Bó tay hay làm ngơ trước sai phạm của các phòng khám Trung Quốc?

04/04/2017 - 19:12

PNO - Bên cạnh các chiêu thức quen thuộc như “vẽ bệnh”, thu giá “trên trời”, các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc (TQ) vẫn sẵn sàng vượt quá chỉ định điều trị.

Kỳ 1: Mặc Sở Y tế “chấn chỉnh”, phòng khám Trung Quốc tiếp tục lộng hành

Bên cạnh các chiêu thức quen thuộc như “vẽ bệnh”, thu giá “trên trời”, các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc (TQ) vẫn sẵn sàng vượt quá chỉ định điều trị.

Hết “cắt”, “đốt”, “truyền dịch”… nguy hại hơn, họ tiếp tục cho bệnh nhân sử dụng các kháng sinh một cách vô tội vạ. Khả năng kháng thuốc xảy ra cho từng người bệnh, cho cả cộng đồng rất cao.Vào giữa tháng 3/2017, được sự chỉ đạo của Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, Thanh tra sở đã cùng các phòng ban chuyên môn tổ chức buổi họp với 16 phòng khám có bác sĩ TQ tham gia hành nghề trên địa bàn thành phố. 

Nội dung buổi họp, theo Thanh tra sở, là nhằm thông báo quy định mới liên quan đến cấp phép hành nghề theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP. Đồng thời, yêu cầu các phòng này chấn chỉnh hoạt động khám chữa bệnh như niêm yết công khai giá các dịch vụ cung cấp cho bệnh nhân, xây dựng phác đồ điều trị, không được phép đang thực hiện thủ thuật mà yêu cầu bệnh nhân thực hiện thêm thủ thuật khác…

Bo tay hay lam ngo truoc sai pham  cua cac phong kham Trung Quoc?
Phòng khám Đa khoa Thăng Long (số 575 Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM)

Tuy nhiên, theo những gì chúng tôi ghi nhận từ người bệnh, sau khi “làm việc” với Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, các phòng khám có bác sĩ TQ vẫn… coi trời bằng vung. Người dân tiếp tục bị lừa và lãnh hậu quả nặng nề về sức khỏe, tinh thần trước sự “3 không” - “không nghe, không thấy, không nói” - của cơ quan quản lý. 

Bị giữ giấy tờ vì hết tiền

Anh L.M.P. (26 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) cho biết, lo ngại về tình trạng xuất tinh sớm nên anh dạo qua các trang web tìm hiểu. Click vào trang http://namkhoa.dakhoathanglong.vn/ của phòng khám đa khoa Thăng Long, anh thấy thông tin quảng cáo “hỗ trợ điều trị xuất tinh sớm”. “Vừa vô là website nhảy bật lên ô chat trực tiếp với bác sĩ. Thế là tôi hỏi tình hình của mình như thế nào và có cách cứu vãn không?”, P. kể.

Ngay sau đó có một phụ nữ tên Linh gọi điện thoại cho P. Cô này tự giới thiệu là bác sĩ, bảo nếu cứ để tình trạng như vậy, tương lai P. sẽ bị rối loạn cương dương, dẫn đến liệt dương. 

“Cô ta yêu cầu tôi hẹn giờ để ngày hôm sau tới khám và hứa tôi sẽ không phải chờ đợi lâu, còn được giảm 30% chi phí”, anh P. nói. P. có vẻ chần chừ, “bác sĩ” Linh phán luôn: “Không có tốn bao nhiêu cả. Nếu bây giờ mà chữa sẽ tốn ít tiền thôi, còn để lâu sẽ rất tốn kém”. P. hoảng quá đồng ý và được cấp mã số hẹn khám vào hôm sau.

Cả ngày 13/3, “bác sĩ” gọi nhiều lần nhắc nhở P. đến đúng giờ. Khoảng 19g hôm đó, anh đến phòng khám. Bác sĩ cho đi xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm. Trong khi bệnh nhân đang đợi kết quả thì nhân viên yêu cầu lên phòng tiểu phẫu. “Chưa hiểu chuyện gì, thì có hai bác sĩ đi vào. Bác sĩ nam ngồi vào vị trí chuẩn bị làm phẫu thuật nói gì đó với bác sĩ nữ bằng tiếng Trung Quốc. 

Bác sĩ nữ quay sang bảo với tôi kết quả xét nghiệm cho thấy nguyên nhân chính gây ra tình trạng xuất tinh sớm là tôi chưa cắt bao quy đầu (?). Giờ phải cắt đi thì may ra mới hết được”, P. kể.

Dù hoang mang nhưng anh đành gật đầu. Nữ bác sĩ ra giá 5,8 triệu đồng cho ca phẫu thuật và bắt P. ký vào giấy có ghi giá tiền. Trong lúc phẫu thuật, các bác sĩ cho biết do để quá lâu, nên dương vật đã nổi hạt rất nguy hiểm và dùng tia laser đốt. Tiếp đó, hai bác sĩ bảo P. có “một cái nang màu nâu đen phải cắt bỏ mới được”.

Họ ra giá tiếp là 1,8 triệu đồng. Đến nước này bệnh nhân đành phải ký tên. Gần một tuần sau phẫu thuật, ngày nào bệnh nhân cũng phải thay băng, truyền dịch với giá từ 500.000 - 900.000đ. Tổng cộng, anh P. đã nộp cho Phòng khám đa khoa Thăng Long gần 6 triệu đồng kèm ký giấy nợ 5,9 triệu đồng.

“Phòng khám cũng thu CMND của tôi cho đến khi nào tôi trả hết số tiền còn lại. Đau nhất là khi tìm hiểu thêm mới biết tình trạng của tôi không cần phải làm những thủ thuật này, và nếu có làm ở các bệnh viện công cũng chỉ khoảng vài trăm ngàn thôi”, anh P. bức xúc.

Suýt mất mạng sau 5 phút uống thuốc

Ông Mai Minh Hải (51 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, ngày 16/3, con ông là T.V.H. (24 tuổi) đến Phòng khám Đa khoa Thế Giới (số 646-648 Võ Văn Kiệt, Q.5, TP.HCM) để phá nốt ruồi son vùng bụng. Nơi đây chẩn đoán nốt ruồi ác tính, nếu không phá sẽ bị ung thư.

Bo tay hay lam ngo truoc sai pham  cua cac phong kham Trung Quoc?
Phòng khám đa khoa Thế Giới

“Giá đốt là 20 triệu đồng. Con tôi chỉ mang có 5 triệu, nợ lại 15 triệu, phải thế chấp toàn bộ giấy tờ. Đến sáng hôm sau (17/3), gia đình phải đem tiền lên nộp cho phòng khám”, ông Hải nói.

Sau đó, ông dẫn con sang Bệnh viện Da liễu TP.HCM để làm sáng tỏ tình trạng bệnh. Nhân viên bệnh viện là người quen của gia đình cho biết con ông không có dấu hiệu nào của ung thư, chỉ là nốt ruồi thông thường. Nếu cần phải đốt chỉ mất khoảng 200.000đ. Ông Hải rất bất bình trước kiểu dọa bệnh nhân bằng các căn bệnh ác tính rồi thu tiền giá “trên trời” của phòng khám có bác sĩ TQ này.

Trường hợp của cháu ông Đoàn Thanh Long (65 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) có lẽ “thê thảm” nhất trong số hàng chục nạn nhân đã tìm đến với chúng tôi trình bày bức xúc. Do thấy có những hạt nhỏ xuất hiện xung quanh đầu dương vật, H.C.T. (23 tuổi) đến Phòng khám đa khoa Quốc Tế (số 221 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM) để khám vào ngày 14/3.

Bo tay hay lam ngo truoc sai pham  cua cac phong kham Trung Quoc?
Phòng khám đa khoa Quốc Tế.

Tương tự như kiểu “chẩn đoán” và “chỉ định” trong trường hợp của bệnh nhân P. nêu trên, bác sĩ nói tiếng TQ và phiên dịch tại phòng khám này “phán” , anh T. viêm nhiễm phải cắt bao quy đầu với phương pháp cắt laser không đau, không chảy máu giá hơn 12 triệu đồng.

“Trong lúc cắt, họ cũng bảo có cái nang gì đó, cũng là nguyên nhân gây viêm, có muốn cắt không, cắt thì thêm tiền vài triệu nữa, nhưng cháu tôi không đồng ý”, ông Long nói. Tuy nhiên, ngay khi về nhà sau mổ, bệnh nhân bị chảy máu dữ dội phải trở lại ngay phòng khám để cầm máu.

Bài cũ tiếp tục “giở ra”, sau phẫu thuật, hằng ngày bệnh nhân lại phải đến thay băng, truyền dịch, chiếu tia hồng ngoại với giá 900.000đ/ngày. Đến ngày thứ ba, không thể lo nổi chi phí, anh T. xin “bác sĩ” tìm cách khác để khỏi phải đến truyền dịch. “Bác sĩ” liền cho ba viên thuốc về nhà uống. Tại nhà, anh T. vừa uống viên đầu tiên, thì chỉ 5 phút sau người anh lạnh, toát mồ hôi, khó thở, toàn thân trắng bệt…

Bo tay hay lam ngo truoc sai pham  cua cac phong kham Trung Quoc?
Phiếu xét nghiệm của phòng khám đa khoa Quốc Tế.

Người nhà đưa anh T. vào Bệnh viện Q.4 cấp cứu vào khuya ngày 17/3. Do tình trạng nguy kịch, anh T. được chuyển cấp cứu lên tuyến trên. “Tại Bệnh viện Nhân dân 115, nếu không được cứu chữa kịp thời, nó đã suýt mất mạng”, ông Long cho biết. Theo chẩn đoán của bệnh viện, T. bị sốc thuốc Levofloxacin phải điều trị kháng dị ứng.

Dùng kháng sinh quá chỉ định

Trao đổi với chúng tôi ngày 2/4, một chuyên gia hàng đầu về nam khoa tại TP.HCM cho rằng, trường hợp anh T. là triệu chứng dị ứng thuốc kháng sinh. Việc các phòng khám có bác sĩ TQ hiện nay thường sử dụng nhóm Levofloxacin - một nhóm thế hệ thứ 3 - để ngăn ngừa nhiễm trùng như vậy là không cần thiết, vượt quá chỉ định. Đây là loại thuốc không được các bác sĩ sử dụng kiểu “đầu tay” (first-line treatment) cho các nhiễm trùng ngoài da nói chung hoặc sử dụng dưới dạng ngăn ngừa nhiễm trùng.

“Để ngăn ngừa nhiễm trùng, có thể sử dụng các nhóm ví dụ như amoxicillin hoặc các kháng sinh thế hệ thứ 2, chứ không ai sử dụng Levofloxacin để ngừa nhiễm trùng như vậy. Thuốc nhóm này đa phần nhạy cảm đối với vi khuẩn Gram âm, trong khi ngoài da lại là các vi khuẩn Gram dương. 

Việc sử dụng kháng sinh một cách tràn lan và không hiểu biết như vậy không những dẫn đến việc kháng thuốc cho người sử dụng đó, mà còn có khả năng dẫn đến tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng. Đó mới là nguy hại lâu dài”, vị này cảnh báo.

Ngoài ra, triệu chứng các hạt li ti ở đầu dương vật mà anh T. gặp phải, theo chuyên gia này, chỉ là hiện tượng được y học gọi tên là “chuỗi hạt ngọc dương vật” mà thôi. Tài liệu của các hiệp hội y khoa quốc tế khẳng định đây là tình trạng bình thường, lành tính có thể gặp ở 48% nam giới, hoàn toàn không cần điều trị.

Cũng theo vị này, hằng ngày, hằng tuần, vẫn tiếp tục có nạn nhân của phòng khám có bác sĩ TQ tìm đến các bàn khám của bệnh viện công để “giải quyết hậu quả” cắt bao quy đầu, đốt dương vật.

Quan điểm của y học khẳng định ruột thừa cũng không thừa, huống chi là bao quy đầu. Trời sinh ra bao quy đầu rất quan trọng cho đàn ông. Một là che chở, bảo vệ. Thứ hai, quy đầu chính là “vật liệu” để có thể tạo hình niệu đạo nếu chẳng may bị tai nạn sau này. Khi đó, bác sĩ có thể sẽ tận dụng một phần da quy đầu để tái tạo đường niệu. Da nơi khác sẽ không tốt và phù hợp bằng da vùng này.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, cắt bao quy đầu không liên quan gì đến việc kéo dài thời gian xuất tinh. Y học khẳng định, xuất tinh sớm chỉ liên quan đến yếu tố dẫn truyền thần kinh chất serotonin, không liên quan gì đến quy đầu. Và cũng chỉ có hai trường hợp cần chỉ định cắt bao quy đầu, đó là hẹp hoặc bán hẹp gây đau mà thôi.

Tóm lại, với cách làm phản khoa học của các phòng khám có bác sĩ TQ hiện nay, việc chỉ định cắt da quy đầu, truyền dịch (thực chất là nước muối sinh lý) và thuốc kháng sinh mỗi ngày sau khi cắt, theo chuyên gia là chỉ định “quá tay”, không mang lại lợi ích gì cho người bệnh. Đặc biệt, như đã nói, việc dùng tràn lan kháng sinh Levofloxacin dễ dẫn đến kháng thuốc.

Theo Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, trong ba tháng đầu năm các bộ phận chức năng của Sở Y tế đang “tăng cường kiểm tra” các phòng khám “vẽ bệnh”, thực hiện “quá chỉ định” nói trên, nhưng “chưa thấy gì”. Tuy nhiên, mỗi tuần, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được những thư phản ánh, đơn kêu cứu từ người dân trước nạn làm ăn bất nhân, vô lương tâm của phòng khám có bác sĩ TQ.

Hà Nội đình chỉ hoạt động một phòng khám có bác sĩ Trung Quốc 

Ngày 2/4, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội vừa tạm thu hồi bản gốc giấy phép hoạt động, phạm vi hoạt động chuyên môn của Phòng Chẩn trị y học cổ truyền (YHCT) Vĩnh An Đường, thuộc Công ty TNHH Quang Thắng (số 298 đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội). 

Được biết, tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện tại phòng khám này có nhiều loại thuốc được ghi bằng tiếng Trung Quốc và thuốc trộn, thuốc pha chế không rõ nguồn gốc. Cơ sở này còn có một người mang quốc tịch Trung Quốc không có chứng chỉ hành nghề và khai nhận là nhân viên thực hiện đóng gói, pha chế thuốc. 

Theo bản tường trình của bà Phạm Thị Lý, bác sĩ phụ trách chuyên môn kỹ thuật của Phòng Chẩn trị YHCT Vĩnh An Đường, cơ sở này có một bác sĩ mang quốc tịch Trung Quốc nhưng vắng mặt tại thời điểm kiểm tra do đã về nước từ tháng 12/2016. 

Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế, đoàn phát hiện được nhiều đơn thuốc có chữ ký của bác sĩ người Trung Quốc này trong ba tháng đầu năm 2017. Hiện, Sở Y tế đã yêu cầu ngừng mọi hoạt động khám, chữa bệnh của Phòng Chẩn trị YHCT Vĩnh An Đường. 

H.Anh

Quốc Ngọc

(Còn tiếp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI