Bão kèm lũ, miền Trung lại chìm trong tang thương

06/11/2017 - 09:20

PNO - Chưa hết kinh hoàng vì bão số 12, dân miền Trung lại oằn mình gánh chịu lũ lớn. Nhà cửa chìm sâu trong nước; gia tài, của cải trôi theo dòng nước bạc.

Do ảnh hưởng của bão số 12, các địa  phương miền trung từ  Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã có mưa lớn, gây ra lũ lụt nghiêm trọng, trong đó 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, lũ dâng mức báo động 3 và vượt mức  báo động 3 từ 1-3m. Thông tin từ các địa phương cho biết, đã có hơn 200 ngàn nhà dân bị ngập sâu từ 0,5-3m; hơn 10 ngàn người đã phải di dời để tránh lũ. 

Giao thông tại các tỉnh trên bị tê liệt; sạt lở nghiêm trọng tại hầu hết các huyện miền núi; quốc lộ 1 A đoạn qua Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) bị ngập sâu; 8 sân bay miền trung liên tục hủy chuyến; đường sắt Bắc - Nam bị gián đoạn khu vực phía nam Đèo Cả.

Tại Quảng Ngãi đã có 4 người chết, 3 người bị thương; Quảng Nam 4 người chết, 9 người bị thương; Thừa Thiên - Huế có 8 người chết và mất tích. Riêng tại Bình Định, hiện còn 25 người mất tích chưa tìm thấy do bị lật thuyền trên cảng Quy Nhơn vào ngày 4/11.

Bao kem lu, mièn Trung lai chim trong tang thuong
Hội An ngập trong lũ

Khắp  bờ biển Quy Nhơn, lều bạt, khói hương nghi ngút mặc trời vẫn mưa. Sóng ầm ầm, ngầu đục.  Những con tàu mắc cạn. Sáng 5/11, sát mép nước từ khu vực phường Ghềnh Ráng đến Mũi Tấn, những tiếng  kêu thất thanh truyền nhau khi thấy 5 xác người. Không nằm ở tâm bão, nhưng TP. Quy Nhơn bị thiệt hại nặng nề.  Những con sóng dữ kèm gió kinh hoàng đã đánh chìm 9 tàu cá. 99 người đã rơi xuống biển.

Vật lộn với sóng cả ngày và đêm 4/11, lực lượng cứu hộ đã tìm được 74 người, trong đó có 4 người chết, còn 25 người không biết dạt về đâu. Lực lượng cứu hộ vẫn mặc  gió mưa, quần nát khu vực những chiếc tàu to lớn, giờ như kẻ tử nạn, hết lật nghiêng đến lật sấp. “Các thuyền viên tàu hàng không phải là người địa phương, sau khi tìm thấy, chúng tôi chuyển vào nhà xác Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định bảo quản, chờ thông báo cho người thân tiếp nhận” - một chiến sĩ trong đội cứu hộ nói. 

Nỗi kinh hãi còn in sâu trên mặt ông Lê Hải Châu (58 tuổi) - thuyền trưởng tàu Thanh Hai 18. Lặng im hồi lâu, bất chợt ông thốt lên: “Đó là cảnh tang thương nhất trong 28 năm tôi làm thuyền trưởng tàu vận tải biển. Một trận lốc xoáy, con sóng cao trên 8m liên tục đánh qua, đánh lại, những con tàu đang neo đậu trên vịnh Quy Nhơn chao đảo.

Bao kem lu, mièn Trung lai chim trong tang thuong
Xã Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam) tan hoang.

Xác tàu đắm, người kêu cứu giữa dòng nước, 9 thuyền viên trên tàu Thanh Hai 18 vừa chống chọi với sóng, vừa thả phao, can nhựa, dây thừng cứu người. Một người bám được vào dây, chúng tôi cố đưa người đó lên thì con sóng dữ phía sau ập tới, cuốn luôn thuyền viên đó xuống biển. Nghe tiếng kêu cứu mà chúng tôi đành bất lực nhìn họ bị sóng nhấn chìm trong mưa bão”. 

Đêm 3/11, có khoảng 50 con tàu đậu gần nhau ngoài vịnh đã sẵn sàng thả neo, nổ máy để di chuyển tránh bão, phòng trường hợp sóng to, gió lớn. “Một đêm yên bình, trời sáng, chúng tôi đã mừng là thoát bão an toàn. Ngờ đâu, chỉ trong vòng một giờ đồng hồ (từ 6g30 đến 7g30 ngày 4/11), một trận lốc lớn làm chuyển hướng gió, đánh bật hàng chục con tàu neo đậu ở đây. Nhiều tàu gặp nạn phát tín hiệu cấp cứu, nhưng giữa thời điểm đó, không cách nào cứu vớt được. Một sự xoay chiều của luồng gió, sóng khó lường khiến hàng chục con tàu bị đắm trên biển” - thuyền phó tàu Thanh Hai 18 Lê Văn Khánh nói thêm.

Bao kem lu, mièn Trung lai chim trong tang thuong
Mực nước lũ tại Huế được dự báo có thể vượt mức lịch sử năm 1999

Trong khi đó, hàng trăm ngàn gia đình suốt từ Huế đến Phú Yên đang vật vã, ngụp lặn trên bờ để khỏi bị chìm trong lũ. Bão chưa dứt, lũ lớn lại ập về. Ông Đỗ Ngọc Tân - ở tổ 2, khu vực 1, phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn - nói như không kịp thở: “Ngày hôm qua thì đóng cửa chạy bão, bây giờ thì gấp rút kê dọn đồ đạc để dời đi, sợ chiều tối nước lên, vợ chồng già cùng đứa con phải  dọn nhanh để đi ở nhờ thôi”. Mưa to kèm thủy điện thi nhau xả lũ, khiến dân vùng lũ trở tay không kịp. 

Tay xách giỏ đồ sũng nước, bà Nguyễn Thị Cảnh - ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - mệt mỏi kể, bà đi làm ăn xa, hôm qua có việc gia đình nên phải tức tốc bắt xe về quê, không ngờ khi xe đến đoạn qua bờ đập xã Tịnh Hòa thì  bị ngập nặng. “Bây giờ, tôi cũng chẳng biết phải ở đâu. Chắc tối nay phải xin ngủ nhờ nhà ai đó bên đường” - bà nói.

Ngoài đường, người người kéo nhau đi tránh lũ. Lũ lên như chớp mắt, từ huyện Nghĩa Hành đến Bình Sơn, ngược lên vùng Sơn Hà của tỉnh Quảng Ngãi, hàng trăm hộ dân đã phải di dời khẩn cấp. Anh Hà Thanh Chương - ở thôn An Sơn, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành - lo lắng: “Nước lên nhanh lắm. Mới tối qua, đến giờ đã cao trên 1m rồi. Phía trước nhà là sông Phước Giang nên tôi rất lo. Từ giờ đến tối mà nước cao nữa, không biết chạy đi đâu, nhưng chắc phải đi, không lẽ ngồi chờ chết” - giọng anh quả quyết mà buồn xo. 

Bao kem lu, mièn Trung lai chim trong tang thuong
Sau bão, thủy điện xả lũ khiến vùng hạ du ngập nặng

Phải chạy. Nước lút gần tới mái nhà rồi. Nhà thấp thì trú nhà cao. Nơi trũng thì dồn lên nơi khô ráo. Không ai nếm mùi nước lụt sớm và nhanh bằng dân vùng ven sông Vu Gia và hạ lưu sông Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam. Đến chiều tối 5/11, đã có 15.000 hộ dân huyện Đại Lộc bị ngập, bởi lũ đã vượt đỉnh. Ông Nguyễn Trân - ở xã Đại Nghĩa - nói trong run rẩy: “Quá nhanh, trở tay không kịp, tôi chỉ biết vác bao lúa gửi nhờ hàng xóm rồi xin trú tránh, chứ đêm nay ở lại nhà là chết”.

Phía bên kia đèo Hải Vân, mực nước lũ có thể vượt mức lịch sử năm 1999. Cả Thừa Thiên - Huế chìm trong nước. Quốc lộ, lối về các huyện vùng thấp ven sông Hương, sông Bồ, ngược lên A Lưới, Nam Đông đều bị tắc. Tại TP. Huế, có nơi, nước lên ngang bụng. Lại vẫn điệp khúc “trở tay không kịp”. 

Đâu phải chờ đến tối 5/11, mà đêm trước, nước lũ đã uy hiếp họ. Mưa quá to, nước ùn ùn từ các thủy điện xả về, thế là họ cuống cuồng  dọn dẹp nhà cửa, sơ tán đồ đạc, lùa gia súc lên núi cao tránh nước. Bà Nguyễn Hoa Chi - ngụ tại xã Đại Nghĩa - giơ hai tay như  đang còn hoảng hốt: “Nước lớn nhanh không tưởng tượng nổi. Mới chiều nghe thủy điện thông báo xả lũ, đến 9 giờ đêm thì nó ùa vô nhà, quýnh cả chân, xoay không kịp”. 

Cả đêm, họ thức trắng canh lũ, chuyển đồ và chuẩn bị tư thế để… chạy. Ở trên núi lại là nơi hứng lũ sớm, bởi ở ngay họng thủy điện. Bà  Phan Thị Anh - trú ở thôn Trung Hạ, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn - xót xa: “Khuân chuyển không kịp, đàn heo 8 con bị trôi hết, đứng nhìn mà chỉ biết khóc, không cứu được”. Huyện Nông Sơn ngập sớm. Vùng Quế Trung, nhiều nơi nước lên tới mái nhà. Tại rốn lũ Hội An, nước đã ngự từ đêm qua trong những ngôi nhà cổ.

Cho dù tỉnh và trung ương đã yêu cầu các thủy điện giảm xả để điều tiết lũ, nhưng mưa thượng nguồn vẫn đổ về, không cách nào khác, vẫn phải xả lưu lượng lớn. Một lần nữa, và không biết bao nhiêu lần nữa, hễ mưa to là thủy điện xả lũ, và dân vùng lũ miền Trung lại mất nhà, mất người, trắng tay đối mặt với tang thương, đói nghèo.

Và những cái chết hiển hiện, đau đớn. Chiều 5/11,  anh Trần Minh Tân - sinh năm 1975, trú ở đội 1, thôn Bồng Lai, xã  Điện Minh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - dùng ghe đi chở người  thân, gặp  gió lớn, bị  lật. Người đứng trên bờ thấy, nhưng phải 30 phút sau mới tìm được anh.

Bao kem lu, mièn Trung lai chim trong tang thuong
 

Những cái chết nối nhau, không kể vùng thấp hay cao. Sáng cùng ngày, hai người đi xe máy qua địa phận xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn, hướng về đèo Lò Xo giáp tỉnh Kon Tum thì bất thần núi lở. Quân đội  phải điều lực lượng đến hiện trường đào bới tìm xác, nhưng vẫn chưa có thông tin. 

Phía bên kia đèo Hải Vân, mực nước lũ có thể vượt mức lịch sử năm 1999. Cả Thừa Thiên - Huế chìm trong nước. Quốc lộ, lối về các huyện vùng thấp ven sông Hương, sông Bồ, ngược lên A Lưới, Nam Đông đều bị tắc. Tại TP. Huế, có nơi, nước lên ngang bụng. Lại vẫn điệp khúc “trở tay không kịp”. 

Trời vẫn mưa to, nước từ thượng nguồn vẫn tiếp tục đổ về. Đêm nay, dân vùng lũ miền Trung lại thức trắng để chạy.  

“Không biết vợ tôi giờ dạt nơi đâu”

Sau nhiều ngày tìm kiếm, đến ngày 5/11, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy thi thể của chị - 50 tuổi, nhân viên Trạm Quản lý thủy nông đập Thạnh Hòa, trực thuộc Xí nghiệp Thủy lợi 4 của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Định, bị nước cuốn khi đang làm việc.

Bao kem lu, mièn Trung lai chim trong tang thuong
Khu vực chị Nguyễn Thị Thu Tâm gặp nạn

Trước đó, tại tỉnh Bình Định xảy ra mưa lớn trong 3 ngày liên tiếp (từ ngày 30/10 đến 1/11), nước sông dâng cao gây lũ ở một số nơi. Chiều 2/11, mưa dứt, nước sông rút dần, sông Côn đoạn qua địa phận các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước bị bèo, rác lấp kín dòng chảy. Nhân viên của Trạm Quản lý thủy nông đập Thạnh Hòa (P. Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) được huy động vớt rác để thông dòng. 

Trong quá trình làm việc, nữ nhân viên Thu Tâm không may trượt chân, bị nước cuốn trôi. Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Định huy động lực lượng tìm kiếm thi thể chị Tâm, đồng thời báo cáo cơ quan chức năng.

“Trước đây, chị Tâm là nhân viên của Xí nghiệp Thủy lợi 4 đóng tại thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. Gần 1 năm nay, chị được điều chuyển về trạm làm nhiệm vụ trực điện thoại, đo mực nước, báo cáo định kỳ về xí nghiệp” - Phó giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Định, Nguyễn Trọng Phủ, cho hay.

Ngay sau khi chị Tâm bị nạn, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định - đã nhờ đội cứu hộ của tỉnh Bình Định gồm 6 thợ lặn tìm kiếm, nhưng do nước lớn và chảy xiết nên công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, mực nước sông Côn càng lúc càng dâng cao hơn sau bão số 12. Tối 3/11 đến sáng 5/11, việc tìm kiếm chị Tâm phải tạm hoãn.

Từ ngày 2 - 3/11, Xí nghiệp Thủy lợi 4 bố trí người giăng lưới tại ngã ba sông Côn đoạn giáp ranh hai xã Phước Hiệp và Phước Hòa để đón thi thể chị Tâm. Ngoài ra, tại đập Cát giáp ranh hai xã Phước Hòa - Phước Sơn và tại đập Nha Phu nằm trên địa bàn xã Phước Hòa, xí nghiệp cũng bố trí lực lượng trực xuyên đêm để kịp phát hiện nếu thi thể chị Tâm trôi xuống đó. Nhưng hai ngày nay (4 - 5/11), mưa to gió lớn, nhiều khu vực bị cô lập, nước sông dâng cao nên việc tìm kiếm chị Tâm phải ngưng.

Ông Hồ Ngọc Diệp - chồng chị Tâm - đau đớn: “Mưa gió thế này, không biết vợ tôi trôi dạt nơi đâu. Trời yên, gió nhỏ mà còn tìm không ra, nay mưa gió bão bùng vầy, không thể nào mướn được người đi tìm. Phải qua cơn lũ này may ra mới tìm được. Mấy ngày nay tôi cũng nghe ngóng, nhưng đến nay tung tích vợ tôi vẫn chưa rõ”.

Ông Diệp cũng là Phó giám đốc Xí nghiệp thủy lợi 4, cho biết vợ ông gặp nạn là do ra giúp anh em khơi thông dòng chảy. “Lúc đó, vợ tôi ra đập làm việc giúp anh em, ai ngờ bị trượt chân xuống đập. Nước lớn, vợ tôi bị cuốn đi, một nhân viên làm cùng nhảy xuống cứu nhưng không kịp” - ông Diệp đau xót.

Thu Dịu

Nhóm PV miền Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI