Ai là người chịu trách nhiệm đối với vấn đề Formosa?

03/11/2016 - 06:30

PNO - ''Đến nay chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm về việc xả thải trái phép của Formosa, hoặc chúng ta cũng chưa chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm Nhà nước đối với vấn đề Formosa''

Liên quan đến trách nhiệm liên quan tới sự cố Formosa xả thải, trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 2/11, đại biểu Quốc hội Trần Công Thuật - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho biết, cuộc tiếp xúc cử tri nào ông cũng được nghe những phản ánh, bất bình, bức xúc của cử tri về vấn đề trên.

Một trong những mong mỏi của cử tri được ông truyền đạt tới Quốc hội là yêu cầu tính "minh bạch".

Ông Thuật nhấn mạnh, hành động xả thải của Formosa là hành vi hủy hoại môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự sống của biển tại 4 tỉnh miền Trung.

Hành động đó đã được xác định rõ sai phạm, đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng tới nay vẫn chưa thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm.

Ai la nguoi chiu trach nhiem doi voi van de Formosa?
Ai là người chịu trách nhiệm đối với vấn đề Formosa?

''Đến nay chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm về việc xả thải trái phép của Formosa, hoặc chúng ta cũng chưa chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm Nhà nước đối với vấn đề Formosa'' ông Thuật bức xúc.

Vị Đại biểu đặt ra câu hỏi, ngoài yêu cầu làm rõ, minh bạch trách nhiệm thì cử tri và nhân dân còn muốn biết: nếu nhà máy xả thải bằng chất thải lỏng thì kiểm soát thế nào? Xả thải rắn thì xử lý thế nào? Chất thải rắn làm khô thì xử lý thế nào? Chôn lấp ở đâu? Tất cả phải rõ ràng, minh bạch. Mặt khác, việc Formosa cam kết không tái phạm là như thế nào? Vi phạm chôn lấp chất thải vừa rồi có được gọi là tái phạm không?

''Cử tri mong muốn nếu chưa làm rõ vấn đề thì kiên quyết không cho Formosa hoạt động'', ông Thuật lưu ý.

Vấn đề này, trước đó, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương - đoàn Quảng Bình cho biết, Bộ TN-MT đã có báo cáo đánh giá công tác khắc phục sự cố môi gửi cho các đại biểu. Tuy nhiên, trong nội dung báo cáo không hề đề cập tới nhiều nội dung quan trọng.

Cụ thể, ông Phương nói: Thủ tướng đã có chỉ đạo, yêu cầu phải xử lý nghiêm những tổ chức, những cá nhân có sai phạm liên quan tới vụ việc trên. Ngay trong kỳ họp thứ I của Quốc hội, báo cáo của Bộ TN-MT cũng đã nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có vi phạm để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng tại Formosa.

"Nhưng, tại nội dung báo cáo lần này Bộ TN-MT đã không hề đề cập tới yêu cầu cũng như chỉ đạo của Thủ tướng. Báo cáo không hề đề cập tới việc đã xử lý những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm liên quan như thế nào? Đã xử lý ra sao và nếu chưa xử lý thì sẽ xử lý như thế nào?" - Ông Phương nói.

Theo ông Phương, báo cáo cũng chưa chỉ rõ được giải pháp để quản lý vấn đề xả thải của Formosa trong thời gian tới như thế nào?. Do đó, không thể khẳng định chắc chắn rằng Formosa sẽ không tiếp tục xả thải gây ô nhiễm trong tương lai.

Đặc biệt, vấn đề Formosa tự ý thay đổi công nghệ nghệ xử lý cốc, từ công nghệ xử lý cốc khô (có nghĩa là công nghệ thân thiện) sang công nghệ xử lý cốc ướt (là công nghệ phát tán rất nhiều chất thải, đặc biệt là khí thải) cũng không được nhắc tới trong báo cáo này.

"Tôi cũng không thấy báo cáo nhắc tới yêu cầu buộc Formosa phải đổi lại công nghệ luyện cốc", ông Phương nói.

Chính vì thế, vị đại biểu đoàn Quảng Bình cho biết sẽ tiếp tục chất vấn những vấn đề liên quan tại các phiên họp Quốc hội tới đây. Trong đó có yêu cầu làm rõ vấn đề liên quan tới xử lý trách nhiệm những cá nhân, tổ chức có liên quan.

Ngoài ra, vị đại biểu đoàn Quảng Bình cho biết, người dân và cử tri Quảng Bình cần ở Bộ TN-MT một lời cam kết rằng: "chắc chắn Formosa sẽ không xả thải gây ô nhiễm trong tương lai".

Dương Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI