Bão ở những ngôi nhà không có đàn ông

18/09/2017 - 08:54

PNO - Ở đó, thêm lần nữa nụ cười trở nên hiếm hoi, chỉ dằng dặc cái nhìn thẫn thờ, bất lực, bởi sau lưng họ nhà đã sụp, thiếu vắng cánh tay mạnh mẽ để giúp họ chèo chống, dựng lại chỗ trú ngụ qua đêm.

Chẳng có gì lạ lùng khi không khí nơi đây trầm thấp, không có tiếng nói cười. Ngôi nhà cấp 4 của chị Nguyễn Thị Thược (phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) không một mảnh ngói nào sót lại. Tất cả nát vụn, bơ phờ như gương mặt chị. 

“Giờ tôi không biết làm thế nào để xây lại nhà”. Chỉ có câm nín, ngậm ngùi. Chị ở với con dâu và cháu, làm thuê sống qua ngày. Con trai làm ăn xa. Bão vào, bà cháu đang ăn cơm, chỉ kịp nấp dưới bàn. Chết lặng. Sẽ chẳng có bàn tay đàn ông nào trong nhà này dựng giúp cây cột kia. Sáng 17/9, chính quyền cử dân quân đến giúp. Chị kể như không muốn kể, muốn than, bởi ngó quanh, tan nát đâu chỉ mình chị. Chỉ có tiếng thở dài của chị như tiễn tôi ra cổng, nơi đó những viên ngói bể, tường lở, đang quện theo bùn, níu chân. 

Bao o nhung ngoi nha khong co dan ong
Bà Bùi Thị Phú lật từng viên gạch, ngói lên chỉ thấy lúa gạo hư hại hết. Ảnh: Thuận Hóa

Anh em dân quân, dù cố gắng vẫn không nhặt nhạnh được những gì sót lại của căn nhà cấp 4 của bà Lê Thị Sắc (phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò), vốn đã không còn gì để nát nữa. Ngó trước trông sau, chỉ còn đúng một chiếc ghế gãy chân. “Đây là nhà nghèo nhất phường tôi”, ông Lê Thanh Giang, Chủ tịch phường Nghi Hòa, trầm giọng.  

Bà Sắc bị tật bẩm sinh, không thể đi lại. Bố mẹ mất, bà neo đơn, lầm lũi một mình trong ngôi nhà nhỏ hẹp. Sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như tình thương của anh em lối xóm là điều duy nhất để bà sống hết phần đời còn lại. Nỗi sợ hãi chưa tan trên gương mặt bà: “Sáng 15/9, tôi cùng với một đứa cháu qua chơi, ăn cơm sớm hơn thường lệ để chạy bão. Tôi nói với nó “mi gọi bố sang cõng bà đi với”.

Vừa sang nhà người họ hàng được khoảng 30 phút thì bão vào. Nhà chú ấy cũng bị bão tàn phá, ngói bị cuốn sạch. Hoảng sợ, chú ấy không dám để mọi người ở trong nhà. Ai cũng ra vườn, lấy mấy cái thúng úp lại, phòng tình huống xấu xảy ra. Ngồi trong thúng mà tôi nghe rõ tiếng bão gầm rú, thét gào. Tôi còn nghe rõ mồn một tiếng ngói bay, cây đổ. Đến khoảng 3 giờ thì chú ấy mở thúng cho bà cháu ra, nhà cửa ngổn ngang vỡ nát hết. Tôi  về nhà, như chú thấy đó, có còn chi đâu”.

Bà Sắc lết vào gian nhà bếp chỉ cho chúng tôi xem gian nhà tạm bộ đội vừa dựng lên. Nhà không ngõ, nhưng đời bà như bao người đàn bà cô lẻ chốn này, cuộc sống như dần lâm vào ngõ cụt. Ngày bão dữ ập đến, biết bao thân phận phụ nữ đơn thân vắt kiệt sức lực chống chọi bão tố.

Bao o nhung ngoi nha khong co dan ong
Tranh thủ trời nắng, hai anh em con chị Trần Lan Anh phơi lại sách vở đã bị ướt nhòe vì bão. Ảnh: Thuận Hóa

Con đường dẫn vào thôn Thọ Sơn (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) lổn nhổn gạch, ngói xi măng, xà gồ, khung sắt... Trong căn nhà chỉ còn hai bức tường, chị Nguyễn Thị Thư lật tung từng tấm tôn cố gắng tìm những thứ gì còn có thể dùng được. Mồ hôi lấm tấm trên gương mặt đen sạm, người đàn bà đơn thân buông tiếng thở dài, mệt mỏi: “Mất hết rồi chú ơi!”. 

Ông Bùi Văn Luyện - Phó chủ tịch xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cho hay: “Xã có hơn 70 trường hợp là vợ góa, con thơ. Việc phòng chống và khắc phục sau bão của họ gặp rất nhiều khó khăn”. 

Còn theo ông Nguyễn Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, xã có nhiều gia đình có đàn ông đi làm ăn xa. Riêng thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông, 559 hộ có nhà bị tốc mái, trong đó có nhà 25 hộ là phụ nữ đơn thân. Còn xã Lý Trạch, huyện Bố  Trạch, ông Lê Văn Duẫn - Chủ tịch UBND xã  cho biết, có đến 16 hộ phụ nữ đơn thân bị sụp nhà.

Nước mắt giàn giụa, chị kể: “Nhà người ta đông, bão đến mỗi người một tay, chung sức chống chọi, còn mình thì mẹ góa con côi. Cả thôn này nhà nào cũng tốc mái, ai cũng lo lợp mái nhà của họ, riêng mình lủi thủi dọn ngày, dọn đêm, đến giờ này cũng chưa lượm hết tôn và đồ đạc bị gió bão hất tung. Thương nhất mấy đứa nhỏ, áo quần sách vở mới sắm nay đã bị xé tanh bành. Không biết qua bão rồi lấy tiền đâu ra để sắm sửa lại”, giọng chị như nhão ra, bất lực.

Cách nhà chị Thư khoảng vài trăm mét, chúng tôi bất chợt nhìn thấy hai đứa trẻ đang  khiêng tôn. Đó là  Tuấn và Hải, con chị  Hồ Thị Tuyết. “Mệt lắm em ơi, làm mãi không hết việc. Nhìn bọn trẻ thấy thương, nhưng giờ nhà không có ai thì hai cháu phải phụ giúp. Bữa trưa ni, thằng Hải nói thèm tô bún, hai ngày ni ăn mì tôm ngán quá. Phận làm mẹ nghe con nói tôi đắng ruột, đắng gan”, chị Tuyết  bật khóc.

Ngày bão đổ bộ, chồng chị Tuyết đang làm ăn trong Nam, ba mẹ con phải nhờ hàng xóm dắt đi lánh bão. Khi trở về, tài sản giá trị của cả nhà là cái ti vi, bếp ga và bộ xoong nồi vừa mua trả góp đã bẹp dí dưới đống gạch vụn. Bao năm anh chị dành dụm xây được căn nhà 100m2, giờ tay trắng. Tôi hình dung, bão rít, những người đàn bà lẩy bẩy che con, họ chỉ cầu trời thoát chết, cầu cho đứa con  lành lặn, dù lúc đó chỉ còn tiếng khóc. 

Chị Trần Lan Anh (thôn 4, xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) chồng mất vì tai nạn giao thông cách đây 10 năm, khi đứa con trai đầu mới bước vào lớp 2. Bao mùa giông bão, ba mẹ con chỉ biết nương tựa vào nhau để sống. Khi bão ập đến, họ dắt díu nhau xin ở nhờ nhà bà con làng xóm. Bão tan, mẹ con chị trở về thẫn thờ khi thấy toàn bộ mái ngói, hiên nhà đã bị cuốn đi. Chị than: “Giờ muốn mượn tiền lợp lại mái ngói mà cũng sợ không biết khi mô trả nổi”. 

Bao o nhung ngoi nha khong co dan ong
 

Nhà đổ nát, vườn tược tan  tành. Tôi đến, vừa lúc bà Bùi Thị Phú (thôn Hải Bắc, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) trở về nhà. Bà Phú lặng nhìn đống đổ nát. Chồng bà mất hơn 100 ngày, con cái làm ăn xa nên khi bão vào chỉ biết ôm mấy bộ quần áo chạy. “Trước đây bão vào thì có chồng con chống lại nhà cửa. Giờ tôi ở một mình không biết nhờ ai. Gọi cho con thì đứa nói không có tiền để về, đứa đi bộ đội chưa sắp xếp kịp”, bà Phú nói.

Còn bà Vũ Thị Hương (thôn Bắc Tiến, xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), thì nói con đang về, nhưng chẳng có tiền. Bà Phú sống với con trai là Nguyễn Văn Mạnh. Mấy tháng qua, vợ chồng anh Mạnh vào Nam làm thuê kiếm tiền trả nợ vay phẫu thuật tim cho con gái. Bão vào, bà Hương cùng cháu chỉ kịp chạy lánh nạn. “Lúc về tui thấy nhà cửa tan hoang đã gọi điện thoại báo, thằng Mạnh bật khóc và đang trên đường về”. 

Làng chài Nam Hải (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) như vừa qua trận bom hủy diệt. Những cái  nhìn thất thần, cay đắng bao phủ. Nghề đi biển ngày càng khó, trận bão số 10 này khiến xóm chài Nam Hải càng thêm khốn khổ. Đi dọc bờ biển, chúng tôi đếm có hơn 20 ngôi nhà, quầy hàng bị bão san phẳng.

Vật lộn với mưa bão hơn một ngày, hai mẹ con chị Đặng Thị Tuyết (thôn Minh Đức, xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) trở về thấy một đống tôn xi măng nát vụn. Ướt lạnh, chị Tuyết cố tìm trong tủ, nhưng bộ quần áo nào cũng ướt. Đến chum gạo, trước khi đi lánh bão chị che đậy an toàn, vậy mà giờ thành những mảnh sành lẫn lộn trong đống hoang tàn. 

Không còn bão, nhưng mưa rớt không thôi trong những căn nhà không đàn ông. Ở đó, chưa bao giờ dứt những gào thét của bão từ tim, từ cái nhìn xót đắng. Họ tiếp tục sống, nhưng dư chấn lần này như bồi thêm nữa đắng cay. 

13 người chết và mất tích trong bão số 10

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cơn bão số 10 (Doksuri) sau khi càn quét miền Trung đã gây thiệt hại lớn về người và của. Hiện đã có 9 người chết và 4 người mất tích, 112 người bị thương. Số người thương vong nhiều nhất ở tỉnh Quảng Bình. Cơn bão cũng khiến cho gần 1.200 ngôi nhà bị sập và hơn 150.000 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái. Dù đã được lệnh cấm biển và kêu gọi trú ẩn an toàn song vẫn có 7 tàu cá bị chìm và 183 thuyền bị cuốn trôi... 

Tại Hà Tĩnh, bão số 10 đi qua đã làm 100% xã, phường, thị trấn với trên 420.000 hộ dân bị mất điện. Ngay sau khi bão tan, ngành điện lực đã huy động nhân lực vào cuộc và đến tối 16/9, 173/262 xã, phường có điện trở lại. Tương tự, tại Quảng Bình, công tác khắc phục hệ thống điện đang được khẩn trương tiến hành. Ước tính, cơn bão số 10 đã làm hơn 2.000 trạm biến áp bị mất điện, gần 5.000 cột điện gãy đổ. Còn tại Nghệ An, sáng 17/9, gần 1.000 cán bộ chiến sĩ, lực lượng vũ trang, công an cùng đoàn viên thanh niên đã ra quân dọn dẹp vệ sinh ở Cửa Lò, sẵn sàng đón du khách trở lại sau bão…

Ông Tăng Quốc Chính - Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho hay, ngoài khắc phục các vấn đề dân sinh, phục vụ khôi phục sản xuất, cần tiếp tục rà soát các khu vực có nguy cơ cao gây ra lũ quét, sạt lở để sẵn sàng triển khai biện pháp ứng phó. Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi kỹ lưỡng các công trình, hồ chứa đang thi công để đảm bảo an toàn. 


Thuận Hóa - Hoàng Liên - Phan Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI