Bệnh viện quốc tế Đồng Nai: Hai lần làm giấy chuyển viện vẫn… không chuyển

13/12/2017 - 11:05

PNO - Bác sĩ trực tại bệnh viện Quốc tế Đồng Nai đã đồng ý và làm thủ tục chuyển viện cho ông Xâng nhưng vợ sau của ông Xâng là bà V.T.L. không chịu, yêu cầu giữ lại điều trị tại đây.

Ngày 28/11, ông Hoàng Trọng Tâm (63 tuổi, Q. Thủ Đức, TP.HCM) đã gửi đơn đến Báo Phụ Nữ khiếu nại việc bác sĩ Bệnh viện quốc tế Đồng Nai đã 2 lần đồng ý làm giấy chuyển viện cho cha của ông là ông Hoàng Trọng Xâng (83 tuổi, ngụ Đồng Nai) nhưng sau đó đổi ý, không chuyển đi mà giữ lại phẫu thuật.

Kết quả, sau 10 ngày điều trị ở Bệnh viện quốc tế Đồng Nai, bệnh tình ông Xâng diễn tiến xấu đi, đến khi Bệnh viện quốc tế Đồng Nai đề nghị chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy thì đã quá muộn... 

Benh vien quoc te Dong Nai: Hai lan lam giay chuyen vien van… khong chuyen
 

Giữ bệnh nhân… theo nguyện vọng

Được biết, ngày 29/8, ông Xâng bị đau bụng, nôn ói… được đưa vào Bệnh viện quốc tế Đồng Nai (BVQTĐN) điều trị. Bác sĩ (BS) BVQTĐN chẩn đoán ông bị viêm phúc mạc tổng quát do mắc xương cá, thủng đoạn D2 tá tràng. Sau khi nắm tình hình, ông Tâm (nguyên là BS) đã đề nghị BS của BVQTĐN cho cha ông chuyển viện vì không yên tâm.

BS trực tại BVQTĐN đã đồng ý và làm thủ tục chuyển viện cho ông Xâng nhưng vợ sau của ông Xâng là bà V.T.L. không chịu, yêu cầu giữ lại điều trị tại BVQTĐN. Ông Tâm tiếp tục vào gặp BS đề nghị chuyển viện lần nữa, BS đã đồng ý làm giấy chuyển viện lần 2; nhưng rồi lại hủy, tiếp tục thực hiện yêu cầu của bà V.T.L. Bà L. đã 2 lần ký giấy cam đoan yêu cầu các BS BVQTĐN giữ ông Xâng lại.

Ông Xâng được phẫu thuật sáng 29/8 nhưng sau đó tình trạng sức khỏe cứ xấu dần. BS BVQTĐN đã nhiều lần hội chẩn để tìm phương án điều trị nhưng không hiệu quả. Gần 10 ngày sau, ngày 7/9, sau khi hội chẩn toàn viện, thấy bệnh đã quá nặng, BS BVQTĐN mới đề nghị gia đình chuyển ông Xâng lên BV Chợ Rẫy.

Các BS tại BV Chợ Rẫy tiên lượng tình trạng của ông Xâng là rất xấu, phải hồi sức kháng sinh liều cao, nâng tổng trạng; nhưng mọi nỗ lực đều không hiệu quả. Sau 1 tuần điều trị tại BV Chợ Rẫy không khả quan, gia đình đã xin đưa ông Xâng về. Đến sáng 14/9, ông Xâng qua đời.

Ông Tâm cho biết: “Sau khi ba tôi qua đời, BVQTĐN không một lời thăm hỏi, cũng không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng cho gia đình”. Vì thế, ông Tâm buộc phải khiếu nại để cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ việc BS BVQTĐN giữ ông Xâng lại để điều trị là có phù hợp, khi trước đó đã đồng ý và 2 lần làm giấy chuyển viện? Tại sao ban đầu chỉ định phẫu thuật nội soi rồi lại chuyển sang mổ hở? BV có lường trước nguy cơ suy hô hấp khi bệnh nhân (BN) đã già yếu, có nhiều bệnh mãn tính, lại phải chịu một cuộc đại phẫu? Nếu có thì tại sao vẫn giữ lại điều trị? Tại sao không chuyển bệnh nhân (BN) căn cứ trên yêu cầu chuyên môn, mà lại làm theo ý người nhà?

Bệnh viện làm đúng quy trình?

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, ông Lê Đình Hùng, Phó giám đốc BVQTĐN, cho biết: “Ông Xâng là một trường hợp bệnh nặng, kèm theo nhiều bệnh lý khác như rối loạn đông máu, xơ gan, bệnh hô hấp mãn tính và tiểu đường… Tuy nhiên, các bệnh lý này nằm trong khả năng điều trị của BV. Chúng tôi đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và y BS để điều trị cho BN”.

Ông Hùng khẳng định: “Trong quá trình tiền phẫu, con trai BN có đề nghị cho BN chuyển viện, nhưng lần nào làm giấy chuyển viện xong thì BN và vợ đều không đồng ý, nhất định đòi ở lại phẫu thuật tại BV, nếu xảy ra vấn đề gì họ chịu trách nhiệm. Vì vậy, chúng tôi đành phải làm theo yêu cầu. Sau gần 10 ngày điều trị, BN có những vấn đề bất thường (dịch ra không đều, khả năng do viêm gan) nên BV đã hội chẩn và đề nghị gia đình chuyển BN lên BV Chợ Rẫy. Lúc đó, BN tỉnh táo, thỉnh thoảng có lơ mơ nhưng không có triệu chứng viêm phổi như gia đình phản ánh”.

Về việc trước đó chỉ định mổ nội soi, sau lại chuyển sang mổ hở, ông Hùng giải thích, việc chỉ định nội soi là vừa để thăm khám vừa để phẫu thuật. Trong quá trình nội soi, BS phát hiện BN bị viêm phúc mạc nặng, bụng ứ dịch nhiều (khoảng 1.000ml), viêm nhiễm xâm lấn… nên phải chuyển sang mổ hở. Việc mổ hở có thông báo cho gia đình BN.

Sau phẫu thuật, BN được đặt 5 ống dẫn lưu theo chỉ định của phẫu thuật viên, phù hợp với bệnh lý, vị trí và chức năng cụ thể. Theo nhật trình theo dõi thì lượng dịch thoát qua ống dẫn lưu từ 500ml đến 1.300ml/ngày. Do bệnh nhân bị xơ gan nên lượng dịch thoát ra nhiều hay ít còn có thể liên quan đến vấn đề này. “Sau khi sự việc xảy ra, BV đã rà soát lại quy trình điều trị, mọi việc đều không có sai sót”, ông Hùng khẳng định.

Bên cạnh vấn đề đúng, sai về chuyên môn, vụ việc còn đặt ra một vấn đề pháp lý cho cơ quan chức năng: đối với việc cam kết mổ cho BN, vợ kế và con ruột ai mới là người có quyền ký? BS nên làm theo chỉ định chuyên môn hay theo ý người nhà? Việc chuyển viện dựa trên cơ sở nào để không bị mang tiếng là giữ BN để tăng doanh thu?... 

Tiến Đạt - Vinh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI