1.000 tỷ đồng/năm trợ giá xe buýt, người dân vẫn thờ ơ...

20/07/2019 - 16:43

PNO - Ngân sách TP.HCM chi mỗi năm 1.000 tỷ đồng để trợ giá xe buýt. Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng con số này không hề nhỏ nhưng mục đích lại không đạt được.

Chiều 20/7, tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự lòng lề đường, vỉa hè 6 tháng đầu năm 2019; trong vai trò Trưởng ban An toàn Giao thông Thành phố, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM - khẳng định, việc trợ giá xe buýt không nằm ngoài mục đích thúc đẩy người dân tham gia sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, qua đó từng bước gỡ rối cho bài toán ùn tắc giao thông của TP.HCM lâu nay.

Tuy nhiên, mục đích này đã không đạt được. 

1.000 ty dong/nam tro gia xe buyt, nguoi dan van tho o...
Mục đích "kéo" người dân hướng đến sử dụng vận tải hành khách công cộng nhưng xe buýt lại không được người dân thành phố yêu thích

"Sử dụng ngân sách không nhỏ mà hiệu quả không có thì nguyên nhân do đâu?" - ông Phong sốt ruột; đồng thời yêu cầu Sở Giao thông Vận tải TP.HCM xem lại việc phân luồng các tuyến xe buýt liệu đã phù hợp? Vì sao người dân không tham gia phương tiện xe buýt và sau đó, phải có những chủ trương, chương trình khuyến khích dân nâng cao ý thức sử dụng phương tiện vận tải công.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, ông Trần Quang Lâm cho rằng, ngoài tâm lý, việc người dân không chọn sử dụng xe buýt là do sự lớn mạnh của dịch vụ xe công nghệ GrabBike.

"Xe buýt hiện không cạnh tranh lại với loại hình GrabBike này" - ông Lâm quả quyết.

1.000 ty dong/nam tro gia xe buyt, nguoi dan van tho o...
1.000 tỷ đồng từ ngân sách trợ giá cho xe buýt hàng năm nhưng không hiệu quả, Báo Phụ nữ TP.HCM đã có nhiều tuyến bài chỉ rõ nguyên nhân

Ông Lâm cho rằng, Sở sẽ tìm ra giải pháp hòng khuyến khích, tăng cường chính sách cho người dân chọn lựa phương tiện vận tải công, giảm dùng phương tiện cá nhân; đồng thời nghiên cứu tối ưu hóa mạng lưới xe buýt cũng như điều chỉnh sự trợ giá sao cho phù hợp.

Dù vậy, ông Lâm thông tin, để giải quyết bài toàn ùn tắc giao thông của thành phố, hiện nay, xe buýt vẫn đang là phương tiện chủ lực về vận tải hành khách công; song Sở xác định, vẫn đang chờ 2 tuyến metro (Bến Thành - Suối Tiên; Bến Thành - Tham Lương) và các dự án vành đai khép kín của thành phố hoàn thiện, vận hành. 

"Khi đó, xe buýt chỉ đóng vai trò hỗ trợ và hy vọng, với sự hoàn thiện này người dân sẽ giảm được nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, hướng đến yêu thích các phương tiện vận tải hành khách công cộng" - ông Lâm mong mỏi.

1.000 ty dong/nam tro gia xe buyt, nguoi dan van tho o...
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM kiểm Trưởng ban An toàn Giao thông Thành phố - yêu cầu nghiên cứu nguyên nhân, giải pháp để thúc đẩy người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng

Liên quan đến Đề án vận động người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, các tuyến buýt đường thủy hiện tại  cũng chỉ mang tính... du lịch, không được người dân lựa chọn sử dụng.

Mặc dù có hơn 750 hành khách/ngày nhưng lượng người địa phương sử dụng thường xuyên chỉ hơn 20 người/ngày.

"Các tuyến buýt đường thủy cũng nằm trong mục đích kéo giảm áp lực cho bài toán giao thông đường bộ của thành phố, do đó phải có những đánh giá cụ thể về tình trạng sau một năm vận hành để tìm cách khắc phục" - ông Phong đề nghị.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI