Vô lý sờ sờ, vẫn đem tiền thật nuôi giấc mơ ảo iFan với Pincoin

13/04/2018 - 19:50

PNO - Đem tiền thật đổ vào mua “tiền ảo” để nuôi giấc mơ làm giàu “tốc hành”, đó chỉ là động cơ của những người ngồi mát ăn bát vàng. “Bát vàng” đâu không thấy, mà cái kết là sự nghiệp tan hoang, gia đình tan tác.

Có thể nói, đến khi vụ việc vỡ lở với 32.000 người bị hại cùng số tiền 15.000 tỷ, người ta mới sáng mắt về phương thức huy động tiền (thật) đa cấp, bằng một công cụ “ảo” là đồng tiền điện tử. Thực ra từ nhiều năm qua, những lời cảnh báo cũng đã nhiều. Đáng tiếc, lòng tham đã khiến người ta bỏ ngoài tai tất cả những lời khuyên, những cảnh báo đáng giá ngàn vàng đó.

15.000 tỷ của 32.000 người, bình quân mỗi người bị mất 469 triệu. Con số ngày, người lao động bình thường với mức lương 5 triệu/tháng, một đời không dám mơ tới.

Vo ly so so, van dem tien that nuoi giac mo ao iFan voi Pincoin

Vậy thì sao người ta lại vẫn tham gia, vẫn lao vào để cuối cùng nhận cái kết đắng, đau lòng đến vậy? Mọi nguyên nhân đều đổ về nguyên nhân chính, đó là lòng tham.

Khi lòng tham trỗi lên, người ta không còn lý trí để nhận biết đâu là đúng sai, mặc dù cái vô lý sờ sờ ra đó, nhìn là thấy ngay chứ không cần phải phân tích.

48% lợi nhuận một năm, đó là ước mơ của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà cả doanh nghiệp thế giới. Hãy nhìn trên thị trường chứng khoán, có ai đầu tư cổ phiếu với mức lợi nhuận đầu năm bỏ ra 1 tỷ, cuối năm thu về tỷ rưỡi, đều đều tháng tháng năm năm?

Hãy đọc các bản cáo bạch, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp hàng đầu, có khi nào lãi ròng (sau thuế) đạt đến con số 48% trên vốn kinh doanh lưu động bỏ ra?

Người ta cứ tưởng Warent Buffe, ông trùm đầu tư tài chính thế giới, tỷ phú thứ 2 thế giới với số tiền 75,6 tỷ đô la, chỉ thua Bill Gates 400 triệu đô, kinh doanh có tỷ suất sinh lời cao lắm, bởi ông đầu tư đâu là thắng đấy, mua công ty nào là có lời nấy. Nhưng khi được ông tiết lộ thông tin, người ta mới té ngửa rằng, ông chỉ đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư có… 20%/năm! Con số khiêm tốn đó đã đưa ông lên vị trí tỷ phú thứ hai thế giới!

Vậy thì, lấy đâu ra, làm gì để một công ty không hề có hoạt động sản xuất kinh doanh gì đáng kể, chỉ là bán các sản phẩm âm nhạc, giải trí như Modern Tech, lại đem về mối lãi ròng cho người tham gia đến 48%/tháng, tức 576%/năm, tức gấp gần 29 lần tỷ suất lợi nhuận của Warren Buffett?

Đó là chưa nói, đầu tư tài chính là lĩnh vực có thể nói là cao cấp nhất, cũng vì đó mà khốc liệt nhất, rủi ro khôn lường. Chỉ có những người thực sự hiểu về nghiệp vụ tài chính, am hiểu hoạt động của doanh nghiệp, am hiểu sản xuất kinh doanh dịch vụ…, mới dám chạm vào lĩnh vực này. Chứ không phải đầu tư tài chính bỏ tiền ra là thu lãi về!

Thôi thì không nói những kiến thức tài chính, tuy bình dân nhưng cũng có vẻ “cao siêu” đối với người lao động, chỉ nói đơn giản: Làm sao để có thể, đầu năm bỏ ra vốn 1 tỷ để làm ăn thì cuối năm sẽ thu về thêm được 5,76 tỷ nữa? Có ngành nghề sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ nào mà lãi khủng đến vậy?

Lý giải duy nhất: Chỉ có lý luận của kẻ lừa đảo, lý luận của lòng tham và niềm tin của những người ngây thơ cứ tưởng tiền bạc tự sinh, lại vừa mong muốn ngồi mát ăn bát vàng mới có con số này.

Và công ty Modern Tech với 2 đồng tiền iFan và Pincoin đã đánh trúng vào chỗ này mà đưa 32.000 người vào ma trận.

Vo ly so so, van dem tien that nuoi giac mo ao iFan voi Pincoin

Luật pháp của nhiều quốc gia trên thế giới đã chấp nhận đưa đồng tiền tạo ra từ công nghệ thông tin (đồng tiền điện tử, đồng tiền kỹ thuật số, gọi nôm na là đồng tiền ảo) vào trong thanh toán, giao dịch. Tuy nhiên phải hiểu, đã nói đến “tiền”, thì chức năng chính của nó là công cụ thanh toán chứ không phải công cụ sinh lời.

Chẳng hạn người ta mua USD là để giữ giá trị đồng tiền, vì lo ngại đồng tiền Việt trượt giá, chứ mục đích đầu tiên không phải để sinh lời, chờ đồng tiền Việt trượt giá rồi bán. Do đó, một khi người ta đưa đồng tiền ảo vào kinh doanh, mua bán nó như một thứ hàng hóa tăng giá trị khi lưu thông, là đã hoàn toàn sai chức năng của nó.

Và cũng bởi bản thân đồng tiền không tự tạo ra giá trị thặng dư nào, nên để nghĩ ra cách làm sao cho người gửi vào được trả “lợi nhuận”, thì chỉ còn cách là huy động tài chính đa cấp bất chính, tức lấy tiền của người sau trả cho người trước. Đây là con đường duy nhất, không có con đường nào khác.

Và từ đây, hệ lụy đã rõ với những người ham tiền mù quáng, làm lụng cật lực để kiếm tiền thật đi mua giấc mơ ảo, giờ đành ngậm đắng nuốt cay, nguy cơ nhà tan cửa nát.

Thực ra, hiện tại vẫn có phương thức đầu tư (investment) để đồng tiền ảo sinh lợi. Chẳng hạn đồng Bitcoin, thuật toán chỉ tạo ra có 21 triệu coin, với giá ban đầu chỉ 0,5 USD/coin. Do thực tế có nhu cầu sử dụng nên giá trị đồng tiền tăng lên, và ai đã trữ đồng bitcoin từ sớm thì nay bán ra sẽ thu về được lượng tiền thật khá lớn.

Tuy nhiên cũng phải dè chừng, như năm 2017 nó đã tạo ra cơn sốt ảo với giá lên đến 21.000 USD/coin, nay rơi xuống vực sâu chỉ còn 8.000 USD/coin. Những người ham lợi lao vào thời điểm 2017, không khác gì đưa đầu mình vào thòng lọng.

Lại nữa, ban đầu người ta đặt cho nó tên gọi mỹ miều là đồng tiền điện tử, đồng tiền kỹ thuật số, nhưng nay nó là tiền ảo thực rồi. Khởi điểm là một cá nhân hay tổ chức nào đó dùng thuật toán tạo ra đồng Bitcoin, nhưng nay đã có ma trận tiền ảo với cả trăm loại.

Nên nhớ rằng, tiền điện tử thì cốt lõi của nó vẫn chỉ là một thuật toán công nghệ. Nếu công nghệ không được bảo mật tốt, một lúc nào đó, nếu bị hacker đánh sập, thì cũng y như kẻ trộm vào nhà mình lấy tiền, lấy vàng vậy. Nhưng kẻ trộm lấy tiền thật thì ta còn báo được cho công an, còn trộm trên mạng đã là “ảo”, mà còn trộm tiền “ảo”, thì biết kêu ai?

Một nền kinh tế vững chắc phải là nền tảng từ sản xuất và dịch vụ. Lợi nhuận sản sinh từ đó và làm nên sức mạnh của quốc gia. Không làm gì cả mà sinh ra tiền, thì ngay cả đồng tiền (thật) cũng chính là ảo rồi! Những người nuôi mộng ảo cần tỉnh lại, trở về với thực tế, may ra chăng còn kịp cứu lấy mình.

Đặng Vỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI