Xuyên Á chưa hoạt động lại – thương lái khốn đốn, vì đâu?

28/11/2017 - 00:05

PNO - Từ ngày lò mổ Xuyên Á bị tạm đình chỉ hoạt động, thương lái nháo nhào, khốn đốn đi tìm nơi giết mổ bởi 50% công suất giết mổ (tương đương khoảng 5.000 con heo/ngày đêm) đã bị thiếu hụt.

“Sống, chết” mặc… tiểu thương?

Cách đây chưa lâu, khi nghe tin có hội thảo về qui hoạch vùng chăn nuôi tại Đồng Nai, nhiều bà con thương lái, tiểu thương khu vực Củ Chi, Hóc Môn… đã kéo đến hội thảo để xin cho lò mổ Xuyên Á hoạt động trở lại.

Bởi chính họ chứ không ai khác, dù là người có dính “phốt” tiêm thuốc an thần cho heo hay chỉ là đối tượng bị… “văng miểng”, thì cũng đã khổ sở quá rồi, trầy trật quá rồi vì mỗi ngày, sau khi Xuyên Á ngừng hoạt động, phải chạy đôn chạy đáo sang Bình Dương, Đồng Nai, hoặc xuôi Long An, lên tận Tây Ninh để tìm lò mổ.

Xuyen A chua hoat dong lai – thuong lai khon don, vi dau?
Từ ngày lò mổ Xuyên Á bị tạm đình chỉ hoạt động, thương lái nháo nhào, khốn đốn đi tìm nơi giết mổ. Ảnh minh họa.

Mổ xong, còn phải một hành trình dài đưa thịt về chợ cho kịp giờ bán, chậm trễ hay vì ách tắc giao thông là muộn giao hàng cho khách, thịt về chợ trưa kém tươi sẽ mất giá. Trong khi đó, chi phí giết mổ mỗi con heo từ mức 48.000 đồng tại lò mổ Xuyên Á đã tăng lên trên dưới 150.000 đồng/con khi chạy đôn đáo để thuê mổ ở các lò khác.

Mà theo qui luật tất yếu, tất cả những gì thương lái, tiểu thương chịu thì sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng mà thôi. Bởi, chẳng thương lái nào chịu thiệt lâu ngày, bởi nếu không thà họ bỏ nghề. Gánh nặng tất cả sẽ đổ vào giá bán thịt đến tay người dùng.

Bà con bán thịt heo “khiếu nại”, về mặt động cơ và mục đích, là vì chính họ, nhưng nếu nhìn từ các hệ lụy, thì việc họ khiếu nại cũng giúp gỡ bỏ gánh nặng cho người tiêu dùng.

Thế nhưng không biết vì sao, một số ngành chức năng tại TP.HCM vẫn chưa thấu nỗi khổ của họ. Trong cuộc tiếp xúc cử tri ngày 15/10/2017 tại Hóc Môn, ông Dương Hoa Xô – Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM – đã cam kết, vào cuối tháng 10 Xuyên Á sẽ hoạt động trở lại.

Nhưng qua hết tháng 10, Xuyên Á vẫn án binh bất động. Nhà đầu tư lò mổ này đã bỏ ra vài trăm tỉ đồng để xây dựng lò mổ hiện đại; yêu cầu khắc phục, kiện toàn một số hạng mục tại lò mổ Xuyên Á như lắp đặt camera giám sát, cũng đã được triển khai xong; thế nhưng vẫn chưa được hoạt động trở lại. Nhà đầu tư kêu, và cứ kêu…

Tắc trách hay vô cảm?

Một trong những yếu tố quan trọng để quyết định giải tỏa sớm lệnh tạm ngừng hoạt động đối với Xuyên Á hay không, chính là việc chủ lò mổ này có “nhúng chàm” trong vụ việc 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần đưa vào đây hay không.

Tuy nhiên, Cục cảnh sát môi trường C49B đã có văn bản nêu rõ, qua điều tra xác minh không có thông tin, tài liệu thể hiện việc chủ cơ sở giết mổ này bao che, tiếp thay cho thương lái tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ. Bên cạnh đó, như đã nói, các biện pháp khắc phục và kiện toàn cũng đã hoàn thành.

Cần biết rằng, dù là nhà đầu tư lớn đến vài trăm tỉ đồng như chủ lò mổ Xuyên Á hay chỉ là một tiểu thương bán sạp thịt nhỏ ở chợ, nếu họ làm ăn chân chính và không vi phạm pháp luật, thì phải được luật pháp bảo vệ và nhà nước - ở đây là các cơ quan chức năng – hỗ trợ và ủng hộ.

Xuyen A chua hoat dong lai – thuong lai khon don, vi dau?
Theo qui luật tất yếu, tất cả những gì thương lái, tiểu thương chịu thì sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng mà thôi. Ảnh minh họa.

Thế nhưng, liên quan đến việc đề xuất cho cơ sở giết mổ Xuyên Á hoạt động trở lại, Sở NN&PTNT mới đây đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM cho biết, đề xuất chính thức về việc cho Xuyên Á hoạt động trở lại vẫn chưa thể trình lên UBND Thành phố được vì các đơn vị liên quan chưa gửi văn bản trả lời Sở. Trước đó, Sở đã có văn bản gửi các sở ngành, đơn vị liên quan đề nghị cho biết cho biết ý kiến về vấn đề này, phản hồi bằng văn bản đến trước ngày 12/111.

Các đơn vị liên quan đó là những nơi nào? Theo Sở NN&PTNT, gồm Sở Tài nguyên & Môi trường, Ban quản lý An toàn thực phẩm, UBND huyện Củ Chi. Cho dù trước đó, các sở ngành và đơn vị này đã thống nhất ý kiến đề xuất cho lò mổ Xuyên Á hoạt động trở lại với công suất tạm thời khoảng 500 con/ngày.

Có thể thấy tắc trách ở đây chính là sự chậm trễ. Nhưng nếu nhìn từ sự khốn đốn, chật vật từ doanh nghiệp đầu tư lò mổ đến thương lái, và hơn cả là quyền lợi người tiêu dùng, thì sự trễ nãi này chính là một sự vô cảm.

Sự vô cảm này càng kéo dài, thì tiểu thương càng khốn đốn, và người tiêu dùng càng thiệt thòi mà thôi!

Thụy Du  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI