Bản kiến nghị đặc biệt về phương hướng hiện đại hóa giáo dục Việt Nam

15/07/2019 - 08:00

PNO - Ai cũng biết vai trò quan trọng then chốt của giáo dục đối với tiền đồ dân tộc. Thế nhưng, từ nhiều năm, chúng ta đã để cho giáo dục Việt Nam tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bản kiến nghị này do giáo sư Hoàng Tụy chấp bút, thay mặt cho 23 trí thức tên tuổi trong và ngoài nước, gửi cho Trung ương Đảng và Chính phủ, gồm 3 phần.

Phần đầu phân tích thực trạng của giáo dục để tìm ra cái gốc các khó khăn và bất cập hiện nay. Phần thứ hai đề xuất phương hướng hiện đại hóa giáo dục để khắc phục các khó khăn và bất cập một cách cơ bản. Phần thứ ba trình bày một số giải pháp cấp bách cần thực hiện để trả lại môi trường hoạt động bình thường cho giáo dục, và mở đường chuyển dần sang cải cách, hiện đại hóa toàn hệ thống.

Ban kien nghi dac biet ve phuong huong hien dai hoa giao duc Viet Nam
Giáo sư Hoàng Tụy giảng về lý thuyết tối ưu

I. Thực trạng giáo dục

Ai cũng biết vai trò quan trọng then chốt của giáo dục đối với tiền đồ dân tộc. Thế nhưng, từ nhiều năm, chúng ta đã để cho giáo dục Việt Nam tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chưa bao giờ tình hình giáo dục trở nên bức xúc như hiện nay.

Nhìn chung cả nước, hệ thống giáo dục chưa ra khỏi trạng thái lộn xộn bất bình thường, hoạt động không theo quy luật khoa học, hiệu quả kém, chất lượng thấp, đang có nguy cơ bị thương mại hóa theo xu hướng ngược với lý tưởng công bằng và dân chủ của xã hội. Về cả ba phương diện dân trí, nhân lực và nhân tài, những bất cập đều quá rõ (...)

II. Con đường ra: cải cách, hiện đại hóa giáo dục

Muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tất yếu phải bắt đầu bằng việc hiện đại hóa giáo dục.

1. Để xây dựng lại giáo dục từ gốc, trước hết cần thay đổi tư duy giáo dục, xác định lại quan niệm về mục tiêu, yêu cầu đào tạo và chức năng của nhà trường, từ đó mới thấy rõ cần thay đổi cung cách dạy và học, thay đổi nội dung, phương pháp, tổ chức quản lý giáo dục, như thế nào để đạt được mục tiêu đó.

Nên rà soát lại để dứt khoát từ bỏ đào tạo những mẫu người chỉ biết ngoan ngoãn chấp hành, quen được dẫn dắt, bao cấp cả về tư duy và hành động, hơn là biết suy nghĩ độc lập và tự chịu trách nhiệm. Đồng thời cần quan tâm đến giáo dục thẩm mỹ, giáo dục cảm xúc, đào tạo toàn diện con người có tâm hồn và thể chất khỏe mạnh.

2. Từ quan niệm bao quát nói trên phải xem xét lại toàn bộ tổ chức quá trình giáo dục, bao gồm cả nội dung chương trình, phương pháp từng cấp học, sao cho phù hợp với mục tiêu chung.

Chẳng hạn phải giảm bớt đáng kể giờ lên lớp nghe giảng, tăng giờ thực hành, giờ học theo phương pháp tương tác, dành thì giờ cho việc tự học, tùy lứa tuổi tập tham khảo sách báo, tư liệu, thảo luận xêmina, thuyết trình, tham luận, viết tiểu luận, làm dự án...

3. Công bằng, dân chủ là xu hướng của xã hội tiến bộ hiện đại, tuy cách hiểu và thực thi còn nhiều điểm khác nhau tùy mỗi nước. Trong giáo dục công bằng, dân chủ có nghĩa là bảo đảm cho mọi công dân quyền bình đẳng về cơ hội học tập và cơ hội thành đạt trong học vấn.

4. Giáo dục phải phóng khoáng, không hạn chế, hay kìm hãm mà trái lại phải tôn trọng, phát triển cá tính, và muốn thế không nên gò bó mọi người trong một kiểu đào tạo như nhau, một hướng học vấn như nhau, mà phải mở ra nhiều con đường, nhiều hướng, tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho thế hệ trẻ phát triển tài năng.

5. Do bước tiến nhanh của khoa học và công nghệ, các ngành hoạt động kinh tế ngày càng yêu cầu lực lượng lao động phải có trình độ hiểu biết cao mới đảm bảo hiệu quả và năng suất. Vì vậy, xu thế tất yếu là phải tiến tới mở cửa đại học cho số đông, rồi cho đại bộ phận dân chúng. Điều này đòi hỏi những thay đổi lớn trong quan niệm về sứ mạng, nhiệm vụ cũng như tổ chức, quản lý giáo dục đại học...

6. Trong khi nâng cao dân trí, mở rộng cửa nhà trường, kể cả đại học, cho đông đảo người dân, thì giáo dục không thể coi nhẹ nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Trái lại, phải rất chú trọng tài năng, khắc phục bình quân và trung bình chủ nghĩa...

7. Trong thời đại khoa học và công nghệ tiến nhanh như vũ bão, không ai có thể thỏa mãn với vốn kiến thức đã có của mình. Mọi người đều cần học tập, học thường xuyên, học suốt đời, cho nên giáo dục thường xuyên phải không ngừng mở rộng cả về phạm vi, quy mô, hình thức, đối tượng, và sử dụng những phương tiện kỹ thuật tân tiến nhất...

8. Đặc điểm quan trọng của giáo dục hiện đại là sử dụng rộng rãi internet, công nghệ thông tin trong mọi khâu giáo dục, từ nội dung cho đến phương pháp, tổ chức... Đặc biệt phải biết tận dụng khả năng công nghệ thông tin, phát triển mạnh giáo dục từ xa để đáp ứng một cách tiết kiệm, linh hoạt và hữu hiệu nhu cầu học tập ngay tại nơi lao động và sinh hoạt của đông đảo người dân.

9. Dựa trên các nguyên tắc vừa nêu, cần cải tổ toàn bộ hệ thống giáo dục.

Về bậc tiểu học và THCS, trong nước đã có hệ thống thực nghiệm giáo dục được nghiên cứu từ hơn hai mươi năm nay và đã được áp dụng trên nhiều vùng đất nước, cần có sự thẩm định và đánh giá khách quan, nghiêm túc, để nếu cơ bản nó đáp ứng các yêu cầu nêu trên thì có thể mở rộng thực hiện trong cả nước, coi đó cũng là một nét đặc thù của giáo dục Việt Nam.

Về bậc THPT cần nghiên cứu lại việc phân ban theo tinh thần tiến tới tạo nhiều cơ hội lựa chọn cho thế hệ trẻ trên cơ sở bảo đảm một mặt bằng văn hóa chung thích hợp, đồng thời tổ chức đủ mềm dẻo để cho phép điều chỉnh những lựa chọn chưa phù hợp.

Về đại học và kỹ thuật trung cấp, hiện nay cả thế giới đều hướng tới xây dựng một hệ thống giáo dục tương đồng với nhau về cấu trúc và cả nội dung đào tạo để thuận tiện cho việc hợp tác và trao đổi quốc tế (như tú tài +3 năm cho chương trình cử nhân, tú tài +5 năm cho chương trình thạc sĩ, kỹ sư, tú tài +8 năm cho chương trình tiến sĩ). Ta cần sớm chủ động hội nhập vào xu thế chung đó.

10. Cuối cùng, muốn cải cách thành công phải cải tổ quản lý giáo dục. Trước hết cần có sự chuyển biến mạnh mẽ ngay trong bộ máy lãnh đạo và quản lý về quan điểm giáo dục như đã nêu trên, trên cơ sở đó thay đổi, cải tiến tổ chức, phương pháp quản lý, nhằm phát huy sáng kiến chủ động của các cấp, từng bước khắc phục bệnh tập trung quan liêu.

Cần cải tổ hội đồng giáo dục quốc gia thành một hội đồng thật sự có năng lực tư vấn cao ở tầm chiến lược, tăng cường bộ máy thanh tra đi đôi với mở rộng quyền tự chủ, trong khuôn khổ quy định, cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các đại học lớn, về mọi vấn đề thuộc phạm vi chương trình, tổ chức, kế hoạch giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác.

Quản lý giáo dục cũng tức là quản lý các hoạt động làm nền tảng phát triển trí tuệ, phát triển năng lực sáng tạo của xã hội, cho nên liên quan khăng khít với quản lý các hoạt động khoa học, công nghệ. Tiến tới chấm dứt tình trạng ngăn cách giữa các đại học và các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ.

Hệ thống quản lý giáo dục cần được cải tổ thành mạng lưới, vận hành theo cơ chế mạng, tận dụng các tri thức khoa học và phương tiện kỹ thuật về quản lý mạng, để tăng hiệu quả quản lý, phù hợp với xu hướng và yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại.

Ban kien nghi dac biet ve phuong huong hien dai hoa giao duc Viet Nam
Giáo sư Hoàng Tụy trong dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và chúc tết

III. Mấy vấn đề cấp bách

Về giáo dục phổ thông:

1. Cải cách thi cử và đánh giá. Nên bỏ các kỳ thi tốt nghiệp từng cấp học (tiểu học, THCS, tú tài) mà thay vào đó, thực hiện thi, kiểm tra nghiêm túc thường xuyên, đều đặn, từng chặng, từng phần của từng môn học, đến cuối cấp xét các kết quả học tập để đánh giá tổng hợp và cho tốt nghiệp (...)

2. Xóa bỏ dạy thêm, học thêm tràn lan. Đây là tệ nạn kéo dài quá lâu, đã đến lúc không thể nhân nhượng thêm nữa, mà cần dứt khoát xóa bỏ.

3. Chỉnh đốn việc biên soạn, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa. Nên học tập kinh nghiệm các nước về cả tổ chức, phương pháp và kỹ thuật, đổi mới quan niệm về biên soạn sách giáo khoa theo những quan điểm giáo dục hiện đại, đổi mới quan niệm về xuất bản, sử dụng sách giáo khoa (...)

Về giáo dục đại học:

1. Trước hết, cần cải cách mạnh mẽ việc thi cử và đánh giá, chuyển toàn bộ việc học theo hệ thống tín chỉ; thi, kiểm tra nghiêm túc từng chặng trong suốt khóa học. Về tuyển sinh đại học và cao đẳng, nên bỏ kỳ thi hiện nay, nặng nề, căng thẳng, tốn kém, mà hiệu quả thấp, để thay vào đó một kỳ thi nhẹ nhàng chỉ nhằm mục đích sơ tuyển, để loại những học sinh chưa đủ trình độ tối thiểu cần thiết theo học đại học. Sau đó, việc tuyển chọn vào đại học nào do đại học ấy tự làm.

2. Chấn chỉnh việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Cần chỉnh đốn từ gốc, rà soát lại để hạn chế chặt chẽ số đơn vị, ngành được phép đào tạo. Chống gian dối và cẩu thả trong việc đào tạo và cấp bằng.

3. Chấn chỉnh công tác chức danh giáo sư, phó giáo sư. Để mở đường hiện đại hóa đại học, cần sớm chấn chỉnh công tác chức danh giáo sư, phó giáo sư, trước hết cải tổ “hội đồng chức danh giáo sư” thành một hội đồng không trực tiếp công nhận các chức danh mà chỉ xét duyệt hằng năm, định kỳ, để công nhận những người đủ tư cách ứng cử vào các chức danh giáo sư, phó giáo sư ở các đại học và viện nghiên cứu.

Còn việc xét tuyển được trả lại cho các hội đồng tuyển chọn của từng đại học và viện nghiên cứu, hội đồng này gồm một số chuyên gia thuộc biên chế đơn vị đó và có thể thêm một số chuyên gia ở ngoài.

4. Cải thiện chính sách sử dụng giảng viên đại học. Tình trạng phổ biến hiện nay ở các đại học là giảng viên dạy quá nhiều giờ (25-30 giờ mỗi tuần không phải là hiếm), kể cả giờ dạy trong trường, ngoài trường, dưới nhiều hình thức khác nhau, dạy “liên kết” ở các địa phương, dạy tư, luyện thi, “dạy sô”...), do đó, ngay ở các đại học lớn, cũng rất ít nghiên cứu khoa học. Cần có biện pháp cải thiện nhanh, nếu không sẽ di hại qua nhiều thế hệ.

5. Đổi mới các trường sư phạm và chính sách đào tạo giáo viên phổ thông. Cần nghiên cứu lại chủ trương xây dựng những trường sư phạm trọng điểm, vì theo kinh nghiệm các nước, chỉ giáo viên mẫu giáo, tiểu học mới cần được đào tạo kỹ về nghiệp vụ sư phạm, còn giáo viên THCS và THPT trở lên thì trước hết phải được đào tạo vững vàng về chuyên môn khoa học rồi mới bổ túc kiến thức và kỹ năng sư phạm. Do đó phải thay đổi cách đào tạo ở các trường sư phạm, chú trọng nhiều hơn phần chuyên môn khoa học.

6. Xây dựng “mới” một đại học đa ngành hiện đại, làm “hoa tiêu” cho cải cách đại học sau này. Song song với những biện pháp cấp bách kể trên, cần bắt tay xây dựng ngay một đại học đa ngành thật hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế và sánh kịp các đại học tiên tiến nhất trong khu vực, để làm hoa tiêu cho toàn bộ công cuộc hiện đại hóa đại học.

7. Tăng đầu tư cho đại học, đi đôi với chấn chỉnh việc sử dụng đầu tư. Cần cải cách chế độ lương và phụ cấp, bảo đảm cho giảng viên đại học một mức thu nhập phù hợp với năng suất và trình độ từng người để họ có thể dồn tâm lực vào nhiệm vụ chính trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học mà không phải lo toan, xoay xở cho đời sống quá nhiều, tạo mọi điều kiện cho họ có thể cập nhật tri thức theo kịp khoa học công nghệ thế giới và khu vực.

***

Bao trùm trên hết là chính sách phát triển nguồn nhân lực và tài năng để phục vụ công cuộc phát triển của đất nước, thể hiện trong việc hiểu và thực thi chủ trương coi phát triển giáo dục và khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Khâu yếu nhất vẫn là chính sách đối với lao động trong giáo dục và khoa học, hai ngành hoạt động liên quan khăng khít với nhau, mà sự tụt hậu của một ngành luôn gắn liền với sự tụt hậu của ngành kia. Những bất cập trong chính sách này đã được nêu lên từ lâu, đến nay vẫn còn chờ sự quan tâm và giải quyết của Nhà nước và xã hội.

(Lược trích từ Những vấn đề giáo dục hiện nay: Quan điểm và giải pháp (nhiều tác giả) 
của nhà xuất bản Tri thức 2008)

Giáo sư Hoàng Tụy

Giáo sư Hoàng Tụy - nhà toán học danh tiếng của Việt Nam, người thầy của nhiều thế hệ người thầy Việt Nam vừa qua đời tại Hà Nội, lúc 15g, ngày 14/7/2019.

Giáo sư Hoàng Tụy là tác giả của gần 150 công trình, như: Hàm thực, Quy hoạch toán học, Tối ưu toàn cục, Lý thuyết điểm bất động, Định lý Minimax... đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Với những cống hiến to lớn cho toán học, ông được Tổ chức Quốc tế Tối ưu toàn cục trao giải thưởng Constantin Caratheodory.

Cuốn chuyên khảo Global optimization - Deterministic approaches (Tối ưu toàn cục - Tiếp cận tất định) chứa những thành tựu nghiên cứu của giáo sư Hoàng Tụy và học trò đã được nhà xuất bản khoa học lớn nhất thế giới Springer in lại ba lần, từ năm 1990-1996, được xem là tác phẩm kinh điển trong lĩnh vực Tối ưu toàn cục.

Ngoài tâm huyết với khoa học, ông còn được kính trọng như một người hết lòng với đất nước, luôn ưu tư với nguồn nhân lực, nền giáo dục nước nhà. Ông đã có nhiều bài viết và hoạt động kêu gọi cải cách giáo dục: cải thiện chính sách đối với người thầy, cải cách hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề, thay đổi cung cách học và thi, xóa bỏ kiểu thi cử nặng nề, tốn kém mà không hiệu quả, chuyển giáo dục đại học theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI