Xe ôm công nghệ đưa trẻ đến trường, liệu có đáng tin?

07/05/2018 - 10:30

PNO - Thời công nghệ bùng nổ, dễ bắt gặp hình ảnh những nhân viên mặc đồng phục của các hãng gọi xe ứng dụng trước các cổng trường cấp II, III vào giờ tan học.

Họ được xem là minh chứng cho việc thay đổi thói quen di chuyển của người tiêu dùng ở những thành phố lớn. Cách nay vài năm, chẳng ai ngờ đến một ngày chỉ cần vài thao tác trên điện thoại sẽ có người đến đón tận nhà. Bây giờ, những nhân viên xe ôm công nghệ đã thay cha mẹ đón đưa đám trẻ mỗi ngày.

Chọn xe ôm công nghệ hay chú Tư đầu hẻm?

Chúng tôi mang câu chuyện đưa đón con ra thảo luận trong buổi gặp mặt của nhóm, mới thấy đón đưa con luôn là vấn đề “nóng” với mỗi gia đình.

Chị Huỳnh Anh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cương quyết không sử dụng xe ôm công nghệ vì chỉ tin tưởng tuyệt đối chú xe ôm gần nhà đã đưa đón con chị từ khi bé mới vào lớp Sáu: “Chú ấy là hàng xóm, nhà cửa người ta mình biết rõ và chú chạy xe cẩn thận...”.

Đó có lẽ là một lựa chọn theo thói quen của rất nhiều bà mẹ. Họ chọn người có thể tin tưởng để thay mình làm nhiệm vụ đưa đón trẻ qua các điểm học. Khi tan trường, cũng người xe ôm đó chở đứa trẻ đi ăn tối, ghé lớp học thêm, tối thì đón về nhà. 

Xe om cong nghe dua tre den truong, lieu co dang tin?
Dịch vụ đưa đón học sinh của câu lạc bộ Phụ nữ năng động Q.10 từ lâu đã được nhiều phụ huynh tin tưởng - Ảnh: P.huy

Chú Thìn chạy xe ôm ở con hẻm nhỏ thuộc đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), là tài xế quen thuộc của rất nhiều gia đình trong hẻm. Từ khi có dịch vụ đưa đón trẻ đi học, chú rất ít đón khách vãng lai.

Chú chia sẻ: “Đón đưa học sinh phải có trách nhiệm, phải bỏ bớt những việc khác; bận việc gì cũng phải đúng giờ bởi để các con chờ lâu không tốt”. Chính vì có trách nhiệm và là người đàng hoàng, chú được nhiều gia đình tin cậy.

Không những chở trẻ đi học, đôi khi chú còn đưa các chị, các bà đi chợ, đi chùa. Nhờ thế nên khi dịch vụ gọi xe công nghệ ra đời, chú Thìn không rơi vào tình trạng thất nghiệp, vẫn chạy xe đưa đón học sinh như bình thường. Chú nói vui, chẳng có gì phải ngại xe công nghệ, thị trường của ai, người đó chiếm lĩnh.

Từ ngày xe ôm công nghệ như Grab, Mai Linh, Phương Trang ra đời, chị Minh Tú (Q.7) như trút được gánh nặng. Con gái chị được đưa đón bằng dịch vụ này mỗi lần đi học hoặc cần đi đâu mà không có mẹ. Hỏi có tin tưởng không, chị bảo thật lòng cũng không biết thế nào. Mỗi lần gọi xe là một lần cầu mong cho con mình gặp được tài xế đàng hoàng, đi về an toàn. May mắn là đến giờ vẫn chưa có việc gì xảy ra.

Thực ra, sử dụng xe ôm công nghệ có một ưu điểm, mình biết rõ tài xế, theo dõi được hành trình mỗi chuyến đi. Ưu điểm lớn hơn hẳn là giá cả hợp lý, thường có khuyến mãi. Cũng đoạn đường con đi học đó, ngày trước gọi xe quen phải trả đến 50.000 đồng, giờ rẻ hơn gần một nửa. Đây là một bài toán kinh tế mà các bà mẹ thường cân nhắc. 

Thực chất, đôi khi gọi cho con một chuyến xe, không phải ai cũng có thời gian theo dõi con đã đến nơi an toàn chưa. Lê Hương (Q.Tân Bình) chia sẻ câu chuyện dở cười dở khóc của nhà cô, vợ chồng lịch xịch mãi chuyện đón con cho đến ngày có xe ôm công nghệ.

Hương bảo “mừng như vớ được vàng, vì thấy an toàn và đảm bảo quá”. Nhưng chồng cô cương quyết không chịu. Anh cũng có lý của mình khi cho rằng, chỉ cần ngắt ứng dụng thì coi như không còn liên lạc nữa, làm sao đủ tin cậy. Tài xế thì các hãng tuyển cho đủ quân số, mấy ai có thời gian đào tạo đạo đức nghề nghiệp cho họ, làm sao có thể an tâm đặt hết tin tưởng vào một bác tài xa lạ.

Đến nay, vợ chồng Hương vẫn chưa thống nhất cùng nhau phương thức đưa đón con như thế nào cho tiện. Tuần nào trong nhà họ cũng xảy ra “chiến tranh” vì phân chia trách nhiệm đón con.

Còn đó những băn khoăn

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy chia sẻ, việc con gái học lớp Sáu của anh thi thoảng cũng được mẹ gọi xe ôm công nghệ đón về. Theo anh, làm sao có thể kiểm soát được, chủ yếu là tin tưởng. Hỏi con, bé nói là ổn, nên “chắc ổn thôi”.

Xe om cong nghe dua tre den truong, lieu co dang tin?

Anh cho rằng, “không nên nghĩ cứ ra đường là dễ bị lợi dụng, bắt cóc, hãm hiếp. Dạy con đối diện tình huống là với những nguy cơ nhỏ. Đặt cho trẻ những tình huống có thể xảy ra và cùng con giải quyết từng bước”. 

Chúng tôi hỏi Mai An, học sinh lớp Sáu, nếu đi xe ôm, phát hiện chú tài xế không chạy theo con đường bình thường vẫn đến lớp, mà chạy đường khác hay có cử chỉ gì không nghiêm túc, thì con làm gì? Cô bé lanh lẹ trả lời, “con sẽ la lớn để người đi đường chú ý hoặc tự nhảy xuống xe”. Đặt cho con những tình huống cụ thể và cách xử lý là việc cha mẹ cần làm thường xuyên và thực hành cùng con.

Việc phụ huynh dùng ứng dụng gọi xe công nghệ để đưa đón trẻ đã mở ra thị trường tiềm năng để các hãng xe công nghệ cần đầu tư hơn, nâng cao độ tin cậy và an toàn cho khách hàng như ứng dụng hỗ trợ cha mẹ trong việc giám sát hành trình của con, cập nhật thêm phím tắt, tín hiệu cầu cứu... khi phát hiện bất thường. 

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng: “Phòng tránh xâm hại cho trẻ luôn là điều cha mẹ cần quan tâm mọi lúc mọi nơi. Với xe ôm công nghệ càng cần cẩn trọng hơn. Dù các lái xe đều có thông tin nhân thân rõ ràng cung cấp cho công ty dịch vụ nhưng cha mẹ cũng khó kiểm soát hết mọi nguy cơ với trẻ. Cha mẹ cần hạn chế tối đa việc nhờ người đưa đón và đề nghị con về đến nhà phải điện thoại báo. Dặn con nhớ kỹ tuyến đường đi để nếu lái xe đi sai đường, trẻ phải hỏi rõ và có sự phòng bị nếu không được đưa đến địa điểm đã đặt.

Dạy con nhận diện những dấu hiệu cảnh báo liên quan đến báo động nhìn, nghe, nói, báo động sờ chạm và báo động một mình để trẻ sớm nhận ra dấu hiệu nguy hiểm... Cha mẹ nên mua cho mình và con cuốn sách Cẩm nang phòng chống xâm hại tình dục - những bảo bối của hiệp sĩ Tani. Bản thân tôi cũng có hai con nhỏ; dù chưa sử dụng dịch vụ xe ôm công nghệ vì đã có người hàng xóm đưa đón các cháu nhưng sau này, trong tình huống không có xe ôm quen, tôi sẽ sử dụng xe ôm công nghệ và dạy con kỹ năng phòng vệ cẩn thận”.

Việc lựa chọn cho con mình một dịch vụ an toàn, tiện lợi, phù hợp với xu thế chung của xã hội chính là trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ. Dù công nghệ có phát triển đến đâu và có thể tin tưởng, thì mong ước của các con vẫn là mỗi chiều nhìn thấy mẹ cha đón con bằng nụ cười ấm áp trước cổng trường. 

Lựa chọn nào cũng có ưu khuyết điểm riêng, thay vì đắn đo, hãy dạy con học cách tự lập, kỹ năng đương đầu, xử lý tình huống và tự đi học bằng xe đạp.

 Lê Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI