Nghìn tâm nguyện người dân TP.HCM gửi Bí thư Đinh La Thăng

22/02/2016 - 11:17

PNO - Chỉ sau 45 tiếng đồng hồ hoạt đồng, hotline của Bí thư Đinh La Thăng nhận được gần 1.200 cuộc gọi, 800 tin nhắn của người dân.

Đó là con số được Văn phòng Thành ủy TP. HCM công bố vào ngày 21/2, khi đường dây nóng 0888 247 247 được thành lập theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng. Ngay sau khi chính thức đi vào hoạt động từ 21h ngày 19/2, đường dây nóng đã rơi vào tình trạng quá tải. Hàng nghìn cuộc gọi khác vào số mày này chưa được tiếp nhận bởi đầu dây bên kia liên tục "báo bận".

Đại diện Văn phòng Thành ủy TPHCM cho biết hầu hết cuộc gọi và tin nhắn đến đường dây nóng này tập trung phản ánh về lĩnh vực quản lý đô thị, nhất là về ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, cải cách hành chính và khiếu nại tố cáo.

Với vấn đề ùn tắc giao thông, tháng 10/2015, ông Lâm Thiếu Quân - Đại hiểu HĐND TP. HCM cho rằng, đây là vấn đề người dân TPHCM còn nhiều bức xúc. TPHCM hiện là đầu tàu của nền kinh tế cả nước, nhưng tỷ lệ thu ngân sách để lại cho thành phố rất thấp (23%) là bất hợp lý.

Tỷ lệ để lại này cần được tăng lên trên 30%, tương ứng với mức đóng góp về GDP của thành phố, để TPHCM có nguồn đầu tư cho cho giao thông. Trong lĩnh vực đầu tư, TPHCM cần tập trung vào các dự án có hiệu quả cao, tránh đầu tư dàn trải.

Nghin tam nguyen nguoi dan TP.HCM gui Bi thu Dinh La Thang
Người dân TP. HCM đang kỳ vọng rất nhiều vào ông Đinh La Thăng (Ảnh TTO).

Có một thực tế là hiện nay do biến  đổi khí hậu, các khu vực phía Đông và Nam của thành phố sẽ có khả năng bị ngập cao nên việc đầu tư hạ tầng vào khu vực này có chi phí cao nhưng hiệu quả hạn chế. Do vậy, TP.HCM nên tập trung vào các dự án giao thông khu vực phía Bắc và phía Tây, có địa hình cao và mật độ dân số ngày càng đông.

Cần lưu ý, tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng tại các cửa ngõ phía Bắc và phía Tây thành phố phản ánh xu hướng phát triển dân cư tự phát tại khu vực này, do vậy rất cần tập trung giải quyết trước.

Ngoài ra, địa bàn TP. HCM được biết đến là điểm ‘nóng’ nhất của cả nước về tình hình an ninh trật tự XH, nơi xuất hiện nhiều loại hình tội phạm, kể cả loại hình tội phạm truyền thống và phi truyền thống, buôn lậu và gian lận thương mại. Tội phạm hình sự gia tăng, cướp ở trung tâm vẫn còn diễn ra, trộm cắp tài sản như xe gắn máy, vàng bạc ở khu vực giáp ranh vẫn còn phổ biến, ma túy, hàng gian, hàng giả, hàng lậu…vẫn chưa thể ngăn chặn tuyệt đối.

Sở dĩ có việc này là do nhận thức về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa đầy đủ, quyết liệt, một số đơn vị thực thi công vụ chưa chủ động, thiếu cảnh giác, có một bộ phận cán bộ, chiến sĩ vì vụ lợi đã tiếp tay, bao che và bảo kê cho tội phạm.

Tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường ở TP. HCM cũng tăng cao. Trong báo cáo do Trung tâm Quan trắc và Phân tích Môi trường – Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM – thực hiện, 6 tháng đầu năm 2015 chỉ số khí độc hại CO (cacbon mônoxit), nguồn nước, tiếng ồn và bụi trong không khí ở thành phố đang ở mức báo động khi đã vượt số liệu giai đoạn 2010-2014.

Tất cả các thông tin phản ánh, góp ý, hiến kế về giải pháp xây dựng, phát triển thành phố gửi đến đường dây nóng đã được Văn phòng Thành ủy tổng hợp báo cáo Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, đồng thời chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Cũng liên quan đến việc lập đường dây nóng, báo chí đã đăng tải ý kiến của bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, rất ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, tiếp nhận thông tin là một chuyện, giải quyết, phản hồi kết quả giải quyết cũng là một khâu rất quan trọng. Nếu làm tốt khâu này mới đáp ứng được mong mỏi của người dân.

Bà Thu cũng cho biết nếu anh em cán bộ ở cơ sở, lãnh đạo các đơn vị thuộc lĩnh vực bà phụ trách, khi có vấn đề cấp bách cần chia sẻ, cần giải quyết ngay thì có thể liên hệ trực tiếp qua số điện thoại cá nhân.

“Trong ngành y tế có nhiều bệnh viện, trung tâm y tế. Nhiều khi có những việc cấp bách nhưng theo quy trình, anh em phải báo cáo qua Sở Y tế rồi Sở Y tế mới báo lên lãnh đạo TP, như vậy làm chậm công việc đi. Trong những tình huống như vậy, tôi muốn nhận phản ảnh trực tiếp để giải quyết nhanh chóng, kịp thời cho cơ sở” - bà Thu nói.

Thành Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI