Xuất khẩu gạo đi Trung Quốc: Bao giờ mới giành thế chủ động?

13/11/2017 - 06:16

PNO - Trung Quốc đang là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, song nhiều doanh nghiệp lo ngại thị trường này luôn ẩn chứa những bất ổn.

Xuất trong… hồi hộp

Trong 9 tháng đầu năm, Trung Quốc (TQ) nhập gần 1,8 triệu tấn gạo của Việt Nam (VN). Đây cũng là khách hàng lớn nhất của VN, chiếm khoảng 39% thị phần. Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), phần lớn lượng gạo xuất đi TQ là nếp.

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex cho rằng, TQ có nhu cầu sử dụng nếp lên đến 2 triệu tấn/năm. Năm ngoái, các doanh nghiệp VN mới đáp ứng được 1,3 triệu tấn nên tiềm năng còn rất lớn. Nếp VN cũng không có đối thủ tại thị trường này.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng, nếu vì một lý do nào đó (như đã từng xảy ra với thanh long, chuối, dưa hấu…), TQ ngưng nhập nếp thì VN giải quyết ra sao với khối lượng lớn này. Hiện nay, rất nhiều vùng miền đã gia tăng diện tích trồng nếp để phục vụ xuất khẩu. 

Xuat khau gao di Trung Quoc: Bao gio moi gianh the chu dong?
 

Các nhà xuất khẩu gạo cho biết, TQ không công khai thông tin về nhu cầu gạo và gạo nếp, đồng thời chính phủ nước này cũng đang siết chặt hạn ngạch nhập khẩu gạo nhằm bảo hộ sản phẩm trong nước, bằng chứng là kiểm soát chặt hơn hoạt động nhập khẩu và cấp quota nhập khẩu gạo.

Theo ông Đỗ Hà Nam, TQ có xu hướng ưu tiên gạo của Thái Lan, Campuchia nên việc áp hạn ngạch như vậy về lâu dài sẽ khiến hạt gạo VN gặp khó trong xuất khẩu. 

Từ hai năm nay, TQ đã ngăn chặn con đường tiểu ngạch mà gạo VN có thể thâm nhập. Ở đường chính ngạch, VN có 22 doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào nước này. Song, một số doanh nghiệp trên cho rằng họ chẳng khác gì thương lái cho các nhà nhập khẩu.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết, doanh nghiệp TQ nhập gạo VN chủ yếu chỉ để pha trộn với gạo bản địa hay gạo nước khác rồi mang thương hiệu của họ. Điều này khiến VN xuất khẩu nhiều gạo nhưng giá trị về thương mại hay thương hiệu đều không cao.

Cam chịu phận “kèo dưới”?

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ, VN chưa xác định rõ ràng về phân khúc các loại gạo. Ở phân khúc cao cấp có gạo Basmati của Ấn Độ, Pakistan giành được sự ưa chuộng ở châu Á và nhiều nước EU, Mỹ; gạo đồ (được làm chín một phần từ khi còn nằm trong vỏ thóc) của Thái Lan, Pakistan, Mỹ…

Muốn thúc đẩy xuất khẩu gạo, VN phải tận dụng ưu đãi của thỏa thuận thương mại tự do.

Muốn vậy, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cần có cơ chế phối hợp với các nước nhập khẩu gạo để giải quyết tranh chấp hoặc vi phạm trong phạm vi nghị định thư đã ký.

Ở phân khúc thấp hơn, gạo VN cũng không thể cạnh tranh nổi về giá với gạo Myanmar, Pakistan… tại thị trường TQ.

VFA cùng các doanh nghiệp xuất khẩu đều chưa có lời giải cho câu hỏi: “Gạo VN có vị thế ra sao khi xuất khẩu vào TQ?”. Một số doanh nghiệp, như Lộc Trời, có vùng nguyên liệu rộng lớn, dễ dàng tổ chức sản xuất từ giống, thu hoạch, chế biến… theo nhu cầu thị trường thì tìm cách liên doanh với nhà nhập khẩu TQ để có thể đưa hàng vào bán lẻ trực tiếp.

Còn đa phần những doanh nghiệp khác ở thế bị động, thường thu mua lúa gạo trồng theo thói quen của nông dân thì khó làm theo hướng này. Vậy nên, doanh nghiệp trông chờ vào những hiệp định giữa chính phủ hai nước.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA cho biết, muốn thúc đẩy xuất khẩu gạo, VN phải tận dụng ưu đãi của thỏa thuận thương mại tự do. Muốn vậy, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cần có cơ chế phối hợp với các nước nhập khẩu gạo để giải quyết tranh chấp hoặc vi phạm trong phạm vi nghị định thư đã ký.

Theo kiến giải của ông Đỗ Hà Nam, TQ chặn cửa tiểu ngạch gạo VN và hiện có 22 doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào TQ theo đường chính ngạch cũng là một lợi thế. Việc quy về ít đầu mối, khi 22 doanh nghiệp này đoàn kết có thể dễ dàng kiểm soát chất lượng, thương hiệu gạo.

Song vẫn cần phải có đàm phán cấp chính phủ mới mong có một thế cân bằng hơn trong giao dịch thương mại. Rõ ràng, hàng hóa TQ vào VN theo đường tiểu ngạch quá lớn, trong khi nhiều mặt hàng của VN, chẳng hạn như gạo lại bị chặn cửa tiểu ngạch vào TQ.

Rõ ràng về chính sách quản lý mậu biên giữa hai nước chưa công bằng, và chỉ những thỏa thuận cấp chính phủ mới có thể khỏa lấp được sự mất cân đối đó. 

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI