Trước thông tin bia Đức có thạch tín: Kẻ bán, người mua vẫn dửng dưng!

13/04/2013 - 06:35

PNO - PN - 140 mẫu bia đang bán tại Đức vừa bị phát hiện nhiễm hàm lượng thạch tín (asen) vượt ngưỡng cho phép đối với nước uống (10 microgram/lít). Thông tin trên được công bố tại hội nghị quốc gia của Hiệp hội Hóa học Mỹ.

Thạch tín là kim loại nặng có khả năng gây ung thư nếu tồn đọng trong cơ thể với liều lượng nhiều về lâu dài. Mặc dù báo cáo không nêu rõ nhãn hiệu bia nào, nhưng khảo sát tại thị trường TP.HCM cho thấy, có rất nhiều nhãn hiệu bia Đức được bày bán và người bán, người mua không hề lo ngại trước thông tin này.

Các nhãn hiệu bia Đức bày bán phổ biến trên thị trường gồm: Dab, Bitburger, Pilsator, Oettinger, Bermania, Erdinger, Flensburger Beer, Kostriger… có giá từ 22.500 - 100.000đ/lon hoặc chai (330ml hoặc 500ml). Nhiều chuỗi nhà hàng chuyên bán “bia đen”, bia Đức tại TP.HCM (theo kiểu uống ly lớn) vẫn đông nghẹt khách vào tầm từ 16g đến tối. Ghi nhận cho thấy, sức tiêu thụ các loại bia Đức bình thường. Các đại lý, cửa hàng cho biết “không giảm lượng hàng nhập vào, công ty phân phối chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng bia Đức nhập về”. Tại các hệ thống siêu thị, có khoảng 8 - 20 nhãn hiệu bia ngoại nhập, trong đó có ba-năm nhãn hiệu bia Đức, như: Bitburger, Oettinger, Kostriger… Mức giá dao động từ 20.000 - 500.000đ/sản phẩm (tùy nguồn gốc và dung tích). Các siêu thị đều cho biết, khi nhập khẩu bia đều yêu cầu nhà cung cấp phải có đầy đủ hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm theo đúng quy định của nhà nước và có kế hoạch giám sát định kỳ.

Truoc thong tin bia Duc co thach tin: Ke ban, nguoi mua van dung dung!

Bia Đức vẫn được bán tại nhiều nhà hàng

Một cán bộ Chi cục Hải quan cảng Cát Lái (Cục Hải quan TP.HCM) cho biết, bia ngoại nhập qua cảng Cát Lái phần lớn dưới dạng tạm nhập - tái xuất. Theo quy trình, khi nhập bia, doanh nghiệp phải xuất trình giấy phép nhập khẩu rượu bia và kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng về chất lượng sản phẩm, nếu đạt mới cho thông quan, không đạt sẽ xử phạt và buộc tái xuất.

Theo BS Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng (Bộ Y tế), thạch tín là một trong năm chất độc cấm sử dụng bên cạnh chì, thủy ngân, cadimi… Đây là chất độc tồn tại sẵn trong tự nhiên (cây cỏ, đất đai, không khí…) và có thể đi vào chuỗi thực phẩm. Nếu thạch tín theo thức ăn, nước uống vào cơ thể và tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến hư gan, hư thận… Cơ thể con người có cơ chế tự thanh lọc, đào thải chất độc ra ngoài, nhưng với điều kiện là liều lượng ít. Nếu hàm lượng thạch tín vào cơ thể quá liều thì sẽ tích tụ, lâu ngày sẽ gây bệnh. “Lâu nay, ngưỡng cho phép thạch tín trong thực phẩm mỗi quốc gia, mỗi năm lại có mức khác nhau, thay đổi liên tục. Tuy nhiên, không quốc gia nào cấm hoàn toàn thạch tín trong thực phẩm. Chỉ còn cách các nhà sản xuất phải kiểm soát chất thạch tín, ở hàm lượng theo quy định”, BS Mai nói.

Trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 8-2:2011/BYT đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm, có quy định mức giới hạn của thạch tín (asen) đối với trên 20 loại thực phẩm nhưng không thấy quy định mức giới hạn đối với bia. Tiêu chuẩn cao nhất là giới hạn 10 microgram/lít đối với nước uống đóng chai. Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khẳng định: nếu xác định chính xác, cụ thể loại bia nhập khẩu từ Đức có nhiễm độc thạch tín tại thị trường Việt Nam, Cục sẽ tiến hành thu hồi để kiểm tra, xử lý; đồng thời cấm nhập khẩu bia có nhiễm thạch tín để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI