"Ván trượt siêu hạng" - đồ chơi dễ gây thương tích

12/03/2014 - 19:50

PNO - PN - Chị Hương (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: “Con trai lớn của tôi học lớp 1, con trai nhỏ học mẫu giáo. Hôm trước, tôi thấy hai anh em hí húi chơi một món đồ rất lạ, đến gần xem mới tá hỏa vì món đồ chơi đó...

edf40wrjww2tblPage:Content

Dễ văng vào mặt, dễ nuốt phải

Loại đồ chơi mà chị Hương nhắc đến là “ván trượt siêu hạng”, có tên tiếng Anh là finger tip dance (hoặc finger board), ăn theo một bộ phim hoạt hình, gần đây nhiều học sinh nam đang phát cuồng theo. Nó mô phỏng những miếng ván trượt kích cỡ lớn ngoài đời. Đúng ra đây là một loại đồ chơi thú vị, giúp người chơi luyện ngón tay linh hoạt (do điều khiển bằng tay) và trải nghiệm cảm giác như ở trên đường đua, nhưng trên thực tế, đây lại là loại đồ chơi có thể gây nguy hiểm nếu người chơi là trẻ em.

Tại một cửa hàng bán đồ chơi bên hông trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM), những vỉ ván trượt siêu hạng được treo ở vị trí ai cũng có thể nhìn thấy; đủ mẫu mã, kích cỡ, màu sắc, giá cả. Cái nhỏ nhất giá 5.000đ, đa phần có giá từ 15.000-20.000đ/cái. Loại đắt tiền hơn có giá từ 40.000đ đến hơn 200.000đ/cái. Những loại ván trượt dưới 100.000đ đều in toàn tiếng Trung Quốc, không có bất kỳ thông tin tiếng Việt nào về sản phẩm, cũng không có dấu kiểm định chất lượng của bất kỳ đơn vị nào. Người bán hàng cho biết: “Bây giờ đang sốt loại đồ chơi này. Mấy đứa nhỏ thích lắm, đứa nào cũng có vài cái”.

"Ván trượt siêu hạng" có nhiều loại. Loại bằng sắt đã được lắp hoàn thiện các chi tiết, thoạt nhìn thấy cực kỳ đơn giản vì chỉ là miếng thép nhỏ bằng cỡ hai ngón tay, bên dưới có trục thép cùng bốn bánh xe nhựa. Người chơi dùng ngón tay gí lên mặt miếng thép để điều khiển miếng ván lên xuống, xoay vòng, hay bật tung lên nhiều chướng ngại vật khác nhau. Nếu không cẩn trọng, miếng ván sẽ có thể đập vào mặt chính người chơi hoặc người xung quanh.

Còn có loại ván trượt dạng tự lắp ráp bằng nhựa hoặc bằng sắt, có các phụ tùng đi kèm gồm những con ốc vít và bánh xe nhỏ như hạt lựu; tuốc nơ vít nhọn, nhỏ như đầu tăm; trục bánh xe thép cũng bé xíu… với khoảng hơn chục chi tiết. Trẻ nghịch ngợm có thể lỡ tay dùng vít đâm người khác, hoặc vô ý nuốt phải các con ốc, bánh xe.

Khảo sát xung quanh nhiều trường tiểu học khác như: Trần Hưng Đạo (Q.1), Chu Văn An, Trần Quang Vinh (Q.Bình Thạnh), Lương Định Của (Q.3), Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức)…; tất cả đều có những điểm bán đồ chơi mà ván trượt đang là món “vơ-đét”.

"Ván trượt siêu hạng" không được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam - Ảnh: Phùng Huy

Không được phép lưu thông trên thị trường

Bà Phạm Thị Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, cho biết: Theo quy định tại điều 4.3 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN3:2009/BKHCN thì “Đồ chơi trẻ em lưu thông trên thị trường phải có dấu hợp quy và nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật”. Thực tế, trên bao bì của tất cả các sản phẩm nói trên đều không có dấu hợp quy, cũng không có bất kỳ thông tin nào bằng tiếng Việt liên quan đến nhãn hàng hóa như tên hàng hóa, thành phần vật liệu làm đồ chơi, tuổi sử dụng, thông tin cảnh báo tương ứng với từng nhóm đồ chơi cụ thể, hướng dẫn sử dụng, xuất xứ… Do đó, những sản phẩm này hoàn toàn không được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam.

Theo bà Hạnh, trong bộ đồ chơi có các chi tiết nhỏ như tuốc nơ vít, mảnh lắp ráp nhỏ bằng kim loại có đầu nhọn, mép sắc dễ gây nguy hiểm, theo quy định, cần được cảnh báo với trẻ từ ba đến dưới tám tuổi. Đó là chưa kể đến hàng loạt các chỉ tiêu kỹ thuật khác cần được gửi đến phòng thử nghiệm chuyên ngành thì mới có thể đánh giá được về tính an toàn cơ lý, khả năng chống cháy, tính độc hại…

Các bậc phụ huynh cần lưu ý và hết sức cảnh giác với những món đồ chơi con mình đang chơi, đặc biệt là các gia đình có con dưới ba tuổi vì trẻ dễ bị hóc, nghẹt thở do dị vật chui vào mũi, tai, miệng.

 An Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI