BOT Cai Lậy và cái rào chắn

04/12/2017 - 08:35

PNO - Cuộc tỉ thí ấy, cho dù ngã ngũ và được định đoạt trong nay mai thì cũng chẳng hề có kẻ thắng người thua của hai “chiến tuyến”: tài xế, doanh nghiệp vận tải, nhân dân - chủ đầu tư BOT Cai Lậy.

Đỗ chắn xe ngay tại trạm thu phí, rồi tranh thủ leo lên cabin… lau kiếng; hết tiền lẻ lại đến tiền xu, gom cả 10 ký để phân phát mua vé, sau khi chiêu “25+1” đã bị chủ đầu tư “hóa giải”… Những tiếng cự cãi, la hét, giằng co náo loạn, có khi chuyển thành tiếng cười, vỗ tay “ăn mừng”…

BOT Cai Lay va cai rao chan
 

Lạ là, khác hẳn vẻ rình rang của ngày 30/11, trong 3 ngày cuối tuần, mặc cho điệp khúc lập trạm - xả trạm liên tục diễn ra, không có bất cứ ai - là người có trách nhiệm công quyền - xuất hiện và có tiếng nói giải quyết. Hoặc ngay cả khi đã có mặt tại hiện trường, chứng kiến toàn cảnh hỉ nộ của cánh tài xế, tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cũng “giữ quyền im lặng” bởi ông không có quyền phát ngôn. Chả nhẽ, trong cái quy trình hình thành nên BOT: xây dựng - vận hành - chuyển giao, còn gắn thêm hai chữ… bỏ mặc! 

Tất cả cứ hỗn loạn và… xấu xí. 

Tất cả cứ thách thức và thi gan. 

Hễ ách tắc đoạn dài chừng 500m thì các nhân viên trạm tự xả trạm; vừa thông thoáng thì nhân viên lại kéo rào, đóng trạm để thu phí. Cùng lưu thông trên một đoạn đường, trong một lãnh thổ mà lúc này, xe này thì bị thu phí; xe khác, lúc khác lại được miễn phí. Tự phát. Tùy tiện. Kỳ quặc. Và cứ kéo dài đến tận hôm nay, như thể, ai không đủ sức đeo bám “trơ gan cùng tuế nguyệt” thì đành bỏ cuộc vậy! 

BOT Cai Lay va cai rao chan
 

Và thật sự, ai trong cuộc “tỉ thí” này sẽ bỏ cuộc: là Bộ Giao thông Vận tải với lý lẽ “thủ tục đầu tư của dự án BOT Cai Lậy đúng quy trình, không sai quy định của pháp luật” - theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật vào tối 1/12, sau khi viện dẫn các Nghị định 108 - 30 -15; hay là đòi hỏi của giới tài xế, doanh nghiệp vận tải và một bộ phận nhân dân di dời trạm thu phí vào tuyến đường tránh thị trấn Cai Lậy, nhà nước trả lại cho chủ đầu tư 300 tỷ đồng đã chi để sửa lại 26,5km mặt đường quốc lộ 1. 

Ba trăm tỷ ấy, trích xuất từ khoản thuế mà người dân đã đóng vào ngân sách đường bộ; hoặc nhà nước phải tính toán, cân đối các nguồn thu mà chi trả bởi xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, phục vụ người dân (đã đóng thuế) là chức trách của nhà nước (sử dụng tiền thuế). 

Cuộc tỉ thí ấy, cho dù ngã ngũ và được định đoạt trong nay mai thì cũng chẳng hề có kẻ thắng người thua của hai “chiến tuyến”: tài xế, doanh nghiệp vận tải, nhân dân - chủ đầu tư BOT Cai Lậy. Nó chỉ phản ảnh một cách trung thực những bất cập và lỗ hổng về mặt cơ chế; là phép thử cho những trục lợi chính sách và kẻ đầu tư phi thị trường.

BOT Cai Lay va cai rao chan
 

Một khi các công đoạn phê duyệt, kiểm tra, kiểm định tổng mức đầu tư thực tế một dự án BOT còn thiếu minh bạch, công khai thì cơ hội cho những nhà đầu tư chuyên giao dịch… dưới gầm bàn là vô kể, dẫn tới chất lượng dự án và tiến độ khó kiểm soát về thời gian thu phí. Rốt cuộc, người thụ hưởng - nhân dân - lãnh đủ. 

Chắc chắn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tường minh thực trạng này, bởi trên nghị trường Quốc hội giữa tháng 11, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tháng 12, ông yêu cầu rà soát, đánh giá toàn diện về các dự án BOT, chỉ đạo chấm dứt tình trạng chỉ định thầu trong các dự án BOT, dứt khoát không để kéo dài tình trạng như tại BOT Cai Lậy, Tiền Giang. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cũng khẳng định với cử tri cả nước rằng, sắp tới sẽ siết chặt các dự án BOT bằng việc phân tích, đánh giá đầy đủ về năng lực của nhà đầu tư cũng như những rủi ro trong quá trình thẩm định, ký hợp đồng tín dụng vốn cho dự án. Các công đoạn cấp phát vốn, giải ngân, thanh toán và nhất là quản lý doanh thu thu phí phải được kiểm soát chặt. Bởi hơn ai hết, chính ngân hàng cũng không muốn trở thành “con nợ” của đống nợ xấu BOT. 

Trở lại con đường miền Tây, ngang qua Cai Lậy, Tiền Giang, lần đầu tiên, tôi chứng kiến sự hỗn loạn kéo dài, tiếng la ó tức giận và cả những mệt mỏi, ngán ngẩm từ hai phía. Cứ sau mỗi trận ùn ứ, cái rào chắn lại được kéo lên, cất theo tiếng cười, hỉ hả. Cũng cái barie ấy sập xuống, chặn luôn tiếng nói đồng thuận giữa người với người. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ông có về quê Đồng Tháp hay Sóc Trăng thì cũng ngang qua Tiền Giang, Cai Lậy, lẽ nào ông không nhìn thấy cái barie ấy… 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI