Toát mồ hôi vì vay mua trả góp, dính "bẫy" nợ nần

11/10/2016 - 06:30

PNO - Hàng loạt các chương trình cho vay ưu đãi để mua hàng trả góp, thậm chí vay trả góp với lãi suất 0% đang được nhiều công ty tài chính và ngân hàng đưa ra. Người vay cần tỉnh táo để tránh “bẫy” nợ nần.

Toát mồ hôi vì vay trả góp

Dù đã trả xong khoản nợ vay mua điện thoại 13,5 triệu đồng (cả gốc lẫn lãi), chị Lê Thị Ngọc (ngụ tại Q.9, TP.HCM) vẫn thấy toát mồ hôi mỗi khi nhắc lại. Chín tháng qua là khoảng thời gian chị mất ăn mất ngủ chỉ vì “thấy điện thoại iPhone 6 mới về đẹp quá, công ty tài chính lại cho vay lãi suất thấp nên đánh liều mua trả góp”.

Theo tính toán của nhân viên tư vấn, chị Ngọc sẽ trả trước sáu triệu đồng, số tiền còn lại gồm cả gốc và lãi là 13,5 triệu đồng sẽ được trả trong vòng chín tháng, tính ra mỗi tháng chị phải trả 1,5 triệu đồng.

Có điều, tại thời điểm đi vay, chị không đọc kỹ hợp đồng và các điều khoản phạt nên mỗi lần đóng lãi chậm ba ngày, chị bị phạt 150.000đ. “Nhân viên tư vấn không hề nói rõ với tôi về điều khoản chậm ba ngày bị phạt tiền và lãi phạt cứ thế tăng lên theo số ngày trễ hạn. Đến kỳ trả cuối cùng, thường là ngày 25 hàng tháng, chồng tôi đã đóng từ ngày 22 và nghĩ lãi suất theo dư nợ giảm dần nên kỳ cuối chỉ phải đóng dưới 1,5 triệu đồng. Vậy mà, đúng ba ngày sau ngày 25 của tháng, họ mới báo khoản vay của tôi bị đóng thiếu tiền và cộng thêm lãi phạt. Chẳng khác nào công ty cố tình bẫy khách hàng” - chị Ngọc bức xúc.

Toat mo hoi vi vay mua tra gop, dinh
Mỗi khoản vay đều là con dao hai lưỡi

Anh Văn Minh (ngụ tỉnh Kiên Giang) đến giờ vẫn “thất kinh” mỗi khi nhớ đến khoản vay trả góp từ một công ty tài chính. Tháng 3/2014, anh vay trả góp 22 triệu đồng, cộng thêm 1,1 triệu đồng tiền mua bảo hiểm khoản vay. Với thời hạn vay 36 tháng, tính ra mỗi tháng, anh chỉ phải trả cho công ty tài chính cả gốc và lãi là 1.180.000đ.

Đến tháng 4/2015, sau khi trả đầy đủ gốc và lãi được 11 tháng, anh Minh muốn tất toán sớm khoản nợ thì công ty tài chính thông báo tiền gốc vẫn còn hơn 19 triệu đồng (chưa kể lãi), khiến anh “ngã ngửa”. Bởi mỗi tháng trả 1.180.000đ, trong đó có hơn 611.000đ tiền gốc, trả được 11 kỳ nghĩa là tổng số tiền gốc đã trả hơn 6,7 triệu đồng. Vậy khoản vay không thể còn đến 19 triệu đồng.

“Thời điểm nhân viên tư vấn khoản vay thì lãi suất chỉ 2,17%/tháng, nhưng khi tờ hợp đồng chính thức được gửi, lãi suất lên tới 3,75%/tháng. Nếu đóng đủ 36 tháng, tính ra tổng cộng cả gốc và lãi tôi phải trả gần 40 triệu đồng cho khoản vay chỉ 22 triệu đồng” - anh Minh bức xúc.

Theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều người sau khi vay trả góp bằng tiền mặt hoặc vay mua hàng trả góp rồi mới “ngã ngửa” với lãi suất của công ty tài chính, một phần vì không đọc kỹ hợp đồng. Chị Bảo Ngọc (ngụ TP.HCM) cho biết lúc tư vấn cho khách hàng, nhân viên nói lãi suất chỉ 1,67%/tháng, nhưng thực tế lãi suất luôn cao hơn 30%/năm, thậm chí lúc tư vấn, biểu lãi suất niêm yết quảng cáo chỉ 1,67%/tháng, nhưng đến khi nhận được hợp đồng, xem kỹ thì lãi suất thực phải trả là 5,14%/ tháng.

Thực tế, lãi suất các công ty tài chính quảng cáo phần lớn là “lãi suất phẳng” - tiền lãi tính trên dư nợ gốc, trong khi các ngân hàng thương mại đều áp dụng mức lãi suất tính trên dư nợ giảm dần. Do đó, nếu khách hàng vay trả góp không hỏi kỹ nhân viên tư vấn, mức lãi suất 1,67%/tháng là lãi suất phẳng, và mức lãi suất thực tế phải trả cao hơn rất nhiều mức được tư vấn.

Cân nhắc khả năng trả nợ

Rất nhiều khách hàng đến các cửa hàng điện thoại, siêu thị điện máy mua trả góp chỉ quan tâm tới món hàng mình sẽ mua, vay bao nhiêu và tiền lãi mỗi tháng bao nhiêu, mà không để ý xem lãi suất tính theo dư nợ giảm dần hay dư nợ ban đầu, trả trễ hạn mấy ngày thì bị đóng lãi phạt.

Trong khi đó, việc các công ty tài chính ngày càng rút ngắn thời gian duyệt hồ sơ, chỉ còn từ 15 - 30 phút, yêu cầu thủ tục cũng đơn giản hơn (chỉ cần CMND, hộ khẩu/bằng lái xe, hóa đơn điện, nước, điện thoại tùy khoản vay) càng khiến khách hàng chỉ “chăm chăm” vào món hàng.

Để tránh rơi vào “bẫy” nợ nần, nhiều chuyên gia khuyến cáo khách hàng cần đọc thật kỹ các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng. Theo Công ty tài chính Home Credit, khách hàng nên tìm hiểu một vài tổ chức tài chính và so sánh thế mạnh của các đơn vị với nhau, tìm hiểu kỹ về các mức phạt và lãi suất.

Hiện có khá nhiều công cụ trên mạng có thể giúp người vay tính được mức lãi suất hàng năm. Đồng thời, người vay cần cân nhắc khả năng trả nợ của mình để không rơi vào tình trạng nợ quá hạn hoặc thường xuyên đóng phí phạt trễ hạn…

“Mỗi khoản vay đều là con dao hai lưỡi”, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhìn nhận và cho rằng khách hàng có thể chủ động đề xuất ngày thanh toán ngay sau kỳ lương để sắp xếp tài chính thuận lợi hơn. “Đừng bao giờ đặt bút ký khi chưa rõ khoản vay, không đủ khả năng trả nợ” - ông Huỳnh Trung Minh khuyên.

Miếng bánh hấp dẫn

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong vòng bảy năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng trung bình gần 20%; hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty tài chính.

Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương dẫn báo cáo tài chính của một công ty hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng cho thấy, chỉ trong hai năm 2013-2014, mức lợi nhuận của công ty này đã tăng 38,7% và tổng tài sản tăng 124,7%.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, đến cuối năm 2015, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng tại TP.HCM xấp xỉ 90.000 tỷ đồng, gấp gần sáu lần so với 5 năm trước đó. Thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam được đánh giá là “miếng bánh hấp dẫn”.

Châu Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI