Bài 2: Ông Khải làm gạo hữu cơ trên khu rừng cháy

06/09/2018 - 08:00

PNO - Hơn 10 năm, vừa lo sản xuất, lai tạo giống, vừa lo bán hàng, ông bảo, cái được lớn nhất mà ông có được là, từ chỗ người ta còn mơ hồ về thực phẩm hữu cơ, nay nó trở thành một xu hướng tiêu dùng.

Bao nhiêu tiền bạc, ông Khải đổ hết vào nông trại hữu cơ vốn là vạt rừng U Minh bị cháy, khó có thể tái sinh. Sau gần 20 năm, ông đã có một cơ ngơi đáng kể, nhưng điều ông cảm thấy vui là tiêu dùng thực phẩm hữu cơ ngày càng trở thành xu hướng ở Việt Nam.

Một mình đi một con đường

Rít mạnh hơi thuốc, ông Võ Minh Khải - Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú Organic & Healthy Food - khẽ thở dài sau những ngày quần quật làm việc ở nông trại Viễn Phú nằm lọt thỏm giữa rừng U Minh, tỉnh Cà Mau.

Bai 2: Ong Khai lam gao huu co tren khu rung chay
Sau gần 20 năm kiên trì với việc làm nông sản hữu cơ, ông Khải cảm thấy vui khi tiêu dùng nông sản hữu cơ ngày càng trở thành xu hướng ở Việt Nam.

Mười mấy năm nay, ông làm công việc của một nhà khoa học, một nông dân và cả của một doanh nhân trên cánh đồng này.

Hằng tuần, ông Khải đi - về giữa Sài Gòn và U Minh để điều hành công việc. Ông bảo, khó khăn vẫn còn đó, nhưng điều ông vui nhất là giờ nhiều người biết đến thực phẩm hữu cơ hơn, cũng nhiều người trồng hơn: “Trước đây, một mình đi trên một con đường, giờ con đường thành con lộ, có thêm nhiều người hơn, đường cũng có nhiều nhánh hơn”.

Nếu tiếp xúc với ông Khải lần đầu, ai đó có thể không vừa ý bởi tính ông ngang tàng, bất cần, nhất là khi chất vấn ông những câu kiểu như “sao các loại gạo của ông giá cao vậy”, “ông tạo ra giống gạo có thể ngừa bệnh tim mạch ra sao”. 

Ông không thích nghe hỏi về giá bán sản phẩm, về quy trình tạo ra những sản phẩm an toàn mà còn có cả dược tính trong đó. Ông thường hỏi ngược lại: “Anh muốn trả tiền để ăn thực phẩm an toàn hay trả tiền thuốc thang cho bác sĩ?”.

Những ai chứng kiến chặng đường hơn 10 năm này, sẽ thấu hiểu làm thực phẩm hữu cơ khó đến mức nào, nhất là với những người thuộc thế hệ khai phá thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam như ông. Ông bắt tay vào làm thực phẩm hữu cơ khi chưa nhiều người biết đến khái niệm này.

Khi đó, ông đang xuất khẩu gạo, việc kinh doanh khá thuận lợi. Việc tìm kiếm thị trường giúp ông Khải đi được nhiều nơi trên thế giới và nhận ra một điều, dù Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều nhất nhì thế giới nhưng thị trường gạo Việt Nam chỉ là những nước có hàng rào tiêu chuẩn khá thấp, là châu Phi hay một số nước Đông Nam Á.

Gạo Việt Nam khó vào châu Âu, Mỹ, Nhật… do không đủ tiêu chuẩn an toàn. Ở những nước này, người ta luôn cảnh giác với chất lượng nông sản Việt Nam. Đây là hệ quả từ nền nông nghiệp cứ đắm chìm mãi trong canh tác hóa học. 

Cũng trong giai đoạn đó, ở các nước phát triển, tiêu dùng thực phẩm hữu cơ đã trở thành nếp, người ta ăn gì cũng tính đến an toàn, sức khỏe, thực phẩm hữu cơ như một tiêu chuẩn cao nhất trong tiêu dùng thực phẩm.

Ông Khải đã dừng tất cả những việc mình đang làm để bắt tay vào sản xuất thực phẩm hữu cơ, bắt đầu với chính cây lúa - một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ mà hành trang ông có chỉ là một chút tài chính tích cóp sau nhiều năm làm xuất khẩu gạo. Đến giờ nhớ lại, ông nói: “Có nhiều lúc tự hỏi, nếu cho tôi trở lại, chắc có lẽ tôi sẽ không dám làm những gì mình đã và đang làm”.

Ông Khải nhanh chóng nhận ra, trồng lúa hữu cơ không chỉ cần có một vùng đất không bị ô nhiễm hóa chất hay sự can dự của con người trước đó. Trồng lúa hữu cơ cũng không phải đem giống gieo xuống vùng đất vừa được khai hoang và không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu để chăm sóc. Những điều ấy chỉ là một phần rất nhỏ trong yêu cầu canh tác hữu cơ.

Bai 2: Ong Khai lam gao huu co tren khu rung chay
Ông nói: “Có nhiều lúc tự hỏi, nếu cho tôi trở lại, chắc có lẽ tôi sẽ không dám làm những gì mình đã và đang làm”.

Mọi thứ khó khăn gấp trăm lần so với dự liệu. Đường đi chưa có, đất đai thì nhiễm phèn, không có điện, không có nước ngọt, hạ tầng coi như bằng không. Ngay cả những thứ có sẵn như nguồn nước tự nhiên cũng phải trữ, lắng, lọc để loại trừ hoàn toàn nguy cơ ô nhiễm trước khi đưa vào đồng ruộng.

Ông phải gửi mẫu đất, mẫu nước sang Đức để kiểm tra, bảo đảm đạt yêu cầu hơn 200 chỉ tiêu hóa lý. Canh tác với diện tích lớn, phải có máy móc, nhà xưởng. Vừa làm vừa mày mò, học hỏi, mà bài học nào dù nhỏ nhất cũng phải móc hầu bao. 

Mất đến 3 năm mới xong những phần đầu tư căn bản, tiền tích cóp bao nhiêu năm cứ cạn dần, ông Khải phải vay mượn bạn bè để tiếp tục theo đuổi con đường mình chọn. Khi ông bắt tay làm thực phẩm hữu cơ, không có viện, trường nào trong nước có tài liệu về canh tác hữu cơ, càng không thể có một mô hình thực tế để tham quan, tham khảo.

Chính vì chưa có gì nên không thể chờ đợi sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách. Bấy giờ, chưa có hành lang pháp lý, khái niệm nông nghiệp công nghệ cao dường như cũng chưa được đề cập, nói chi đến nông nghiệp hữu cơ. Không ít người nghi ngờ về mục đích của dự án, vì tự dưng có người xin đầu tư vào khu đất rộng lớn nằm giữa rừng tràm âm u.

Người tiêu dùng cũng không mường tượng ra gạo hữu cơ là gạo như thế nào, có gì khác biệt. Ông kể, không ít người nghĩ ông bị khùng, người khác thì dò xét, nghi ông thuê đất giữa rừng để trồng… hàng cấm. 

Bỏ qua tất cả, ông đeo đuổi việc trồng lúa không dùng phân, thuốc hóa học. Chẳng hạn, diệt cỏ cũng phải thuê người nhổ bằng tay, đối phó với dịch bệnh chỉ bằng những những mẹo như đốt đèn bẫy côn trùng, hay sử dụng chế phẩm sinh học.

Khi có sản phẩm đạt yêu cầu, ông Khải lại không thể thuyết phục người tiêu dùng tin vào những điều mình làm, còn khách hàng xuất khẩu thì dù tin vào các chứng nhận quốc tế cấp cho sản phẩm nhưng lại nghi ngờ vào sự ổn định nguồn hàng cũng như chất lượng. Không ít lần, ông Khải phải tắt điện thoại, bỏ đi đâu đó để lấy lại cân bằng. 

Phải có tâm mới làm được thực phẩm hữu cơ 

Không mô hình học hỏi, không một người có kiến thức chỉ bảo, không nhận được chính sách hỗ trợ, ông Khải đều phải tự mày mò, rút kinh nghiệm. Thế nên, những dự liệu của ông khi bắt tay vào làm nông trại hữu cơ đều có độ sai lệch lớn.

Chẳng hạn, dự chi 10 tỷ đồng nhưng thực tế lại tốn hơn trăm tỷ đồng. Duy chỉ một điều mà ông tin mình đúng, đó là dự cảm về cuộc khủng hoảng niềm tin vào thực phẩm trên thị trường. Đâu đâu, người ta cũng cảnh giác với những thứ ăn vào hằng ngày, rồi ung thư, ngộ độc… Người ta ngày càng ý thức hơn trong việc phòng ngừa bệnh tật.

Bai 2: Ong Khai lam gao huu co tren khu rung chay
Ông Khải (bên trái) trò chuyện với đối tác

Ý tưởng “nâng cấp” hạt gạo, khiến nó có khả năng ngăn ngừa bệnh tật đã kích thích ông. Nhiều người ăn nhiều gạo lại sợ mập, sợ tiểu đường, là do gạo chứa nhiều tinh bột; nếu trong hạt gạo, có các chất giống như trong trái táo, trái việt quất thì hạt gạo không chỉ là thực phẩm mà còn ngăn ngừa vô số thứ bệnh.

Nghe ở đâu có giống lúa lạ, lúa quý, ông Khải lại tìm cách sưu tầm, lai tạo, rồi mang sản phẩm đi kiểm tra xem chỉ số dược tính trong gạo có đúng như mong muốn của mình không. Phòng kiểm nghiệm trong nước không đủ thiết bị, ông gửi ra nước ngoài. “Ở nhiều quốc gia, làm được một giống cây mới là có thể tạo thành một cuộc cách mạng trong ngành nông nghiệp đấy” - ông Khải cười. 

Ông Khải cũng phát hiện thêm nhiều nguyên lý trong canh tác hữu cơ, lúa trồng 3 tháng vẫn cho sản lượng không thua kém gì so với lối canh tác hóa học. Ông chia sẻ, với những doanh nghiệp có tài chính mạnh, việc tạo ra một giống mới có chất này chất kia trong hạt gạo là không khó, vì họ có thể can thiệp bằng công nghệ bắn gen.

Còn ông Khải thì làm bằng thủ công và đam mê. Ông tạo ra gạo đen, gạo đỏ, gạo huyền mà theo ông, chỉ cần một loại gạo trong số đó cũng có thể trở thành đề tài để một nghiên cứu sinh có thể bảo vệ luận án tiến sĩ. Ông tạo ra được hàng chục loại gạo như vậy, nhưng trước tên mỗi loại gạo, ông đều lấy tên Hoa Sữa, như một cách để người ta nhớ đến sản phẩm được trồng hữu cơ, tuyệt đối an toàn.

Xa hơn, ông còn muốn tạo sự riêng biệt cho hạt gạo từ Việt Nam xuất ra thế giới, vì người Thái có gạo Jasmine, người Ấn Độ có gạo Basmati, trong khi Việt Nam có hàng chục loại gạo đặc sản như Nàng Thơm, Tám Thơm, Pha Đin nhưng không loại nào trở thành thương hiệu gạo Việt.

Hơn 10 năm, vừa lo sản xuất, lai tạo giống, vừa lo bán hàng, ông bảo, cái được lớn nhất mà ông có được là, từ chỗ người ta còn mơ hồ về thực phẩm hữu cơ, nay nó trở thành một xu hướng tiêu dùng.

Nhà nước cũng quan tâm, bắt đầu có những chính sách hướng đến thực phẩm hữu cơ; các viện, các trường cũng nghiên cứu nhiều hơn, người tiêu dùng quan tâm thực phẩm hữu cơ.

Nông trại hữu cơ của ông Khải rộng hơn 320ha, quy hoạch bài bản, có lúa, rau củ, trái cây, thu hút nhiều đoàn khách trong nước, ngoài nước đến tham quan, học tập hoặc muốn tận mắt thấy quy trình sản xuất để đặt hàng. 

Gạo hữu cơ của ông Khải giờ đã xuất đi Đức, Mỹ, Nhật nhưng ông vẫn chưa một ngày thảnh thơi, vì bán được gạo rồi, ông còn muốn bán được thêm tôm, cá, rau củ hữu cơ nữa. Nhiều “đại gia” cũng muốn đổ tiền vào trang trại của ông, nhưng ông bảo, hữu cơ không đơn thuần là một tiêu chuẩn, phải có cái tâm mới làm được. 

Thực phẩm hữu cơ dần trở nên phổ biến, nhưng “hữu cơ kia cũng có ba bảy đường”. Ông bảo, thực phẩm hữu cơ Trung Quốc ở châu Âu trước đây được tin tưởng vì nó cũng theo tiêu chuẩn chung của quốc tế, nhưng về sau, nó phát triển ồ ạt, mất kiểm soát.

Thực phẩm hữu cơ Việt Nam cũng có thể đi theo vết xe đổ đó. Muốn làm thực phẩm hữu cơ để có được chứng nhận quốc tế hiện nay không khó, vì đã có nhiều mô hình để tham khảo, không thiếu chuyên gia tư vấn.

Nhưng theo ông, chứng nhận chẳng qua cũng chỉ là một tờ giấy. Người tiêu dùng tìm đến thực phẩm hữu cơ là do họ tin rằng, dùng thực phẩm hữu cơ tốt cho sức khỏe. Người làm ra sản phẩm hữu cơ phải đáp ứng niềm tin đó của người tiêu dùng.

Những ai nghĩ rằng, “làm thực phẩm hữu cơ để thu hồi vốn nhanh, giàu nhanh” thì tốt nhất không nên làm. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI