Bắt đối tượng đưa người sang Trung Quốc làm thuê trái phép

07/03/2019 - 18:10

PNO - Sau tết, nhiều lao động trẻ tại các làng quê Bắc Trung bộ lại ồ ạt kéo nhau sang Trung Quốc làm việc chui, bất chấp nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Ngày 7/3, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Bùi Đình Đông (44 tuổi, trú xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) về hành vi Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Qua theo dõi, công an xác định sau khi về quê ăn Tết Nguyên đán vừa qua, Đông đã rủ rê, lôi kéo 14 lao động trên địa bàn huyện cùng sang Trung Quốc để lao động trái phép.

Những người này được Đông tổ chức cho vượt sông bằng bè mảng sang tỉnh Quảng Đông làm việc tại các xưởng đồ chơi trẻ em. Trước khi vượt biên, mỗi người nộp cho Đông 1.100 nhân dân tệ (khoảng 3,3 triệu đồng).

Sau tết, tình trạng lao động trẻ tại các miền quê ở Thanh Hóa, Nghệ An cùng nhau vượt biên sang Trung Quốc làm việc đã trở nên phổ biến.

Hơn 3 năm liên tiếp làm việc tại một xưởng đồ nhựa ở Trung Quốc, anh T.K.M. (quê huyện Diễn Châu, Nghệ An) cho biết công việc khá vất vả, làm việc trên 10 tiếng mỗi ngày.

Bat doi tuong dua nguoi sang Trung Quoc lam thue trai phep
Một trong số hàng chục trường hợp bị Công an Thanh Hóa ngăn chặn khi đang trên đường sang Trung Quốc sau Tết Nguyên đán 2019

Người lao động Việt phải sống cảnh chui lủi để trốn cơ quan chức năng sở tại. Không ít trường hợp bị chủ quỵt tiền lương. Thế nhưng thị trường lao động tại Trung Quốc vẫn thu hút nhiều người bởi chi phí đi rẻ hơn nhiều so với xuất khẩu lao động ở các nước khác.

“Nếu không may bị bắt thì sẽ bị giam 2 đến 3 tháng mới được thả về nước nên khi làm việc ở Trung Quốc ai cũng hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết. Vất vả nhưng nếu chăm chỉ cày cuốc thì tháng cũng được 7-9 triệu đồng”, anh M. nói.

Theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hoá, dịp Tết Nguyên đán 2019, đã có 1.026 lao động làm việc trái pháp luật tại Trung Quốc đã về quê ăn tết, gần 900 người hiện vẫn đang làm việc ở Trung Quốc.

Trong số này, gần 900 người đã được lực lượng chức năng vận động ký cam kết không tiếp tục xuất cảnh trái phép, 464 gia đình ký cam kết kêu gọi người thân đang lao động trái phép tại Trung Quốc trở về nước.

Từ năm 2015 đến nay, 41 người xuất cảnh lao động trái phép tại Trung Quốc bị tử vong đưa được thi thể về địa phương và 6 trường hợp bị mất tích. Ngoài ra, gần 3.000 trường hợp bị phía Trung Quốc bắt đuổi về nước, 29 trường hợp bị đưa ra xét xử tại tòa.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI