Trả giá sữa cho thị trường

19/04/2017 - 16:14

PNO - Từ 1/4/2017, sữa không còn bị áp giá trần và doanh nghiệp sẽ tự kê khai giá sữa bán lẻ cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Nhưng đến nay, việc thực thi quy định này vẫn còn đang lúng túng vì nhiều lý do.

Sáng 18/4, Bộ Công thương tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo Thông tư Quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi tại TP HCM. Đây là bước chuẩn bị để cuối tháng 4/2017, Thông tư này có thể đi vào thực tế.

Tra gia sua cho thi truong

Trả giá sữa lại cho thị trường, người tiêu dùng được lợi

Doanh nghiệp đã được quyền tự quyết?

Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương cho biết, sau gần 3 năm áp dụng biện pháp bình ổn giá, buộc doanh nghiệp đăng ký giá và áp giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Chính phủ đã quyết định kết thúc Bình ổn giá sữa từ ngày 1/4/2017.

Sau thời điểm này, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng này được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá sữa khi các chính sách của Nhà nước thay đổi và các yếu tố đầu vào như: giá nguyên liệu, tỷ giá, giá nhập khẩu… biến động làm tăng hoặc giảm chi phí sản xuất kinh doanh và giá bán sữa.

“Chủ trương dỡ bỏ áp giá trần với sữa, đưa việc quản lý giá về cho thị trường quyết định là phù hợp trong xu hướng hiện nay. Sữa là mặt hàng đặc biệt, đòi hỏi sự nghiên cứu nghiêm túc từ phía DN và quá trình tạo giá trị gia tăng mới. Do đó, quyết định phải là của người dùng, để từ đó thị trường “đặt hàng” cho doanh nghiệp”, ông Lê Thanh Liêm, đại diện Vinamilk cho biết.

Theo ông Liêm, cấu trúc dự thảo thông tư mới khá ổn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, việc quy định điều chỉnh trong phạm vi 5% không cần báo giá từ phía DN đến cơ quan quản lý không giới hạn mức liền kề nhau về mặt thời gian như thế nào. Ví dụ, nếu 2 lần điều chỉnh cách nhau 2 năm thì rõ ràng, yếu tố thị trường đã thay đổi rất nhiều.

Đồng quan điểm, ông Arnaud Renard, Chủ tịch nhóm thực phẩm, Eurocham cho biết, bất cứ thị trường nào cũng cần có sự hài hòa giữa nhu cầu của người dùng và khả năng cung ứng của DN. “Thị trường cạnh tranh sẽ đem lại nhiều phát triển trong nghiên cứu. Nhà nước chỉ nên can thiệp khi thị trường có những dấu hiệu bất ổn”, ông Arnaud Renard đánh giá.

Thông báo hay xin phép?

Theo đại diện Eurocham, thị trường sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi tại Việt Nam hiện nay tính cạnh tranh rất cao, hơn 900 sản phẩm, chia thành 3 phân khúc, đa dạng. Với cách tiếp cận mới, nhà nước không còn kiểm soát giá mà tập trung vào chuỗi cung ứng, đảm bảo chất lượng sản phẩm đến người dùng. Đây là điểm rất đáng hoan nghênh.

Tra gia sua cho thi truong

Tuy nhiên, theo dự thảo mới, quy trình rà soát văn bản chưa phù hợp trong việc kê khai giá. “Kê khai giá là thủ tục mang tính chất thông báo. Trong khi theo dự thảo, Bộ bắt phải báo giá trước một khoảng thời gian, như vậy không khác gì việc đăng kí giá với Bộ Công thương. Chúng tôi đề xuất thay đổi khoản này để đúng tinh thần thông tư”, ông Arnaud Renard nhận xét.

Vị chuyên gia này cũng nói thêm, nhà nước đồng thời cần làn rõ các tiêu chí của thương nhân trong quy trình phân phối sữa và xem xét lại quá trình đăng kí giá bán lẻ khuyến nghị, không nên dùng đó làm mức giá trần như trong dự thảo mà chỉ là kênh tham khảo thông tin cho người dùng, công bố trên website công ty.

Không chỉ riêng điều này, việc đơn giản hóa thủ tục kê khai giá sẽ hợp với nhu cầu DN, nhất là DN ở các địa phương. Giải đáp kiến nghị này, ông Nguyễn Lộc An cam kết sẽ đơn giản hóa bước này bằng việc ứng dụng hồ sơ đăng kí online, tạo điều kiện tối đa cho DN.

“Quy trình mới sẽ giúp bộ truy xuất được nguồn gốc khi có sản phẩm lỗi. Quy trình này đã áp dụng nhiều nước EU nên chúng tôi rất hy vọng nó sẽ ứng dụng tốt ở Việt Nam”, ông An nói.

Dự kiến, cuối tháng 4/2017, Bộ sẽ hoàn thành thông tư này. Lúc đó, thị trường mới có thể trả lời câu hỏi, có thực sự giá sữa được trả lại cho DN hay không.

Bình Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI