Bổ nhiệm lãnh đạo dự phòng: Cần Thơ không phải cá biệt

08/12/2016 - 11:00

PNO - Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Việt Nam hiện chưa có tiêu chí đánh giá, lượng hóa kết quả hoạt động từng lĩnh vực một, đồng nghĩa, không có thước đo đánh giá kết quả công việc, năng lực quản lý...

Mới đây, UBND TP Cần Thơ đã gửi báo cáo cho Bộ Nội vụ về việc có 5 trong số 20 sở, ngành thừa phó giám đốc so với quy định. Trả lời báo chí về việc này, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, trong các cấp phó được bổ nhiệm dư, có một số trường hợp dự phòng cho những người về hưu trong năm 2017. Số thừa còn lại, thành phố sẽ chuyển qua những đơn vị đang thiếu.

Cần Thơ không phải cá biệt

Trao đổi quan điểm trước vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri - Viện phó phụ trách Viện XHH và Khoa học quản lý cho rằng, thực tế Cần Thơ không phải là cá biệt. Thời gian gần đây, vấn đề này mới thành điểm nóng của xã hội khi Hải Dương, Nghệ An,...cũng có tình trạng thừa nhiều cấp phó cấp Sở.

Vấn đề này có thể vẫn tồn tại ở nhiều địa phương, tuy nhiên chưa bị phát hiện, PSG.TS Tri nhận định.

Với câu trả lời của vị lãnh đạo Cần Thơ, theo PGS.TS Tri: "Thực ra đây chỉ là cách xử lý tình huống của địa phương, vì đã trót bổ nhiệm rồi và đây là lý do bao biện".

Bo nhiem lanh dao du phong: Can Tho khong phai ca biet
Việc bổ nhiệm cấp phó dự phòng theo vị chuyên gia không chỉ xảy ra ở Cần Thơ. Ảnh: Internet

Cụ thể, trong trường hợp của Cần Thơ, ông Tri khẳng định, việc bổ nhiệm dự phòng cho năm 2017 theo như Cần Thơ giải thích là không đúng.

"Xu hướng hiện nay đang chuyển dần bổ nhiệm theo vị trí việc làm, thiếu gì thì bổ sung chỗ đó, chứ không làm ào ạt theo từng đợt. Đã có quy định tất cả những người vào vị trí đều phải đảm bảo qua ít nhất 2/3 thời gian của nhiệm kỳ đó. Cho nên, rõ ràng anh nam giới 55-66 không ai bổ nhiệm, nữ 53 không ai bổ nhiệm để dự phòng", PGS.TS Tri nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cho rằng, về nguyên tắc cán bộ của Sở phải được bổ nhiệm theo hệ thống chuyên môn, đảm bảo thâm niên công tác, chuyên môn nghề nghiệp. Tuy nhiên, khi đã bổ nhiệm rồi thì sẽ khó xử lý vì các yêu cầu đảm bảo tên tuổi, quá trình bổ nhiệm, trình độ, theo quy định của nhà nước đều đủ cả. 

Điều quan trọng, theo ông, Việt Nam hiện chưa có tiêu chí đánh giá, lượng hóa kết quả hoạt động từng lĩnh vực một, đồng nghĩa, không có thước đo đánh giá kết quả công việc, năng lực quản lý... Đó là chưa kể đến yếu tố tâm lý, khi đã được bổ nhiệm vào một chức danh thì họ vừa có danh, vừa có lợi, phụ cấp chức vụ, đang làm sếp mà nghỉ không ai chấp nhận được.

Ba giải pháp được đặt ra

Ông Chi cũng chỉ rõ tình trạng nói trên không những xảy ra ở các địa phương mà trong chính các Bộ quản lý.

Nguyên nhân của tình trạng trên được vị chuyên gia nhận định là do chúng ta làm không nghiêm ngay từ đầu, tỉnh này nhìn tỉnh kia, nên nhiều khi bổ nhiệm tràn lan không rõ ràng.

Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, PGS.TS Tri chỉ ra các giải pháp: "Thứ nhất, phải giải quyết từng nghị quyết của trung ương, phải thiết lập hệ thống, giải quyết rõ ràng, kiên quyết, đã làm rồi thì không nể nang, kiểm soát tình hình.

Thứ hai, hai cơ quan tham mưu chính là Ban tổ chức trung ương và Bộ Nội vụ phải bàn bạc kỹ với nhau, thiết lập, thậm chí điều chỉnh một số điều luật, nhất là Luật cán bộ công chức. Theo quy định mỗi địa phương chỉ được 2 PGĐ cho mỗi đơn vị Sở, nếu bổ nhiệm thừa thì hủy quyết định, bổ nhiệm lại đúng với chỉ tiêu.

Thứ ba, rõ ràng việc bổ nhiệm phải có văn bản xin ý kiến của tập thể, từ trước đến nay vai trò, vị trí người đứng đầu không rõ ràng, nên không quy trách nhiệm một cách đầy đủ. Cách đây 2 nhiệm kỳ thì mới đặt vai trò người đứng đầu trên nghị quyết, còn bây giờ cụ thể hóa rõ ràng ra, nêu rõ ai ký quyết định bổ nhiệm phải có trách nhiệm, xóa đi khe hở trong cơ chế.

Theo ông Tri, nếu làm được những việc trên thì mới có thể đạt được mục tiêu giảm cấp phó, như Quốc hội đã nhiều lần đặt ra

Hoàng Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI