Bài 3: Mayu Ino, 'chị hùng' của người làm nông

08/09/2018 - 06:00

PNO - Gần 20 năm qua, hình ảnh một cô gái Nhật đi xe buýt, bắt xe ôm, ăn cơm bụi hay lui cui cả ngày ngoài đồng đã trở nên quen thuộc với nhiều người...

Mayu Ino - cô gái đến từ Nhật Bản - nói tiếng Việt giọng Bắc khá chuẩn, có rất đông bạn bè là nông dân Việt Nam.

Một người Nhật “lạ lùng”

Hơn 20 năm trước, Mayu đã mặc tà áo dài trắng trong lần đầu đến Việt Nam. Cô cảm được vị khác biệt trong phở Nam Định, biết Bến Tre có bánh lá dừa nhân chuối và còn biết chuối sáp chỉ ăn được sau khi luộc. Hỏi cô vì sao thịt lợn (heo) Mường ở vùng núi Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) ngon, cô sẽ trả lời vanh vách rằng, lợn đó được nuôi bằng rau củ, cám gạo, chuối, nuôi cả năm cũng chỉ nặng 15-20kg; lợn đó còn được cho ăn các loại cây thuốc để phòng, chống bệnh. Mayu biết rất nhiều giống cây, con ở nhiều vùng quê xa xôi của Việt Nam.

Bai 3: Mayu Ino, 'chi hung' cua nguoi lam nong
Mayu Ino trở nên thân thiết, gần gũi với hàng ngàn nông dân Việt Nam sau hơn 20 năm sát cánh cùng họ

Trước một cơn bão chuẩn bị đổ bộ vào vùng quê nào đó, nơi có những người nông dân mà Mayu quen biết, cô sẽ gọi điện nhắc họ chuẩn bị phòng, tránh bão. Trên trang Facebook cá nhân của cô, bạn có thể biết cơn bão nào sắp vào miền Tây, tình hình mưa lũ ở Hòa Bình hay giá dừa ở Bến Tre… qua những dòng trạng thái ngắn gọn. Chẳng hạn như, “Ui, giá dừa rẻ như bèo, bèo quá không tin nổi! Khổ cho bà con”.

Đôi khi là những lời khá hài hước cô chia sẻ sau buổi tham gia trồng cây với các chiến sĩ cảnh sát giao thông: “Mình cứ vui trong lòng vì các chiến sĩ công an cũng lao vào trồng cây rồi đấy, mong các chiến sĩ trồng 100 cây thì 100 cây sống nhé”. Bạn có thể phì cười vì những câu nói vô tư, nhưng Mayu là vậy, cô chân thành như một nông dân.

Mayu không phải là người làm trong lĩnh vực kinh doanh nông sản, càng không phải là người thích du lịch khám phá đến mức dành tới hơn 20 năm để khám phá những vùng quê xa xôi của Việt Nam.

Năm 1994, lần đầu tiên đến Việt Nam du lịch, Mayu có thiện cảm với hình ảnh những nông dân đi làm đồng về trong một chiều mùa đông giá rét ở miền Bắc qua ô kính xe khách. Hai năm sau, Mayu quyết định dành thời gian học tiếng Việt và làm luận văn tốt nghiệp về chủ đề “Cách quản lý rừng cộng đồng của người Nùng”. Trong quá trình sưu tầm tư liệu thực tế, cô tận mắt chứng kiến những khó khăn của người dân ở các vùng quê. Phần lớn là nông dân sở hữu diện tích đất nhỏ để trồng trọt, chăn nuôi. 

Tốt nghiệp, cô theo Trung tâm Tình nguyện Nhật Bản hỗ trợ các tỉnh nghèo của Việt Nam thông qua các dự án xây dựng đập nước và chống xói mòn cho đất tại Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh bằng cách trồng quýt. Trong vai trò điều phối viên dự án, cô có điều kiện tiếp xúc với nhiều nông dân Việt Nam hơn.

Bai 3: Mayu Ino, 'chi hung' cua nguoi lam nong
 

Dự án kết thúc, cô sáng lập ra tổ chức Seed to table (Từ hạt giống đến bàn ăn) - một mô hình phát triển cộng đồng phổ biến ở Nhật Bản nhưng còn lạ lẫm ở Việt Nam.

Công việc của Mayu là đi đến một cộng đồng người nghèo, tìm hiểu tài nguyên, văn hóa và phương kế sinh nhai truyền thống của người địa phương đó, từ đó giúp họ nuôi trồng, khai thác tốt tài nguyên, phát triển văn hóa bản địa, gìn giữ môi trường bằng cách canh tác an toàn, chế biến và tiêu thụ tốt nông sản. Kinh phí hoạt động dựa vào các chương trình hỗ trợ của chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản.

Bò, vịt thành “vốn ODA”

Nhật Bản là nước cung cấp nguồn vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam. Mayu cũng có riêng một nguồn vốn “ODA” dành cho những hộ nghèo mà cô tìm đến. Gia đình nào nghèo khó, tổ chức của cô sẽ cho mượn một con bò cái hoặc vài chục con vịt đẻ; sau 1 năm, bò sẽ sinh ra bê con, vịt sẽ đẻ trứng, ấp nở thành con để tạo ra đàn mới. Những người được hỗ trợ sẽ dùng con bê trả lại cho Seed to table. Con bê hay những con vịt đó sẽ được mang đi cho những hộ nghèo khác mượn. Vậy mà những con bò, đàn vịt đó đã thay đổi kinh tế của biết bao gia đình nghèo tại tỉnh Hòa Bình hay Bến Tre.

Điều khiến nông dân biết đến Mayu không chỉ có vậy. Cô kêu gọi nông dân từ bỏ thói quen trồng rau quả sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học. Cô và cộng sự hướng dẫn họ cách làm đất, lựa chọn và bảo tồn hạt giống, cách làm phân ủ, cấy lúa cải tiến, canh tác theo mô hình lúa - vịt, lúa - cá, canh tác trên đất dốc... Cô kêu gọi người dân địa phương cùng cô sưu tập các loại giống bản địa, lập hồ sơ thông tin, hỏi kinh nghiệm canh tác, đặc tính của từng loại giống từ những người cao tuổi trong vùng nhằm để lại cho thế hệ sau.

Với cô, hạt giống không chỉ là khởi đầu vòng đời trong chuỗi nông sản, mà nó phải trải qua quãng thời gian dài để tự thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng để có được chất lượng tốt nhất. Cô lo ngại, những giống ngoại lai có thể khiến nông dân bị cuốn theo hiệu quả mà bỏ qua sự an toàn về chất lượng và đánh mất những giống bản địa - những hạt giống mà theo cô, chứa đựng trong đó cả một nền văn hóa của cộng đồng.

Nhiều nông dân được cô hướng dẫn ủ phân chuồng hay dùng phân trùn quế để bón cho rau, phòng trừ sâu bệnh bằng cách tự pha nước tỏi, ớt phun, tưới, ghi nhật ký nuôi, trồng. Nông dân tham gia dự án được chia thành từng nhóm, những nhóm này sẽ giám sát chéo nhau trong quá trình canh tác, thu hoạch, chế biến sản phẩm. Sản phẩm họ nuôi trồng ra theo hướng hữu cơ, nhưng rất khó có chi phí để được chứng nhận quốc tế.

Để giải quyết vấn đề này, Mayu đi theo hướng chứng nhận PGS (một hệ thống đảm bảo “có giá trị” cho các sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là cho thị trường nội địa). Sản phẩm làm ra sẽ được kết nối trực tiếp với người tiêu dùng thông qua các cửa hàng, phiên chợ. Mayu còn mang sản phẩm của những nhóm này chào hàng tại các nhà hàng, doanh nghiệp của Nhật Bản. Họ rất quan tâm và đặt mua, thậm chí mua để đưa về Nhật. Nhưng Mayu nói, đó chưa phải mục tiêu chính của cô và nông dân. Người tiêu dùng tại Việt Nam rất đông, chỉ cần họ biết được giá trị sản phẩm nuôi trồng hữu cơ và mua đúng giá, cũng giúp cải thiện cuộc sống của nông dân rồi.

Bai 3: Mayu Ino, 'chi hung' cua nguoi lam nong
Mayu Ino với đồng bào người Nùng

Gần đây, Mayu còn đưa mô hình vườn rau hữu cơ đến Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (H.Mỏ Cày Nam), Trường THPT Lương Thế Vinh (H.Thạnh Phú) của tỉnh Bến Tre. Học sinh có thêm bài học về nông nghiệp hữu cơ, làm việc theo nhóm.

“Chị hùng” Mayu Ino

Hỏi Mayu vì sao lại chỉ tập trung vào những hộ nhỏ, hộ nghèo, cô giải thích, vì họ mới là những người làm thay đổi môi trường. Ở Việt Nam, hộ nhỏ, hộ nghèo còn nhiều lắm. Bởi vậy, gần 20 năm qua, hình ảnh một cô gái Nhật đi xe buýt, bắt xe ôm, ăn cơm bụi hay lui cui cả ngày ngoài đồng đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Một nông dân trong nhóm Hữu cơ Lộc Thuận (H.Bình Đại, tỉnh Bến Tre) nói với chúng tôi: “Mayu lạ lắm! Cô không quản mưa nắng trên đồng ruộng với nông dân, nhưng khi thu hoạch, nông dân có nhã ý tặng cô bó rau hay ít củ quả, cô ấy đòi trả tiền bằng được. Cô ấy nói, nếu nhận là tham nhũng đấy”.

Một số nông dân kể, họ chưa bao giờ thấy Mayu nóng giận; nếu làm sai, cô động viên làm lại. Câu nói cửa miệng của cô luôn là “còn nhiều vấn đề, các anh chị cố gắng nhé”. Nhưng, Mayu lại rất nguyên tắc, nếu nông dân nào tham gia dự án làm hữu cơ rồi bỏ cuộc, muốn tham gia lại, cô kiên quyết không nhận. “Chúng tôi biết ơn Mayu nhiều. Không chỉ học được cách trồng cây, chúng tôi còn học được ở cô bài học về ý thức với cộng đồng, với người xung quanh và cả con cháu mình nữa” - một nông dân cao tuổi ở tỉnh Bến Tre nói.

Gần đây, Mayu thực hiện một dự án “lớn” là xây một nhà chế biến nông sản rộng chừng 80m2 cho phụ nữ tại xã Vang Quới Đông, H.Bình Đại, tỉnh Bến Tre với tổng chi phí chừng 1 tỷ đồng. Những người thân quen với cô kể lại, do nguồn vốn eo hẹp nên cô phải dò hỏi nhà thầu nào giá mềm, chất lượng thiết bị tốt để tiết kiệm cho nông dân. Cô phải mất hơn 2 tháng mà vẫn chưa xong thủ tục để khởi công.

Nhiều doanh nghiệp trong nước liên kết hay làm việc với nông dân thường than vãn chuyện nông dân không kiên trì, làm đối phó, chính quyền địa phương thì không đồng hành với doanh nghiệp nên chẳng khâu nào kết nối được khâu nào. Đem chuyện này hỏi Mayu, cô cho biết, đã gặp tình trạng này nhiều và không ít lần cũng cảm thấy nản, muốn bỏ việc. Nhưng cô lại nghĩ, nông dân ở đâu cũng vậy, tính bảo thủ lớn lắm; hơn nữa, họ cũng chân thành, nên cô có động lực để tiếp tục công việc.

Tôi hỏi có biết nhiều nông dân ở Bến Tre coi chị là anh hùng không, Mayu cười: “Có chứ, có người còn gọi tôi là chị hùng nữa đấy”.  

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI