Bị cáo Hoàng Công Lương: 'VKS nói tôi không thành khẩn nhận tội, nhưng không có tội sao nhận'

25/05/2018 - 12:15

PNO - Sáng ngày 25/5, phiên tòa xét xử vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết bắt đầu với việc các luật sư tiến hành bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương.

Sáng ngày 25/5, phiên tòa xét xử vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết bắt đầu với việc các luật sư tiến hành bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương.

Bắt đầu phần tự bào chữa, bị cáo Hoàng Công Lương đã gửi lời chia buồn đến 9 gia đình có người tử vong cùng gia đình các gia đình có nạn nhân đang điều trị. Bị cáo này Lương cho biết, mình không đồng ý với bản luận tội của VKS đề nghị.

“Bị cáo vô tội. Trong bản cáo trạng luận tội, VKS nói tôi không thành khẩn nhận tôi. Nhưng không có tội thì sao nhận tội được”, bác sĩ Lương lần nữa khẳng định.

Bi cao Hoang Cong Luong: 'VKS noi toi khong thanh khan nhan toi, nhung khong co toi sao nhan'
Bác sĩ Hoàng Công Lương

Trả lời luật sư về bản lời khai giống nhau giữa bác sĩ Lương và ông Hoàng Đình Khiếu, đại diện VKS khẳng định rằng không hề có chuyện “mớm cung”, quá trình điều tra là hoàn toàn khách quan.

Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, đại diện bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Lương cho rằng: “Trong khai bản khai có tới 80 chữ trùng lặp. Không thể nào có chuyện hai người khác nhau lại có thể khai giống nhau đến từng từ như vậy, cùng 8 dòng, chỉ lệch 4 chữ còn dấu chấm, dấu phẩy thì giống hệt nhau. Tôi cho rằng, VKS cùng điều tra viên đã vi phạm luật tố tụng”.

Luật sư chiến cho rằng, đây là một sự đùn đẩy trách nhiệm cho bị cáo Lương. Lời khai này không phải do bác sĩ Lương khai mà do điều tra viên, kiểm sát viên tác động để bác sĩ Lương khai, điều này đã vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng.

“Trong lời khai của thân chủ của tôi ở các bản khai trước đó đã có 10 từ được xóa bỏ do không đúng với bản chất. Trong bản khai trước, bác sĩ Lương chỉ nhận nhiệm vụ của mình là bác sĩ điều trị, liên quan đến nội dung thứ 2 thì đã bị xóa bỏ. Còn phần ghi thêm đó là tiếp nhận các trang thiết bị y tế và một số công việc khác, chỗ tiếp nhận trang thiết bị y tế bị gạch đi”, ông Chiến nói.

Ông này cho rằng, sau khi bị khởi tố bắt tạm giam, bản khai của bị cáo Hoàng Công Lương không đảm bảo quyền bào chữa của bị can. Do trước đó ngày 1/7, khi điều tra viên đến hỏi cung không có sự tham dự của luật sư.

Luật sư Chiến nhận định: "Đại diện VKS bác bỏ lời khai thay đổi để buộc tội cho bị cáo, vấn đề này chúng tôi cho rằng VKS chưa làm hết trách nhiệm. Trong thời gian qua chúng ta đang bỏ qua trách nhiệm của người đứng đầu. Liên quan đến trách nhiệm ấy, VKS bỏ qua trách nhiệm người quản lý mà chỉ buộc tội cho bác sĩ Lương".

Tiếp đó, luật sư Nguyễn Văn Chiến liên tục đặt câu hỏi cho VKS về trách nhiệm của những người lãnh đạo trong vụ việc.

Theo ông này, người giao nhiệm vụ phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên, vậy mà lại quy trách nhiệm cho người không có chức năng nhiệm vụ. VKS cho rằng bác sĩ ra y lệnh chạy thận phải kiểm tra hệ thống nước RO thì quy trình đó được triển khai thế nào, ở văn bản nào, bác sĩ phải kiểm tra thế nào nếu không có chuyên môn.

Bi cao Hoang Cong Luong: 'VKS noi toi khong thanh khan nhan toi, nhung khong co toi sao nhan'
Đại diện của VKS

“Thời điểm đó, bác sĩ Lương đã kiểm tra đồng hồ dẫn điện an toàn mới ra y lệnh chạy thận. Tuy nhiên VKS lại kết luận đồng hồ hỏng để buộc tội, bác sĩ Lương không thể biết được chuyện này. Xin VKS cho biết bác sĩ Lương biết bằng cách nào? Kiểm tra bằng cách nào?", ông Chiến đặt câu hỏi cho đại diện VKS.

Luật sư Chiến nói tiếp: "Buổi sáng xảy ra sự việc, điều dưỡng Điệp thông báo với bác sĩ việc sửa chữa đã hoàn thành, anh Sơn đã báo với ông Thắng việc sửa chữa đã hoàn thành trước giờ giao ban. Vì vậy không có cảnh báo nào đối với việc ra y lệnh chạy thận của bác sĩ Lương".

Trong phần bào chữa của mình, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng nguyên nhân cái chết là do tồn dư hóa chất, nguyên nhân không xuất phát từ việc thực hiện không đúng chuyên môn của bác sĩ điều trị. Ông Thiệp nói: "Trong vụ án này, trách nhiệm thuộc về ai? Rõ ràng trong sự việc này ông Trương Quý Dương, cựu giám đốc bệnh viện, công ty Thiên Sơn và phòng Vật tư đã thiếu trách nhiệm".

Ai chịu trách nhiệm để ông Trương Quý Dương xuất cảnh?

Theo văn bản 07/VBHN-BCA năm 2015, của Bộ Công an về việc xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, tại điều 21 đã nêu rõ: Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.

3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.

4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.

5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.

6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.

Tiếp đó, trong điều 22 của Nghị định này cũng ghi rõ, thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh thuộc về: Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án hoặc cơ quan thi hành án các cấp quyết định chưa cho xuất cảnh đối với những người nêu tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 21 Nghị định này. 

“Như vậy, trách nhiệm trong việc để ông Trương Quý Dương, một người có liên quan đến công tác điều tra một vụ việc với 9 người chết xuất cảnh thuộc về Cơ quan điều tra và VKS. Tại sao lại bỏ qua Nghị định 07 này mà dựa vào nghị định 136 để làm gì?”, ông Chiến nói

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI