Ai bảo vệ con tôi?

31/03/2019 - 12:22

PNO - Xin hãy thành thật với nhau! Có phải chúng ta đã bất lực trong việc dạy dỗ thế hệ tương lai, giữa trùng trùng những chỉ tiêu, đổi mới, thành tích, danh hiệu?

Một nữ sinh lớp 9 ở Hưng Yên bị bạn đánh hội đồng, lột đồ, quay clip ngay trong lớp học, đến nỗi em phải nhập viện điều trị tâm thần. Đó là thông tin kinh hoàng đối với bất cứ ai có con em trong độ tuổi đi học và chắc chắn không ai dám nghĩ tới cảnh con em mình là nạn nhân.

Dù vậy, hành vi man rợ đó chẳng còn là chuyện cá biệt. Nó đã xảy ra không chỉ một lần, không phải ở vùng sâu vùng xa mà đang xảy ra, dưới dạng này hay dạng khác, ở khắp các trường học - nơi trẻ em vẫn từng ngày được học bài học yêu thương, nơi dường như các thầy cô giáo đang ngày càng bất lực trong việc trồng người.

Ai bao ve con toi?
Theo báo cáo của UNICEF, một nửa số học sinh từ 13-15 tuổi, trên khắp thế giới, là nạn nhân của bạo lực học đường

Cứ mỗi khi một vụ việc chấn động dư luận xảy ra, người ta lại đọc thấy công an vào cuộc, rồi tường trình, rồi xử lý kỷ luật (rất nhiều trường hợp là bao che cho đến khi không thể gói ghém được nữa) buộc thôi học hay chuyển công tác - những thứ thuộc về trừng trị và giải quyết hậu quả chứ không ngăn chặn được cái ác, cái xấu khi chúng chưa bắt đầu. 

Xin hãy thành thật với nhau! Có phải chúng ta đã bất lực trong việc dạy dỗ thế hệ tương lai, giữa trùng trùng những chỉ tiêu, đổi mới, thành tích, danh hiệu?

Theo báo cáo Bài học mỗi ngày: chấm dứt bạo lực trong nhà trường, do UNICEF công bố vào tháng 9/2018, có một nửa số học sinh từ 13-15 tuổi trên toàn thế giới (ước tính khoảng 150 triệu) là nạn nhân của bạo lực học đường. Báo cáo cũng ghi nhận tình trạng những kẻ bắt nạt thường đồng thời phổ biến nội dung bạo lực, gây tổn thương và xúc phạm người khác lên môi trường kỹ thuật số.

Tại TP.HCM, cuộc khảo sát của Phòng chính trị - tư tưởng thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM, trên 150 cơ sở giáo dục tại thành phố, công bố hồi đầu năm nay, ghi nhận kết quả: 30% học sinh từng bị xâm hại trên môi trường mạng; 24,6% học sinh bị bắt nạt, hiếp đáp; 20,8% học sinh bị xâm hại tinh thần. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có 6,5% học sinh tại TP.HCM sử dụng chất gây nghiện; 5,7% học sinh vi phạm pháp luật và 2,8% học sinh từng phá thai.

Nhà trường có vẻ đã không còn là nơi an toàn cho con em chúng ta nữa. Mà, nếu nhà trường không còn an toàn, không thể đào tạo học sinh thì hậu quả tất yếu sẽ đến: bọn trẻ sẽ cam chịu hoặc chọn cách "tự giải quyết". Nếu chúng không trở thành kẻ bắt nạt, chúng sẽ tự hủy hoại bản thân mà con số 0,8% trong khảo sát của Sở Giáo dục  - Đào tạo TP.HCM là bằng chứng không thể chối cãi.

Vì ta không thể dạy dỗ được con em mình, ta bất lực nhìn chúng ký tên ủng hộ Seungri dù biết rõ đó là một tội phạm. Ta không giúp trẻ em phòng vệ được nên đành nhìn chúng tung hô Khá Bảnh và các đại ca cho vay tiền góp, nhìn chúng đua theo lối sống phù phiếm, vật chất và buông trôi tương lai.

Ai bao ve con toi?
Hoang mang với tương lai, nhiều học sinh quay sang tung hô các giá trị lệch chuẩn như Khá Bảnh

Mỗi một ngày của một đứa trẻ, xin hãy nhìn xem, nào có khác gì một cuộc chiến khi chúng phải đối mặt với nguy cơ gặp tai nạn giao thông trên đường đến trường hoặc trở về nhà. Chúng có thể bị bạn bắt nạt hoặc bắt nạt người khác. Chúng có thể ngộ độc thực phẩm từ suất ăn bán trú hoặc ngay trong những món chính ta mua và tự tay chuẩn bị cho chúng, vì ta cũng có đảm bảo được sự an toàn của các nguyên liệu ấy đâu.

Bước chân ra khỏi nhà, con em ta đối mặt với bao cạm bẫy, hiểm nguy rình rập mà không hề được chuẩn bị kỹ năng đối phó. Lên mạng, chúng lại càng không có bất kỳ cơ chế phòng vệ nào, đành phải tự bơi cùng lời cầu xin của chúng ta - mong chúng sẽ không gặp điều gì bất trắc.

Chúng ta có vô số cơ chế bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Nhưng dường như các cơ chế ấy đều không hoạt động cho đến khi chuyện xấu xảy ra, hậu quả đã giáng xuống đầu những đứa trẻ chưa đủ năng lực tinh thần lẫn thể chất để phòng vệ. Ai bảo vệ con em chúng tôi giữa thời buổi hỗn mang này hay quả bóng trách nhiệm sẽ được đẩy thẳng về cho cha mẹ?

Xin đừng quên thực tế: đã có những bậc phụ huynh bảo vệ con em bằng cách... úm chúng trong lòng, cách ly khỏi mọi nguy cơ mà họ có thể tưởng tượng ra được. Để rồi cuối cùng chúng ta có những đứa trẻ chỉ được mỗi chuyện to xác, còn lại không biết, không hiểu gì về cuộc sống chúng sắp phải đối mặt.

Xin mượn lời một giáo viên để kết bài viết này: xin những người làm thầy, hãy đối diện với học sinh bằng lòng bao dung, nghiêm khắc, trách nhiệm. Đừng e ngại bất cứ điều gì ảnh hưởng đến thành tích cá nhân. Người đứng đầu ngành giáo dục, hãy khắc phục ngay nạn bạo lực học đường trước khi đọc bản thành tích. Và đã đến lúc chúng ta, những bậc phụ huynh, hãy tự cứu lấy con mình, trao cho con sức mạnh nội lực. Bởi chỉ có con mới tự bảo vệ được mình.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI