cha chị đã ngã xuống khi chị mới 7 tháng tuổi. Chỉ một lần được ẵm con, giặt tã cho con, rồi ông không trở lại. Cũng còn may, ông đã kịp đặt tên con, Bích Châu, (tức bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMT TQ TP.HCM).  

Cũng tại điểm cầu Bến Dược, chị Hoàng Thị Thúy có mặt với câu chuyện 50 năm đi tìm mẹ. Chị không nói gì. Như chính cuộc trùng phùng thinh lặng của chị với người mẹ - liệt sĩ Hoàng Thị Kim. Người trở về với lá quốc kỳ bao bọc. Trang trọng lắm mà cũng đau xót lắm. Đứa con trưởng thành với hình hài nguyên vẹn lại đón chào người sinh thành ra mình trong một nắm đất khô. “Mẹ ơi, mẹ ở đâu…”, “Mẹ ơi, mẹ ở đây…”, tôi nghe như muôn ngàn tiếng khóc đang ri rỉ từ đất, từ nước, từ cỏ cây rơm rạ… Để Đất Nước này không được phép lãng quên...

Buoc that em de dat duoc yen…
 

Qua sóng truyền hình, thêm một lần kết nối, câu chuyện một người mẹ Việt Nam anh hùng trong hàng ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mỗi chiều bà lại bắc ghế ra cửa chờ con, phải khi mặt trời đứng bóng, bà mới chịu vô nhà. Linh tính nào mách bảo con của má còn sống hay tình yêu son sắt không lay chuyển nổi trái tim của một người mẹ. Như cái đêm nằm nghe tiếng pháo dội về từ Đồng Dù, bà không ngủ được, khi một loạt tiếng nổ lớn, bà thốt lên, tiêu thằng nhỏ rồi… Đêm ấy, con của má ra đi vĩnh viễn. 

Tôi tin chắc, không nơi nào như ở đây, sự mất mát, hy sinh chỉ vướng lại nơi đôi ba câu từ dân giã ấy, thế rồi thôi, lặng im mà nuốt thẳm vào trong, cứ nhẹ bâng mà khoát tay, đằng nào thì…

Đêm 22/7, từ Hàng Dương, cột nhang khổng lồ được đốt và thắp vào trong trời đất linh thiêng, nối liền với nghĩa trang Vị Xuyên, với dọc dài biên địa Hà Giang còn gần 2.000 chiến sĩ chưa được quy tập và nhiều hơn thế những anh linh của mọi miền đất nước. Trong dòng người đang lặng lẽ trở ra cầu tàu, tôi nhận được lời dặn từ Bến Dược, Củ Chi, hãy bước thật nhẹ bạn nhé, vì đất ở Hàng Dương toàn máu và thịt xương của các chị các anh, bước thật êm để đất được yên… 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI