Bùng phát nạn lừa đảo qua ngân hàng dịp cận tết

08/12/2017 - 08:13

PNO - Lừa đảo qua điện thoại, email là những chiêu trò không mới, đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần.

Nhưng, vào thời điểm cuối năm, hình thức lừa đảo này lại bùng phát với nhiều mánh khóe, chiêu trò hết sức tinh vi. Không ít người dân, doanh nghiệp đã dính “bẫy”.

Bung phat nan lua dao qua ngan hang dip can tet
Một nhóm đối tượng lừa đảo qua điện thoại đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) và Công an Q.3 triệt phá thành công

Sập bẫy lừa, mất hàng chục tỷ đồng

Ngày 7/12, anh Nguyễn Hải Y - công nhân, ngụ tại tỉnh Bình Dương - phản ánh với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM: ngày 4/12, các đối tượng từ trang hososukien24h.com gửi thông báo chúc mừng anh đã trúng thưởng giải nhất chương trình “tri ân cuối năm” gồm xe SH150i và 2 tỷ đồng. Để nhận thưởng, anh Y phải đóng 3 triệu đồng phí làm hồ sơ.

Ngày hôm sau, anh Y liên tục nhận được cuộc gọi từ số 0907385xxx yêu cầu chuyển 8,6 triệu đồng, sau đó tăng lên 20 triệu đồng rồi 30 triệu đồng tiền vận chuyển xe và phí trước bạ. Khi anh Y đến ngân hàng nộp “phí” 30 triệu đồng thì biết việc trúng thưởng là lừa đảo. Tương tự, do tin vào chương trình “trúng thưởng cuối năm”, anh Nguyễn Xuân Chiến - ngụ tại Q. Tân Bình, TP.HCM - bị các đối tượng dùng trang hososukien24h.com lừa nạp 3 triệu đồng tiền card điện thoại.

Cùng chiêu “trúng thưởng” nói trên, nhiều đối tượng sử dụng số điện thoại 0283.xxx.622 tự xưng “nhân viên bưu chính viễn thông” gọi điện, thông báo trúng thưởng; nhiều người cả tin, ham trúng thưởng đã sập bẫy nhóm này.

Đầu tháng 12/2017, một số ngân hàng dán lời cảnh báo của cơ quan chức năng về nạn lừa đảo qua giao dịch ngân hàng. Thượng tá Phan Hồng Phúc - Phó trưởng Công an Q.3, TP.HCM - cho biết, trên địa bàn Q.3 đang tái diễn thủ đoạn giả danh cơ quan pháp luật để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua giao dịch ngân hàng. Công an Q.3 đã đề nghị công an 14 phường thông báo đến từng hộ gia đình về các chiêu thức lừa đảo để nâng cao cảnh giác. 

Cụ thể, sáng 19/10, bà Trần Thị Lan - ngụ tại P.9, Q.3 - nhận được cuộc điện thoại thông báo thiếu ngân hàng Sacombank Hà Nội 16.858.000 đồng và hướng dẫn bà nói chuyện với một người tự xưng là thượng úy Nguyễn Thành Lợi thuộc cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội. Người này cho biết, bọn tội phạm buôn ma túy, rửa tiền sử dụng chứng minh thư của bà Lan lập tài khoản ngân hàng rồi dùng tài khoản đó vào mục đích phạm tội.

Người tự xưng công an yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin cần thiết. Biết nạn nhân sợ hãi, đối tượng lừa đảo yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản để “cơ quan công an kiểm tra” và hứa sau khi xác minh sẽ trả lại, đồng thời yêu cầu phải tuyệt đối giữ bí mật để không ảnh hưởng đến công tác điều tra.

Khoảng 13g45 cùng ngày, bà Lan đã đến ngân hàng Vietinbank số 1, đường Nguyễn Thông, P.9, Q.3 chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng lừa đảo cung cấp. Sau khi chuyển tiền, bà Lan nghi ngờ mình bị lừa nên nhờ ngân hàng kiểm tra lại thì biết số tiền mình chuyển đã bị rút hết ngay tại chi nhánh ngân hàng Vietinbank Lạng Sơn. Sau đó, bà Lan đến cơ quan công an trình báo sự việc.

Tương tự, 13g ngày 20/10, bà Nguyễn Ngọc Hoa - ngụ tại P.2, Q. Phú Nhuận, TP.HCM - nhận điện thoại của “nhân viên bưu điện” thông báo bà đang nợ tiền điện thoại 8.930.000 đồng và yêu cầu bà Hoa phải trả tiền ngay, nếu không sẽ bị cắt điện thoại. Nhóm lừa đảo yêu cầu nạn nhân phải chuyển số tiền 1 tỷ đồng vào một tài khoản ngân hàng có chi nhánh tại Lạng Sơn. Sau khi chuyển tiền, bà Hoa nghi ngờ, kiểm tra lại thì biết mình bị lừa. 

Đại diện VNPT cảnh báo, số 18001166 của VNPT là tổng đài bán hàng qua điện thoại, chỉ tiếp nhận các cuộc gọi đến, không bao giờ phát sinh các cuộc gọi đi. Vì vậy, tất cả các cuộc gọi đến điện thoại cố định nhắc nợ cước hiển thị số 18001166 đều là giả mạo, không phải cuộc gọi từ VNPT.

Công an TP.HCM cho biết, ngày 19/11, đơn vị này đã ra quyết định khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo đơn tố giác của một cụ ông 80 tuổi ngụ tại Q.10. Ông cụ này tố cáo mình bị các đối tượng giả công an yêu cầu chuyển 5,3 tỷ đồng vào một tài khoản để “kiểm tra”. Sau khi chuyển, số tiền đã một đi không trở lại.

Không chỉ người dân, các đối tượng lừa đảo còn nhắm vào các doanh nghiệp hoặc giao dịch qua mạng. Bọn này thường hack (đánh cắp dữ liệu) email của doanh nghiệp lấy thông tin giao dịch, hợp đồng, sau đó lập một tài khoản gần giống của doanh nghiệp để gửi thư cho đối tác của doanh nghiệp, yêu cầu thay đổi tài khoản nhận tiền thanh toán theo ý của chúng.

Ông Trương Thái Sơn, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu ở Q. Thủ Đức, TP.HCM đã đến cơ quan công an tố cáo việc bị đánh cắp email, chiếm đoạt 3 tỷ đồng. Ông Sơn cho biết, ông thường sử dụng email “thaisonco55” để giao dịch với các đối tác tôm giống ở Thái Lan. Hai bên thỏa thuận mua bán hơn 1.000 con tôm giống. Sau đó ông Sơn nhận được email yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản được mở tại BIDV và Vietcombank, ông đã chuyển 3 tỷ đồng nhưng đối tác thông báo chưa nhận được. 

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Đồng Nai cũng vừa bắt hai đối tượng (đang được giấu tên để phục vụ điều tra) tại nhà riêng ở TP.HCM vì nằm trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng bằng thủ đoạn đột nhập email của các cá nhân, doanh nghiệp, giả các giao dịch làm ăn… Trên danh nghĩa là tiệm cầm đồ, chủ tiệm vàng, các đội tượng này đã lập tài khoản và lừa được 30 tổ chức, cá nhân với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Vì sao “thông tin bí mật” bị rò rỉ?

Theo các nạn nhân, sở dĩ họ dễ dàng tin các đối tượng lừa đảo vì các đối tượng thường sử dụng số tổng đài cố định 18001166 của VNPT. Thêm vào đó, bọn tội phạm biết rất rõ tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, hộ khẩu, tài khoản ngân hàng, số tiền đang có trong tài khoản… nên người bị hại tin rằng người gọi cho mình là người của cơ quan chức năng.

Tiến sĩ Chu Nguyên Bình - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á - cho biết, tại Đài Loạn, Trung Quốc các đối tượng đã áp dụng chiêu thức lừa đảo này từ nhiều năm trước. Chúng thiết lập nhiều đường dây khác nhau từ nước ngoài về Việt Nam.

Cụ thể, sẽ có một nhóm hacker chuyên phá hệ thống bảo mật, lấy cắp thông tin cá nhân của người dân; một nhóm khác nhận nhiệm vụ tuyển chọn người Việt Nam, đưa ra nước ngoài đào tạo về cách khống chế, điều khiển, ức chế tâm lý con người từ xa qua điện thoại.

Một mặt, các đối tượng này dụ dỗ người lao động nghèo mở tài khoản ngân hàng, đăng ký thẻ ATM để được hưởng 200.000 - 300.000 đồng, hoặc chúng chỉ cần chi 1 - 2 triệu đồng để mua lại thẻ ATM của người dân để mang đi lừa đảo. Sau khi đã chuẩn bị bài bản, các đối tượng ở nước ngoài sử dụng các thiết bị công nghệ cao để giả đầu số điện thoại hiển thị trên màn hình điện thoại người nhận, thậm chí giả luôn số tổng đài của VNPT, Bộ Công an. 

Về chiêu trò giả “nhân viên bưu chính viễn thông” lừa đảo, bà Nguyễn Thị Thu Vân - Giám đốc Bưu điện TP.HCM - cho biết, hiện cả bưu điện và VNPT TP.HCM đều không sử dụng đầu số 083xxx622 và không có chương trình quay số trúng thưởng. Việc sử dụng số điện thoại nói trên và tự xưng “Công ty Bưu chính Viễn thông” là giả mạo.

“Thực tế, các chương trình quay số trúng thưởng hay tặng quà tri ân của các doanh nghiệp luôn được công bố rộng rãi. Khi nhận quà, các doanh nghiệp hầu như không bắt buộc khách hàng phải đóng thêm bất cứ khoản tiền nào. Hình thức nhận thưởng như phản ánh, theo tôi, là mạo nhận và lừa đảo” - bà Vân nhận định.

Đại tá Nhữ Thị Minh Nguyệt - Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an - cho biết, các đối tượng lừa đảo không chỉ am hiểu tâm lý nạn nhân mà còn rành về công nghệ thông tin nên có thể dễ dàng lấy được thông tin nạn nhân qua mạng. Trong số các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng, phần lớn là phụ nữ; tội phạm thường lợi dụng tâm lý mềm yếu của phụ nữ để hù dọa, dụ dỗ. 

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cho biết, các chiêu thức lừa đảo như trên thường rộ lên vào dịp cuối năm. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại quy trình lập tài khoản, cấp thẻ ATM, đặc biệt là công tác nhận dạng người mở tài khoản, đồng thời yêu cầu nhân viên ngân hàng chú ý các giao dịch bất thường để kịp thời phối hợp với cơ quan điều tra. 

Công an TP.HCM “điểm mặt” các tài khoản lừa đảo

Đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết, đã tiếp nhận điều tra rất nhiều vụ chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn thực hiện các cuộc gọi qua internet đến nhiều số thuê bao cố định. Các băng nhóm này thường giả nhân viên viễn thông, công an, viện kiểm sát hù dọa nạn nhân có liên quan đến đường dây tội phạm quốc tế, rửa tiền, buôn bán ma túy số lượng lớn.

Qua điều tra, công an xác định, các đối tượng lừa đảo sử dụng các số tài khoản sau để yêu cầu bị hại chuyển tiền vào: 00951004182410 mang tên Phan Văn Quyền; 109000929232 mang tên Nguyễn Thị Điệp; 107000946257 mang tên Nguyễn Thị Phương; 106000898345 mang tên Nguyễn Thị Hải; 46010002990933 mang tên Nguyễn Thị Phương; 050071045738 mang tên Hoàng Văn Huân; 0551000290300 mang tên Phạm Thị Quỳnh Nga; 0951004182495 mang tên Trần Nhật Dương; 0951004181289 mang tên Đào Thùy Linh; 0551000290146 mang tên Hoàng Văn Hùng, 0951004182460 mang tên Vũ Ngọc Kiều, 0711000260859 mang tên Phạm Thị Hương; 1008724675 mang tên Hà Văn Điện; 4441000055765 mang tên Nguyễn Thị Phương; 20043280687 mang tên Phạm Công Tuấn Anh; 20043562852 mang tên Nguyễn Văn Đảng; 30034470916 mang tên Đinh Thị Tý; 30035602506 mang tên Nguyễn Thị Phương; 20047135551 mang tên Phạm Thị Hương. Cơ quan công an khuyến cáo, người dân không nên thực hiện giao dịch với các tài khoản nói trên.

 Thanh Hoa - Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI