Xuất khẩu trái vải sang Mỹ: Nông dân 'nín thở' chờ doanh nghiệp

14/05/2015 - 16:14

PNO - PN - Chỉ hơn một tháng nữa, vải thiều của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) sẽ vào mùa. Trong khi người nông dân đã sẵn sàng tâm thế đưa trái vải sang Mỹ thì doanh nghiệp thu mua vẫn vắng bóng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Xuat khau trai vai sang My: Nong dan 'nin tho' cho doanh nghiep

Đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp cam kết đưa vải Lục Ngạn sang Mỹ

Hoang mang trước “giờ G” 

Nhằm “giải cứu” thị trường vải trước khi vào mùa, ngày 11/5, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ và xuất khẩu trái vải tại H.Lục Ngạn - nơi được xem là “kinh đô” vải thiều của cả nước. Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang dự kiến, năm nay, sản lượng vải thiều của H.Lục Ngạn sẽ đạt khoảng 160.000 tấn, trong đó 40% sản lượng sẽ phục vụ xuất khẩu. Bà Dương Phương Thảo - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, ngoài thị trường chính là Trung Quốc, năm 2015, thị trường Mỹ mở cửa 600 tấn vải của Việt Nam và quốc gia này cũng đã cấp sáu mã vùng nguyên liệu, đưa vào mã toàn cầu cho trái vải Lục Ngạn.

Tháng 10/2014, quyết định của Bộ Nông nghiệp Mỹ chấp nhận trái vải Việt Nam xuất sang quốc gia này bằng phương pháp chiếu xạ mở ra nhiều hy vọng cho người trồng vải tại H.Lục Ngạn. Để đáp ứng nhu cầu của phía Mỹ, UBND H.Lục Ngạn đã quy hoạch vùng sản xuất vải thiều sạch theo tiêu chuẩn Global-GAP tại xã Hồng Giang với diện tích 60,38 ha.

Tuy nhiên, ông Giáp Văn Thành - trưởng nhóm sản xuất vải thiều sạch theo tiêu chuẩn Global-GAP tại xã Hồng Giang, không giấu sự lo lắng: “Hiện nay, quy trình sản xuất vải sạch theo tiêu chuẩn Global-GAP đang được triển khai ồ ạt nhưng tới giờ vẫn chưa biết đầu ra như thế nào. Đến nay, mới chỉ có một doanh nghiệp về xem vải nhưng cũng chưa đề cập đến việc ký kết hợp đồng, thu mua”.

Theo ông Thành, khi triển khai quy trình trồng vải theo tiêu chuẩn quốc tế, UBND H.Lục Ngạn đã trực tiếp cử cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật và khẳng định: “vải ngon, sạch sẽ có giá cao”. Nhiều đoàn lãnh đạo của tỉnh, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương khi về làm việc cũng tỏ ra lạc quan về giá trị của vải thiều khi xuất sang các quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, EU… Thế nhưng, chỉ còn hơn một tháng nữa là trái vải vào mùa, người nông dân như ông Thành vẫn chỉ biết “nín thở” chờ đợi.

Ông Trần Quang Tấn - Chủ tịch UBND H.Lục Ngạn thừa nhận, vẫn chưa có doanh nghiệp nào cam kết đưa trái vải Lục Ngạn sang đất Mỹ. “Công ty TNHH thương mại dịch vụ Ánh Dương Sao đang làm bản đồ chiếu xạ để xuất khẩu vải. Giữa tháng Năm, Công ty này sẽ thu mua vải sớm ở Thanh Hà để thử nghiệm và dự kiến nếu thành công sẽ tiếp tục thu mua vải Lục Ngạn vào chính vụ tháng Sáu”, ông Tấn thông tin. Bên cạnh đó, theo bà Dương Phương Thảo chia sẻ tại hội nghị, công nghệ chiếu xạ cho trái vải hiện chỉ có ở miền Nam. Trung tâm chiếu xạ mới tại phía Bắc hiện vẫn đang nằm trên… dự kiến của Bộ NN-PTNT. “Nếu không xuất khẩu được sang Mỹ thì dân lại bán hàng cho Trung Quốc, dù thị trường này thường không ổn định, giá cả trong ngày liên tục thay đổi do thương lái ép giá”, ông Thành chia sẻ.

Không như kỳ vọng?

Ông Giáp Văn Thành cho hay, quy trình sản xuất vải thiều sạch theo tiêu chuẩn quốc tế chủ yếu áp dụng ở các hộ gia đình có diện tích đất nhỏ, trên dưới một mẫu. Không tốn kém tiền thuốc, phân bón song để đáp ứng tiêu chuẩn này, người nông dân phải thường xuyên tỉa cành, theo dõi sâu bệnh, dọn cỏ vườn… Do đó, với những hộ có diện tích vườn rộng, phải thuê nhân công chăm sóc thì tiền lãi không bù được. Vì vậy, nhiều người chưa mặn mà với xuất khẩu vải.

Năm 2014, H.Lục Ngạn đã xuất hơn 10 tấn vải sang Nhật, nhưng thực tế không như những gì người ta từng kỳ vọng, đặc biệt là con số 16 USD/năm trái vải như lãnh đạo Cục Chế biến thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) đã từng đề cập.

Gia đình bà Nguyễn Thị Xây, thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang có tới bốn tấn vải được doanh nghiệp thu mua để xuất sang Nhật trong năm 2014. Giá vải trung bình bà xuất đi tại vườn chỉ khoảng 18.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất trong toàn vụ là 23.000 đồng/kg. “Chúng tôi nghe nói giá vải sang Nhật lên tới 90.000 đồng/kg, nhưng đó là đầu ra chứ mua thực tế tại địa phương thì chỉ có vậy”, bà Xây cho biết. Ông Giáp Văn Huy, một hộ trồng vải ở xã Hồng Giang cũng chia sẻ, vì giá vải xuất khẩu chưa đột biến, tiêu chuẩn cao nên nhiều người dân vẫn chuộng bán cho Trung Quốc, thị trường không yêu cầu khắt khe về chất lượng vải.

Trao đổi với PV, ông Trần Quang Tấn lý giải: “Vải Việt Nam mới chỉ thử nghiệm, chào hàng ra thế giới nên chưa thể yêu cầu mức giá quá cao. Sau này phải liên kết được người dân và doanh nghiệp, trong đó, cùng nhau nâng cao lợi ích trong chuỗi giá trị. Khi đó, trái vải không những có giá bán cao mà còn được cố định giá ngay trong hợp đồng mua bán đầu vụ”.

 HUYỀN ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI