Trái cây nhập khẩu đua nhau giảm giá

31/03/2017 - 08:27

PNO - Liên tục giảm giá, giá các loại trái cây có nguồn gốc từ Mỹ, Úc, Pháp, Nam Phi… hiện đã ngang giá với trái cây cùng loại nhập từ Trung Quốc.

Trai cay nhap khau dua nhau giam gia
Trái cây nhập khẩu xuất hiện với số lượng lớn tại các siêu thị, cửa hàng

Nhập ồ ạt, rớt giá cũng ồ ạt

Theo báo cáo quý I/2017 của Bộ NN-PTNT, ba tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi khoảng 225 triệu USD để nhập khẩu rau quả, trong đó mặt hàng trái cây chiếm đến 180 triệu USD, tăng 51,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Sự xuất hiện dày đặc của trái cây nhập từ sạp chợ đến siêu thị, cửa hàng bán lẻ... với mức giá liên tục giảm có thực sự là do lượng nhập nhiều hay còn lý do nào khác?

Tại quầy trái cây trong siêu thị Co.opMart, gần như toàn bộ táo nhập khẩu đều đang khuyến mãi giảm giá, mức giảm ít nhất là 10%. Táo Ambrosia Canada giảm từ 56.000đ/kg xuống 48.500đ/kg, táo xanh Pháp từ 56.000đ/kg xuống 46.500đ/kg, táo Empire Mỹ từ 72.000đ/kg còn 62.000đ/kg, các dòng táo khác của Mỹ như Fuji, Size 100-113... cũng giảm trung bình 10.000đ/kg so với giá niêm yết.

Không chỉ táo, những loại trái cây đắt tiền hơn như nho đen Úc không hạt cũng giảm mạnh, từ 348.000đ/kg còn 308.000đ/kg...

Không chỉ Co.opMart, các hệ thống siêu thị lớn khác như Big C, Lotte, MM Mega Market (Metro cũ)… cũng ồ ạt giảm giá các loại trái cây nhập, mức giảm thậm chí còn mạnh hơn. Tại hệ thống siêu thị Big C, năm loại táo xuất xứ từ Pháp (Royal gala, Red delicious, Golden delicious, Braeburn, Granny smith) được bán đồng giá 39.900đ/kg, ngang giá với các loại táo nhập từ Trung Quốc được bán tại các chợ.

Một số loại táo có nguồn gốc từ Mỹ như Envy cũng giảm đến 70.000đ/kg, từ 229.000đ/kg xuống còn 149.900đ/kg… Tại những cửa hàng chuyên bán trái cây nhập khẩu như Fresta (Bình Thạnh), Luôn Tươi Sạch, Viettrop… mức giảm giá, khuyến mãi  cũng không kém cạnh, đến 20-30% từ những loại phổ biến như táo, nho đến cao cấp hơn là cherry.

Việc ồ ạt giảm giá khiến mặt hàng này rơi vào cảnh loạn giá. Cùng một loại táo, lê hay nho của Úc, Mỹ, Nam Phi… nhưng mỗi nơi bán một giá, chênh lệch cùng một dòng sản phẩm từ 10.000đ đến hàng trăm ngàn đồng/kg. Đáng nói là sự chênh lệch không chỉ ở các cửa hàng kinh doanh trái cây, sạp chợ mà còn xuất hiện cả trong những hệ thống siêu thị.

Cụ thể như nho đen không hạt của Úc, tại siêu thị S có giá khuyến mãi hơn 300.000đ/kg, nhưng ở siêu thị B, dù không khuyến mãi lại có giá chỉ bằng phân nửa - 159.000đ/kg. Nhiều mặt hàng khác như lê Hàn Quốc, lê, nho Nam Phi… cũng có tình trạng chênh lệch tương tự tại nhiều điểm bán.

Loạn giá có loạn chất lượng?

Vì sao cũng sản phẩm đó mà mỗi nơi bán mỗi giá, độ chênh lệch lại khá cao? Một nhà nhập khẩu chuyên phân phối trái cây sỉ tại TP.HCM giải thích, tuy sản phẩm cùng xuất xứ nhưng lại có nhiều chủng loại khác nhau, như nho của Úc có nhiều loại, chua-ngọt, cứng-mềm… khác nhau, nên giá cũng khác.

Trai cay nhap khau dua nhau giam gia
 

Ngoài ra, giá trái cây nhập còn phụ thuộc vào việc đó là hàng cũ hay hàng mới. Hàng nhập về một thời gian dài không bán được giá sẽ rẻ hơn. 

Việc mạnh tay giảm giá, khuyến mãi này liệu có phải vì sản phẩm đã cận date? Theo nguyên tắc, hạn dùng phải còn tám tháng mới được thông quan, nhưng hạn sử dụng chỉ đóng trên thùng, sau khi xả hàng ra thì chỉ còn xác định độ tươi bằng cảm quan nên rất khó biết nguyên nhân giảm giá ồ ạt có phải do sản phẩm sắp hết date hay không. Và dĩ nhiên khi trái cây cận date thì độ tươi ngon cũng như chất dinh dưỡng sẽ giảm.

Theo quan sát của chúng tôi, các quầy trái cây của những siêu thị lớn luôn thu hút khách, dù nhiều khách cũng nghi ngại trước những sản phẩm quá bóng bẩy, bắt mắt đến từ Pháp hay Mỹ. Chẳng hạn, với một số loại trái cây của Pháp, đặc biệt là táo có vỏ rất bóng, nhìn tươi mới rất… khả nghi.

Theo quy định, việc bảo quản và đánh bóng táo phải tuân thủ theo quy chuẩn của châu Âu và Pháp, bắt buộc phải dùng hợp chất tự nhiên, không được dùng hợp chất nhân tạo.

Theo tiến sĩ Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đây là vấn đề ngành rau quả đã dự đoán từ nhiều năm trước, khi các hiệp định thương mại có hiệu lực, nhiều dòng thuế được miễn giảm, sẽ tạo cơ hội cho các loại trái cây nhập khẩu rộng đường vào, trong khi hàng rào kỹ thuật để bảo vệ trái cây trong nước của ta còn thiếu.

“Trái cây nhập khẩu có mẫu mã đẹp nhờ công nghệ bảo quản sau thu hoạch hơn hẳn nước ta. Trước đây nhập về ít giá cao, giờ nhập nhiều giá giảm thì cũng dễ hiểu”, bà Mai giải thích. 

Trái cây ngoại nhập vốn chiếm ưu thế về mẫu mã, chất lượng, giờ lại thêm ưu thế về giá, liệu trái cây trong nước có còn đất sống? 

 Thư Hùng

EWG (Environmental Working Group) Tổ chức hoạt động vì môi trường của Mỹ vừa công bố danh sách những loại rau quả và trái cây có chứa dư lượng thuốc trừ sâu cao nhất và những thực phẩm an toàn nhất năm 2017, sau khi phân tích dữ liệu về dư lượng thuốc trừ sâu trên các mặt hàng rau củ quả phổ biến nhất.

12 loại rau và trái cây (dâu tây, rau cải bó xôi, quả xuân đào, táo, đào, cần tây, nho, lê, anh đào, cà chua, ớt chuông ngọt và khoai tây) bị đánh giá là nhiễm thuốc trừ sâu nghiêm trọng nhất. Nghiên cứu này được xem là cẩm nang mua sắm của nhiều người tiêu dùng Mỹ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI