Bất ngờ lời khai của cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Việt

13/08/2018 - 14:41

PNO - Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Việt cho rằng việc các nhân viên ngân hàng vay tiền của chính ngân hàng là không sai vì nhân viên cũng được xem là khách hàng.

Ngày 13/8, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Nam Việt (Navibank - nay là Ngân hàng Quốc Dân).

Ông Lê Quang Trí (nguyên Tổng giám đốc Navibank), Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam (cùng là Phó Tổng giám đốc Navibank) và 5 đồng phạm khác kháng cáo kêu oan; hai bị cáo Nguyễn Ngọc Oanh và Phạm Thị Thu Hiền (nguyên Trưởng phòng Pháp chế Navibank) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Phạm Thị Thu Hiền có đơn xin vắng mặt vì bệnh trước phiên tòa phúc thẩm.

Trước đó, cấp sơ thẩm tuyên phạt ông Trí 13 năm tù, các bị cáo còn lại bị tuyên từ 7 đến 12 năm tù.

Bat ngo loi khai cua cuu Tong giam doc Ngan hang Nam Viet
Các bị cáo tại tòa

Trả lời Hội đồng xét xử, cựu Tổng giám đốc Navibank cho rằng việc cho các nhân viên Navibank vay tiền là không sai vì nhân viên cũng được xem là khách hàng của ngân hàng.

“Việc ngân hàng cho vay để lấy lãi là giao dịch dân sự và có lợi cho phía ngân hàng. Khi xét duyệt hồ sơ, hội đồng tín dụng thấy hồ sơ có đầy đủ các tài sản bảo đảm cũng như hợp đồng đúng quy định nên mới cho vay. Tại thời điểm đó, không có quy định nào giới hạn ngân hàng cho nhân viên vay lãi suất cao. Nhân viên cũng là khách hàng và đây là giao dịch dân sự”, bị cáo Lê Quang Trí nói.

Hai cựu Phó giám đốc Navibank là Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam đều cho rằng lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra là có sự mớm cung của điều tra viên nên mong muốn được đối chất với điều tra viên tại tòa.

Theo án sơ thẩm, từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như lấy danh nghĩa là nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro VietinBank, chi nhánh TP.HCM huy động tiền gửi cho VietinBank đã trực tiếp thỏa thuận với người đại diện của một số công ty để gửi tiền vào VietinBank, hưởng lãi suất cao vượt trần trái quy định của Nhà nước.

Huyền Như biết Navibank có chủ trương gửi tiền nhàn rỗi huy động được từ các tổ chức tín dụng để lấy lãi suất cao nên thông qua Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) đã thỏa thuận với đại diện Navibank gửi tiền vào Vietinbank Nhà Bè với lãi suất cao.

Theo thỏa thuận, ngoài trả lãi suất theo quy định trong hợp đồng là 14%/năm, Như còn trả thêm phí cho người môi giới, tiền chênh lệch ngoài hợp đồng. Số tiền lãi suất ngoài hợp đồng từ 2,5% đến 8,5%/năm sẽ được Như trả trước cho Navibank.

Sau khi các đơn vị, cá nhân chuyển tiền vào tài khoản tại VietinBank, Như đã lập các chứng từ, chữ ký giả của các chủ tài khoản, sử dụng quyền hạn là kiểm soát viên, trưởng phòng giao dịch để chuyển tiền sang tài khoản của mình.

Từ tháng 11/2010 đến tháng 7/2011, Navibank cho 47 lượt cá nhân đứng tên vay hơn 1.500 tỉ đồng để gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM.

Tổng số tiền lãi Navibank thu được là 75 tỷ đồng, trong đó có hơn 24,3 tỷ đồng là lãi chênh lệch ngoài hợp đồng. Navibank nhận được hơn 1.300 tỷ đồng tiền gốc, số tiền 200 tỷ đồng còn lại đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.

Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên buộc 10 cựu lãnh đạo Navibank mức án từ 7 đến 13 năm tù và buộc Navibank nộp lại 24,3 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính.

Minh Quân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI