Tranh cãi về phí hành lý quá cước

12/12/2018 - 07:05

PNO - Quy định buộc hành khách phải đóng 500.000 - 550.000 đồng/kiện đối với hành lý xách tay quá cỡ, quá trọng lượng tại cửa khởi hành lên máy bay của các hãng Vietjet Air (VJA), Jetstar Pacific (JPA) không mới, nhưng đang gây tranh cãi.

Các trường hợp quá cước thường xảy ra với những hành khách dùng vé khuyến mãi (Promo), vé tiết kiệm (Eco) của VJA hoặc vé tiết kiệm (Economy Starter), vé tiện lợi của JPA. Đây là những loại vé giá rẻ, chỉ cho phép hành khách mang tối đa 7kg hành lý xách tay. Nếu có hành lý ký gửi, khách hàng có thể yêu cầu ngay khi đặt vé, với mức phí cụ thể theo từng gói trọng lượng. Chẳng hạn, với các chặng bay nội địa của JPA, mức phí là 160.000 đồng cho 15kg, 180.000 đồng/20kg. Nếu mua bổ sung, sau khi đã mua vé, mức phí sẽ là 160.000 đồng cho 5kg và 210.000 đồng cho 10kg. Phí của VJA rẻ hơn khoảng 30.000 đồng cho mỗi mức hành lý trên.

Tranh cai ve phi hanh ly qua cuoc
Các hãng bay siết chặt trọng lượng hành lý xách tay ngay trước thời điểm nhu cầu đi lại dịp tết tăng cao

Điều đáng chú ý là các hãng hàng không giá rẻ này áp dụng mức phí cao hơn hẳn đối với hành khách mua thêm cước hành lý tại quầy làm thủ tục. JPA áp dụng mức 360.000 đồng/15kg hành lý. Mới đây, cả VJA và JPA đều áp mức phí 500.000 - 550.000 đồng đối với hành khách mang hành lý xách tay quá 7kg. Con số này gấp 3,5 lần so với mức giá cho 15kg hành lý ký gửi ban đầu và gấp 1,6 lần khi mua tại quầy làm thủ tục. Đồng thời, số hành lý dư ký phải chuyển qua hành lý ký gửi.

Theo các đại lý vé máy bay, quy định này không mới, nhưng trước đây các hãng hàng không giá rẻ chưa siết chặt, còn du di cho nhiều trường hợp. Nay, trước những ảnh hưởng tiêu cực từ việc này, các hãng đã ra thông báo và thực hiện chặt chẽ hơn. Ông Nguyễn Trần Tất - chủ đại lý vé máy bay trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp, TP.HCM) - cho biết, nhiều đại lý đã được các hãng bay yêu cầu phổ biến cho khách hàng quy định này ngay khi đặt vé, để tránh những tranh cãi trong quá trình làm thủ tục lên máy bay, đặc biệt là sắp vào cao điểm đi lại trong dịp tết - các sân bay thường xuyên quá tải, những vụ việc quá cước thường làm mất thời gian của cả hành khách lẫn nhân viên hãng bay, ảnh hưởng đến những hành khách khác.

Nhiều hành khách, khi được hỏi, cũng ủng hộ quy định này, vì chuyện tranh giành vị trí để hành lý xách tay trên các ngăn chứa hành lý giữa hành khách không phải hiếm. “Không ít người, bằng cách nào đó, “tay xách nách mang”, không những nhét kín hộc hành lý mà còn để dưới gầm ghế, ảnh hưởng quyền lợi của hành khách khác” - chị Thu Hà, người Hà Nội, hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM - chia sẻ.

Anh Trần Ngọc Khải (ngụ Q.Gò Vấp) kể, không ít lần anh chứng kiến những cuộc tranh cãi giữa nhân viên hãng bay với hành khách quanh quy định chỉ được phép mang 7kg hành lý. Tại quầy làm thủ tục, hành khách chỉ xách theo túi hành lý và kiểm tra cân đúng quy định. Tuy nhiên, khi xếp hàng để qua cửa an ninh, hành khách đó lại mang thêm một vài túi hành lý nữa. Đây là cách nhiều người qua mặt các nhân viên hãng bay làm thủ tục check-in. Nhưng lâu nay, hầu hết các hãng bay đều bố trí nhân viên tại các cửa kiểm tra an ninh. Nếu phát hiện hành khách xách nặng bất thường, sẽ yêu cầu cân hành lý lại. Hầu hết các trường hợp đó đều phát hiện hành khách mang quá trọng lượng và thường xảy ra tranh cãi.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số khách hàng, chuyện mang vác hành lý quá quy định không hẳn vì khách hàng tiếc tiền mà còn liên quan đến chuyện an toàn đối với hành lý ký gửi. Chị Thu Hương (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) bày tỏ, nếu các hãng hàng không bảo quản tốt hành lý ký gửi, khách hàng sẽ yên tâm, không tiếc tiền mua gói cước hành lý. Chị Hương kể, có lần bay từ Hà Nội ra Vinh, chiếc va-li kéo của chị đã bị vỡ khi nhận lại từ băng chuyền hành lý, dù đó là loại va-li đắt tiền.

Khan hiếm vé máy bay tết 

Dù còn gần 2 tháng nữa mới đến kỳ nghỉ tết Nguyên đán, nhưng nhiều đại lý bán vé máy bay tại TP.HCM đã khan hiếm vé. Thậm chí, một số chặng bay từ TP.HCM về Phù Cát (Bình Định), Huế (Thừa Thiên - Huế), Đồng Hới (Quảng Bình), Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An) hết vé những ngày 1 - 3/2 (27 - 29 tháng Chạp) ở một số khung giờ. Cũng ở những chặng này, từ 4 - 7 ngày sau tết Nguyên đán, cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Các chặng bay từ TP.HCM đến các sân bay miền Bắc như Cát Bi (Hải Phòng), Nội Bài (Hà Nội) cũng khan hiếm vé vào những ngày trước và sau tết, nhiều chuyến bay chỉ còn vé hạng thương gia. Một số đại lý cho biết, dù các hãng bay đều bán vé bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của hành khách, do năm nay kỳ nghỉ tết kéo dài đến 9 ngày nên nhiều người quyết định về quê ăn tết. Hiện, muốn có vé đi cho những này cao điểm trước và sau tết, chỉ còn cách nhờ các đại lý canh vé từ những hành khách đã đặt trước đó trả lại, nhưng những trường hợp trả vé lại hiếm xảy ra.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI