Tư duy con buôn của các 'ông lớn'

02/07/2018 - 07:13

PNO - Ngày 1/7, cộng đồng người sử dụng Facebook tại Việt Nam cực kỳ phẫn nộ khi biết mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã công nhiên coi thường chủ quyền quốc gia Việt Nam.

Trên bản đồ dành cho các nhà quảng cáo, khi chọn nhắm đến những khách hàng Trung Quốc, Facebook hiển thị bản đồ Trung Quốc trong đường viền xanh đậm và bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa của Việt Nam.

Chưa hết, bản đồ hiển thị mật độ người dùng tính năng livestream của Facebook còn thể hiện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bằng tên gọi Sansha (Tam Sa - cách Trung Quốc gọi các quần đảo này).

Tu duy con buon cua cac 'ong lon'
Facebook hiển thị sai trái quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc (màu xanh). Ảnh chụp màn hình.

Tuy Facebook hiện vẫn bị chặn tại Trung Quốc, trong buổi họp thường niên vào ngày 30/10/2017 với các cố vấn Trường Kinh doanh, Đại học Thanh Hoa (có cả Mark Zuckerberg - ông chủ Facebook và Tim Cook - Chủ tịch Apple), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ mở cửa cho các công ty nước ngoài trên toàn nền kinh tế.

Trong suốt thời gian qua, Mark Zuckerberg cũng được cho là rất nỗ lực để Facebook được hoạt động tại Trung Quốc. Câu hỏi là: liệu nhà buôn trẻ tuổi người Mỹ có sẵn lòng vì lợi nhuận của mình mà bất chấp các chuẩn mực quốc tế, coi thường chủ quyền của Việt Nam - quốc gia có số lượng người dùng Facebook đứng hàng thứ bảy thế giới không?

Đến chiều 1/7, Facebook vẫn chưa lên tiếng chính thức về vụ việc dù Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã yêu cầu Facebook làm rõ việc mạng này xác định sai lệch chủ quyền Việt Nam.

Trước Facebook, năm 2015, gã khổng lồ tìm kiếm Google cũng đã thể hiện sai thông tin chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chỉ chịu thay đổi khi đối mặt với làn sóng phản đối gay gắt từ Việt Nam lẫn Philippines.

Hồi đầu tháng Sáu, hãng thời trang Zara cũng đã cho thấy tư duy con buôn của mình khi thể hiện bản đồ Trung Quốc với đường lưỡi bò ôm trọn Biển Đông trong mục tìm kiếm các cửa hàng gần nhất ở Trung Quốc trên website của hãng này.

Trước đó, vào tháng 5/2018, hãng GAP đã tung ra một sản phẩm áo thun in hình bản đồ Trung Quốc và lập tức bị nước này phản ứng khi bản đồ không thể hiện Nam Tây Tạng, Đài Loan và Biển Đông thuộc lãnh thổ của nước này như chính quyền Trung Quốc đòi hỏi.

Nhà buôn GAP đã nhanh chóng lên tiếng xin lỗi Trung Quốc, gọi đó là một sai sót, cam kết sẽ rà soát nghiêm ngặt, không để điều này lặp lại và khẳng định GAP luôn tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc. Đồng thời với tuyên bố đó, GAP đã cho thu hồi tất cả các áo thun, hoodie in bản đồ Trung Quốc để tiêu hủy.

Rõ ràng, trước sức ép của chính quyền Trung Quốc, đã có không ít doanh nghiệp chấp nhận thỏa hiệp, miễn là kiếm được tiền, bất chấp lý lẽ và luật pháp quốc tế. Khi ve vãn Bắc Kinh để đưa sản phẩm vào nước này, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng bán cả đạo đức kinh doanh, bỏ qua các khách hàng ở những thị trường nhỏ hơn và sổ toẹt vào những giá trị mà chính họ vẫn thường xuyên rêu rao về sản phẩm, doanh nghiệp của mình. 

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI