Trắng sáng răng hay... mất răng?

22/11/2017 - 06:05

PNO - Nhiều loại kem đánh răng ngoại nhập được quảng cáo có khả năng tẩy trắng, điều trị được nhiều bệnh răng miệng khiến người dùng ngộ nhận vì một số loại không hề được kiểm chứng chất lượng, độ an toàn và còn được...

Quảng cáo “một tấc đến trời”

Gần đây, không ít người chơi Facebook đã... hết hồn vì trên tường nhà mình xuất hiện rầm rộ status của người quen với hình ảnh một hàm răng trắng lóa và một hàm răng… vàng ám ảnh quảng cáo cho loại kem đánh răng nhập từ Mỹ là Ap24.

Chỉ cần “hỏi bác Google” với từ khóa “kem đánh răng Nuskin Ap24”, người “hỏi” sẽ nhận lại được ngay 43.100 kết quả, hầu hết là tên những cửa hàng đang rao bán loại kem đánh răng này.

Người mua tò mò với những lời quảng cáo “trên trời” như: “Ap24 đặc trị hôi miệng và ố vàng răng, không cần tẩy răng, không cần đến nha sĩ. Sản phẩm (SP) làm sạch mảng bám, làm mềm và tẩy sạch vôi răng. SP không có chất mài mòn, không có ô-xy già tẩy trắng làm hại men răng, loại bỏ mảng bám và vết ố rất nhanh, độ trắng sáng tăng lên 63%, an toàn cho trẻ hai tuổi và phụ nữ mang thai...”. 

Trang sang rang hay... mat rang?
Một sản phẩm kem đánh răng quảng cáo trị được tụt lợi, viêm nhiễm răng miệng.

Không chỉ có quảng cáo rầm rộ trên mạng mà trên nhãn phụ SP do Công ty (CT) TNHH Nu Skin Enterprises phân phối cũng ghi rõ: “SP này an toàn cho trẻ hai tuổi và phụ nữ mang thai”. 

Khi mới xuất hiện, loại kem đánh răng này có giá từ 800.000 đồng/tuýp, cao gấp 20 lần hàng trong nước. Sau một thời gian, SP này nhanh chóng rớt giá, còn 200.000-400.000 đồng/tuýp.

Cô nhân viên tại nhà thuốc An (Hoàng Minh Giám, Q. Phú Nhuận), giới thiệu: Giá 215.000 đồng/tuýp. Trên nhãn có mã vạch và mã ID để đọc mã số, gọi điện thoại trực tiếp đến CT Nu Skin tại Mỹ để được giải đáp hoặc truy cập vào trang web CT để kiểm tra SP”.

Tuy nhiên, khi tìm đến văn phòng CT TNHH Nu Skin Enterprises tại TP.HCM - được cho là nhà phân phối độc quyền của của nhãn hàng này, nhân viên ở đây lại khẳng định: “SP chính hãng có giá 350.000 đồng/tuýp. Hàng giá rẻ là hàng giả. Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại kem đánh răng này còn được bán theo mô hình đa cấp.

Liên hệ số tổng đài CT TNHH Nu Skin Enterprises (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.7, Q.3, TP.HCM) để đăng ký làm nhà phân phối, chúng tôi được hướng dẫn phải liên hệ trực tiếp với một người trong mạng lưới để được hướng dẫn cụ thể và nhất định không chia sẻ thêm bất kỳ thông tin nào.

Liên hệ một nhà phân phối SP này tại Q.3, TP.HCM, chúng tôi được biết CT sẽ cung cấp SP với giá sỉ đã giảm 30% (giá 343.000 giảm còn 240.000đ/SP). Có hai hình thức kinh doanh: nếu bán hàng lấy lợi nhuận thì không quy định số lượng SP phải lấy.

Nếu kinh doanh xây dựng theo hệ thống (mở mã số) thì phải lấy 20 SP trở lên (đóng 15 triệu đồng/lần) và ngoài tiền lời còn được hưởng ít nhất 5% doanh thu hằng tháng. Vì tiền lời khủng (khoảng 100.000đ/tuýp), cộng với hoa hồng cao nên nhiều người đang đổ xô vào kinh doanh loại kem đánh răng này.

Giá đắt xắt ra... bệnh

Theo bác sĩ Tạ Thị Trúc Mai - Phòng Răng hàm mặt, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, trẻ em phải sử dụng các loại kem đánh răng riêng, có nồng độ fluor phù hợp với cơ địa của các em (dưới 500ppm).

Không riêng gì kem đánh răng Ap24 mà nhiều loại kem đánh răng khác trên thị trường cũng quảng cáo “quá hớp” các tính năng, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng. 

Trẻ từ 12 tuổi trở lên mới được sử dụng chung kem đánh răng với người lớn. Trong trường hợp trẻ nhỏ phải sử dụng chung kem đánh răng của người lớn thì chỉ dùng một lượng tương đương với hạt đậu cho mỗi lần.

Thế nhưng, không riêng gì kem đánh răng Ap24 mà nhiều loại kem đánh răng khác trên thị trường cũng quảng cáo “quá hớp” các tính năng, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng.

Tại siêu thị Vinmart (đường 3 Tháng 2, Q.10), nhãn phụ của kem đánh răng Lacalut Aktiv (CT TNHH Sản phẩm Tự nhiên Việt Nam nhập khẩu) ghi: “Phòng và chống chảy máu nướu răng, viêm nhiễm ở răng lợi, điều trị tụt lợi, chống hôi miệng”; kem đánh răng nhãn hiệu Farmasi AloeGel (do CT cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Đức Nam nhập và phân phối) ghi: “Chống viêm và làm dịu các mô da ở miệng, ngăn ngừa sâu răng, nhiễm trùng nướu, chống hôi răng miệng”...

Thực tế, trong phụ lục số 03-MP của Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định: “Các từ mang ý nghĩa chữa khỏi bệnh như “trị”, “điều trị”, “chữa trị” không được dùng để công bố tính năng cũng như đặt tên SP mỹ phẩm.

Cụ thể, các SP vệ sinh và chăm sóc răng miệng không được sử dụng các cụm từ như: chữa trị hay phòng chống các bệnh áp-xe răng, sưng nướu, viêm  lợi, loét miệng, nha chu, chảy mủ quanh răng, viêm vòm miệng, răng bị xô lệch, bệnh về nhiễm trùng răng miệng, làm trắng lại các vết ố do tetracyline… 

Bác sĩ Trúc Mai nhấn mạnh, quảng cáo kem đánh răng quá lố sẽ gây ngộ nhận, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Các SP này chỉ hỗ trợ chứ không điều trị được bệnh.

Kem đánh răng quảng cáo có khả năng làm trắng sáng răng thì chắc chắn là phải có chứa thuốc tẩy, tẩy răng càng trắng thì lượng thuốc tẩy càng cao.

Trong khi đó, thuốc tẩy trắng răng là thứ không được dùng hằng ngày với liều lượng cao và lâu dài. 

Vì quảng cáo hấp dẫn, cách dùng đơn giản, giá SP lại quá rẻ so với chi phí điều trị nên một số bệnh nhân bị bệnh viêm nướu đã mua kem đánh răng về dùng, bỏ dở việc điều trị. Hậu quả là bệnh diễn tiến ngày càng nặng, dẫn đến viêm nha chu, mất răng. Một số bệnh răng miệng, nếu không điều trị kịp thời sẽ phá hủy dần ổ xương xung quanh, gây áp-xe nướu, viêm mô tê bào.

Tệ hơn, nếu nhiễm trùng máu sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Đáng lo ngại là không loại kem đánh răng nào có khả năng tẩy trắng như quảng cáo. Việc tẩy trắng răng đến 63% là điều không thể nếu không dùng thuốc tẩy trắng răng.

Kem đánh răng quảng cáo có khả năng làm trắng sáng răng thì chắc chắn là phải có chứa thuốc tẩy, tẩy răng càng trắng thì lượng thuốc tẩy càng cao. Trong khi đó, thuốc tẩy trắng răng là thứ không được dùng hằng ngày với liều lượng cao và lâu dài. 

Thực trạng quảng cáo mỹ phẩm nói chung, kem đánh răng nói riêng bằng những hình ảnh và lời lẽ gây ngộ nhận cho người tiêu dùng đã đến mức báo động. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở đâu khi từ cửa hàng ra chợ vào siêu thị, đâu đâu cũng thấy tràn lan kem đánh răng quảng cáo sai tính năng và mục đích sử dụng, gây hiểu lầm và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng? 

Các nhà khoa học thuộc Đại học California (Hoa Kỳ) cho biết: triclosan là hóa chất được mệnh danh là kẻ giết người. Sau gần hai thập niên, hiện nay triclosan vẫn đang được sử dụng như một hoạt chất dùng trong kem đánh răng, có tính  chất sát khuẩn và diệt vi nấm. Trước đây, triclosan được đăng ký như là một loại thuốc trừ sâu và có liên quan đến ung thư, phá vỡ hormone tuyến giáp và ảnh hưởng đến chức năng tim. Nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng triclosan trong các SP gia dụng phổ biến nhưng chúng vẫn tồn tại trong nhiều SP như kem đánh răng. Do vậy, người tiêu dùng cần chọn loại kem đánh răng có nguồn gốc, được kiểm định rõ ràng. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI