Xử lý thông tin vu khống trên mạng xã hội: Luật có nhưng... để đó

08/11/2017 - 11:40

PNO - Gần cuối buổi tọa đàm, Hannah Nguyễn - Giám đốc nghiệp vụ của một tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực làm đẹp mới vào đến khán phòng.

Cô là “khách không mời” của cuộc tọa đàm Khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội gây thiệt hại cho cá nhân và tổ chức - thực trạng, phòng ngừa và đề xuất, sáng 7/11, tại Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam (163/18 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.17, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). 

Vẻ mệt mỏi, Hannah Nguyễn cho biết, dù đã 4 tháng trôi qua, nhưng chuỗi ngày bị đồng nghiệp tấn công trên mạng trong tâm trí cô vẫn như mới hôm qua, vì hành trình khởi kiện còn rất nhiêu khê, mờ mịt…

Mòn mỏi chờ công lý

“Biết có tọa đàm, tôi sắp xếp ngay thời gian để dự vì thấy mình là người trong cuộc, cần phải lên tiếng. Trang cá nhân trên mạng xã hội của tôi có hơn 200.000 người theo dõi, nên khi bị đồng nghiệp - cũng là bạn trên trang mạng xã hội này tấn công, đưa thông tin sai sự thật, khiến tôi rơi vào khủng hoảng, mất ngủ cả tuần. Đáng nói là việc tung thông tin bôi nhọ lên mạng chỉ trước vài phút khi tôi chuẩn bị một event. Công việc, tài chính, uy tín, danh dự… tất cả đều bị ảnh hưởng. Quan trọng nhất là niềm tin về con người sụp đổ khiến tôi rất hoang mang. Vì vậy, sau khi bình tĩnh xem xét lại sự việc, tôi quyết định khiếu kiện người cựu đồng nghiệp này”, Hannah Nguyễn chia sẻ.

Xu ly thong tin vu khong tren mang xa hoi:  Luat co nhung... de do
Hannah Nguyễn: "Những thông tin sai sự thật khiến tôi rơi vào khủng hoảng, mất ngủ cả tuần".

Trước khi khởi kiện, Hannah đã tìm mọi cách lưu giữ các chứng cứ, kêu gọi sự giúp đỡ của các đồng nghiệp và tự mình phải thực hiện nhiều thao tác truyền thông để ngăn chặn bớt sự lan truyền của trang mạng đang bôi xấu chị. Dù có luật sư hỗ trợ nhưng đến tận lúc này vụ kiện của cô ở TAND Q.Bình Thạnh vẫn giẫm chân ở bước tòa chấp nhận đơn khởi kiện!

Cũng trong tâm trạng bức xúc chờ đợi cơ quan điều tra Công an TP.HCM xem xét hồ sơ tố cáo việc bị Facebooker Trang Trần bôi nhọ danh dự, nhân phẩm trên Facebook, nghệ sĩ Xuân Hương cho biết: “Tôi đã nộp đơn tố cáo Trang Trần về hành vi làm nhục người khác tại cơ quan điều tra từ tháng 6/2017. Hiện tôi vô cùng mệt mỏi. Đó là những ngày tháng thật kinh khủng. Cô ta chửi rủa bằng mọi lời lẽ thô tục, bôi nhọ cuộc sống riêng tư và đe dọa cả tính mạng của tôi. Tôi lo lắng đến mức mỗi khi ra đường chỉ đi bằng taxi, trước khi lên taxi là phải dáo dác trước sau xem có bị ai bám đuôi không. Sau khi nộp đơn tố cáo, trải qua hành trình khiếu kiện gian nan, tôi mới hiểu ra là khi bị bôi nhọ, bị đe dọa, mỗi cá nhân đều phải tự tìm mọi cách để thích ứng, đối phó với những khủng hoảng của mình”. 

Thông tin bùng nổ vô tội vạ

Các chị chỉ là 2 nạn nhân hiếm hoi trong số không biết bao nhiêu nạn nhân của mạng xã hội dám “ra mặt” và vác đơn đi kiện. Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam khuyến cáo: “Từng có không ít trường hợp nạn nhân rơi vào trầm cảm, xấu hổ, không dám gặp ai, bị người khác soi mói, công việc, học tập và mọi cơ hội đều bị ảnh hưởng vì những tin đồn thất thiệt. Thậm chí đã có người tự tử vì không chịu nổi áp lực từ dư luận”.

Xu ly thong tin vu khong tren mang xa hoi:  Luat co nhung... de do
Do không có cơ chế kiểm soát, nên các thông tin “giật gân” trên các trang mạng xã hội rất dễ bùng nổ một cách vô tội vạ.

Theo kết quả khảo sát của chương trình nghiên cứu internet và xã hội (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), Việt Nam hiện có gần 50 triệu người sử dụng mạng xã hội, với thời lượng trung bình mỗi người khoảng 2g18p/ngày. Do không có cơ chế kiểm soát, nên các thông tin “giật gân” trên các trang mạng xã hội rất dễ bùng nổ một cách vô tội vạ.

Đã có nhiều vụ khủng hoảng truyền thông do thông tin sai sự thật “đình đám” xảy ra gần đây. Cụ thể như vụ xúc xích Vietfood có độc tố gây ung thư, dù kết quả kiểm định của Bộ Y tế về sản phẩm này đã chứng minh ngược lại.

Cuối cùng, tuy  cũng được “minh oan” nhưng thông tin thất thiệt đó đã khiến Vietfood bị đẩy đến bên bờ vực phá sản. Hay như các thông tin bôi nhọ danh dự, uy tín của cá nhân Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội…

Lại có cả những tin đồn thất thiệt kiểu như: người bán trà đá dùng nước rửa chân bán cho khách, hai cô gái hiếp dâm một nam thanh niên… đã lan tỏa trong cộng đồng mạng với một tốc độ khủng khiếp. 

Phạt nhẹ như… Đuổi ruồi!

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018), các hành vi như đưa thông tin lên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác… đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ, hành vi “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân” thì mức xử phạt chính là cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn, đồng thời còn có thể chịu hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Hành vi “sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” còn được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các tội danh liên quan đến xúc phạm, danh dự của người khác như tội làm nhục người khác (điều 155), tội vu khống (điều 156)... 

Tuy nhiên, điều quan trọng các nạn nhân và chuyên viên pháp luật đặt ra là làm sao để đưa được những người vi phạm ra xử lý hình sự. Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường - Trưởng ban Tuyên truyền, Hội Luật gia TP.HCM chỉ rõ: “Nhiều vụ việc nạn nhân tố cáo nhưng không được cơ quan điều tra xem đó là vụ án hình sự cần khởi tố. Cụ thể như việc vợ bị chồng bạo hành, bôi nhọ, xúc phạm uy tín, danh dự thường bị cơ quan công an cho là “việc nhà”, chứ không xem là án hình sự. Ngay như trong vấn đề đưa thông tin giả, sai sự thật, vu khống cá nhân, tổ chức gây thiệt hại có khi lên đến tiền tỷ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, thậm chí tính mạng của nạn nhân, những quy định pháp luật hiện hành chỉ có mức xử phạt nhẹ như “đuổi ruồi”. 

Cụ thể, theo khoản 1, điều 2 và khoản 3, điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, người có hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” chỉ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. 

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI