Ám ảnh tội lỗi

16/06/2017 - 12:31

PNO - Đã bao nhiêu bà mẹ trầm cảm sau sinh? Nhiều lắm, đó có thể là người nhà, đồng nghiệp, bạn bè và có khi là chính bạn. Đáng buồn là những người mẹ này luôn đơn độc xoay xở với chứng bệnh của mình.

Câu chuyện người mẹ ở Hà Nội đang bị tình nghi là thủ phạm dìm chết đứa con mới 33 ngày tuổi của mình gây bàng hoàng dư luận. Bên cạnh những câu hỏi như muốn thay mặt cả cơ quan điều tra nhằm “lật tung” mọi ẩn giấu của tội ác ghê gớm… cũng có không ít băn khoăn, đồng cảm của chính những người “trong cuộc” và cả nhà chuyên môn, xung quanh sự kiện chấn động này.

Am anh toi loi
Vụ việc mẹ giết con ở Thạch Thất, Hà Nội khiến dư luận rúng động.

“Bây giờ nghĩ lại, em không hình dung, nếu lúc đó không có chị gái phát hiện, chuyện gì sẽ xảy ra”, chị N.T.H.H. (ngụ xã Tân Khai, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) chia sẻ sau khi hay tin người mẹ trẻ không kiểm soát được hành vi, dìm chết đứa con chỉ mới 33 ngày tuổi.

Cách đây ba năm, chị H. từng quẫn trí, bóp cổ con gái chưa đầy ba tháng. Rất may trong cơn điên loạn đó, người chị ruột phát hiện, đưa chị H. đến khoa Lão - Tâm thần BV Nguyễn Tri Phương khám, xác định chị H. bị chứng loạn thần sau sinh. Chị H. từng bị khủng hoảng, trầm uất kéo dài từ lúc bị người chồng bỏ rơi khi mang thai chưa đầy sáu tháng. 

Vốn có cuộc sống hôn nhân vô cùng ấm áp, anh Lê Sơn (một chủ thầu xây dựng ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) không ngờ ngày nọ vợ lặng lẽ bỏ chồng cùng đứa con đỏ hỏn. Anh Sơn nhớ lại, hôm đó ngày đầu tháng 4/2017, khi đang làm việc tại công trình xây dựng, mẹ anh điện thoại báo tin vợ anh bồng con về “trả cháu cho ba mẹ vì vợ chồng con không thể sống với nhau được nữa”, rồi chị bỏ đi không ai kịp hỏi han gì. 

Dễ tái phát

Trầm cảm, loạn thần là căn bệnh phức tạp, với nhiều trường hợp, phải qua nhiều lần hội chẩn mới xác định bệnh nhân bị trầm cảm hay không và ở mức độ nào.

Một vấn đề khó khăn khác, điều trị trầm cảm phải kéo dài, việc dùng liệu pháp hóa dược đôi khi có thể có tác dụng không mong muốn. Điều này khiến không ít bệnh nhân và gia đình người bệnh không tuân thủ, bỏ điều trị. Thực tế cho thấy, hơn 50% bệnh nhân có nguy cơ tái phát sau cơn thứ nhất, tỷ lệ này tăng dần lên đến 70% sau cơn thứ 2 và sau cơn tái phát thứ 3 là 90%. 

PGS-TS Trần Văn Cường
Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam

Nghe tin, anh Sơn tức tốc trở về, lục tung nhà mới thấy quyển nhật ký của vợ. Đọc những dòng: “Giờ biết chính xác thế nào câu “con là nợ”. Phải sinh con ra là để trả nợ. Mình rất sợ nợ, mà giờ thì cục nợ luôn đeo bám bên mình, khóc cười, la hét... mà mình phải ôm trong tay, phải cho bú, lo lắng đủ điều... có lúc mình nhìn nó mà sợ hãi... mà không biết trốn chạy đi đâu cho thoát”... anh Sơn bàng hoàng.

Sau năm ngày trời tìm kiếm, qua một người thân báo tin, anh Sơn đã tìm thấy vợ đang làm công quả ở một ngôi chùa tận Bình Dương. Được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, anh đưa chị đi trị liệu bệnh trầm cảm sau sinh. Từ đó đến nay, hơn 10 buổi trị liệu, nhưng lần nào chị cũng khóc đầy ẩn ức. 

Chồng luôn chăm sóc, yêu thương, nhưng sau khi sinh con, áp lực nợ nần khiến chị Thu (26 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) rơi vào bế tắc. Chị Thu và anh Minh yêu và cưới nhau sau thời gian chung vốn mở tiệm kinh doanh internet. Một năm sau chị Thu có thai, không thường xuyên ra tiệm. Anh Minh quản lý tiệm net, cá độ bóng đá. Tiền thu hàng ngày anh “nướng” vào các trận bóng đá.

Khi Thu phát hiện thì Minh đã thiếu nợ hàng trăm triệu đồng. Đó cũng là thời gian Thu sắp đến ngày sinh. Nhưng nhờ cha mẹ hai bên giúp đỡ, số nợ được trả hết, Thu còn được mẹ ruột dấm dúi thêm tiền dành khi sinh nở. Anh Minh cũng hồi tâm, chí thú làm ăn, lo cho vợ con. Hạnh phúc đã quay trở lại mái ấm của đôi vợ chồng trẻ, ngay lúc đó thì em bé ra đời.

Am anh toi loi
Nguyên nhân sát hại con trai 33 ngày tuổi của thiếu phụ Trinh được cho là do trầm cảm nặng nề.

Chị Thu tuy yếu, nhưng có vẻ vui, yêu thương chồng và tỏ ra rất cưng con. Sau một tháng chăm con sinh, mẹ chị Thu về, thì chị bắt đầu ít nói, ít nựng nịu con và không thường kể chuyện về con cho chồng nghe như trước. Anh Minh nghĩ có lẽ Thu một mình chăm con khi cơ thể còn yếu nên mệt mỏi, nên tranh thủ về lo cơm nước, quan tâm bồi bổ cho vợ. Chị Thu ăn uống uể oải, thờ ơ. Anh Minh quan tâm hỏi han, chị chỉ ậm ừ cho qua và thường nói “không có gì cả”.

Một hôm, Thu trằn trọc không ngủ, hỏi chồng: “Anh à, nếu muốn ba người nhà mình cùng chết thì chọn cách nào là tốt nhất?”. Anh Minh nghe lạnh sống lưng. “Có khi khoảng hai-ba giờ sáng, nghe con khóc, giật mình, tôi thấy vợ không dỗ con mà cứ mở to mắt nhìn chằm chằm đứa bé”.

Thực tế có nhiều phụ nữ sau sinh rơi vào khủng hoảng tinh thần. Có chị trở chứng ghen tuông, nghĩ rằng mình đang bị chồng chê, cha mẹ chồng khinh rẻ. Tùy trường hợp, có người lướt qua được những rối loạn này một cách nhanh chóng, nhưng không ít người càng ngày càng lún sâu vào bi kịch. 

Không đưa vợ đi bệnh viện vì… “bác sĩ nói láo”

Quá trình từ lúc mang thai tới sau khi sinh nở, người phụ nữ phải thường xuyên đối mặt với nhiều suy nghĩ, lo lắng. Đặc biệt là sau sinh, lượng hormone sinh dục nữ (estrogen) và các chất dưỡng thai giảm đột ngột khiến hầu hết chị em rơi vào trạng thái mất ngủ, dễ bị kích thích… Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít trường hợp sản phụ bị chính người thân vô tình đẩy vào “cửa tử”.

Nhiều bệnh nhân trầm cảm bị chồng và gia đình nghi ngờ… giả bệnh. Dù được bác sĩ trực tiếp tư vấn và khẳng định bệnh nhân bị trầm cảm, loạn thần, nhưng nhiều người chồng vẫn không tin, thậm chí cho rằng, bác sĩ “nói láo”. Vai trò của người chồng là cực kỳ quan trọng, thiếu sự quan tâm, có thể đưa người vợ đến chỗ chết. 

Việc bỏ rơi người bị trầm cảm, khi đã được bác sĩ tư vấn là hành động tàn nhẫn và độc ác. Tại các nước tiên tiến, ngay từ khi mang bầu, phụ nữ đã tham gia vào các hội nhóm và nhận được sự chăm sóc, tư vấn của các chuyên gia tâm lý kịp thời. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì đây là điều chưa được chú trọng. 

BS Tô Thanh Phương - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I 

Nỗi lo cơm áo tăng nguy cơ trầm cảm 

Số lượng phụ nữ bị trầm cảm sau sinh đang ngày càng gia tăng, do phải chịu áp lực từ nhiều phía, trong đó có gánh nặng về “cơm áo, gạo tiền”. Khi có thêm thành viên mới, người chồng đôi khi vì cố gắng kiếm tiền mà quên đi nhiệm vụ động viên, chia sẻ công việc nhà, chăm sóc con với người vợ… 

Bên cạnh đó, các mối quan hệ xã hội ngày càng có xu hướng “khép lại”. Người phụ nữ sau sinh thường chỉ loanh quanh “ở cữ” trong bốn bức tường, ít được giao lưu, chia sẻ trong khi họ mang nhiều nỗi niềm, lo lắng. 

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất 

Huyền Anh (ghi)

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI