Tiền nhàn rỗi: Mua vàng hay gửi tiết kiệm?

22/10/2016 - 06:29

PNO - Theo các chuyên gia kinh tế, một số lượng lớn dân cư vẫn chọn gửi tiết kiệm khoản tiền nhàn rỗi để hưởng lãi suất kỳ hạn dài, khi nhiều kênh đầu tư khác có thể lợi nhuận cao nhưng đầy rủi ro, mạo hiểm.

Có nên mua vàng “bắt đáy”?

Phiên giao dịch ngày 20/10, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp tại TP.HCM niêm yết mua vào 35,52 triệu đồng/lượng, bán giá 35,75 triệu đồng/lượng. Giá vàng đang ở mức thấp nhất trong ba tháng qua.

Một số người có vàng phải bán ngay thời điểm này cũng méo mặt. Chị Thanh Vân (Q.9, TP.HCM) cho biết khoảng ba tháng trước, chị có dành ra một khoản tiền nhàn rỗi, thấy chưa cần xài ngay nên đã mua vàng để dành với mức giá trên 37 triệu đồng/ lượng, hy vọng giá còn tiến sát ngưỡng 40 triệu đồng/lượng. “Thời điểm đó giá vàng đang cao, nghĩ sẽ còn tăng nữa nên tôi mua vào. Ai ngờ đến nay giá vàng liên tục giảm. Nhà lại có việc đột xuất, tôi đành phải bán mà tiếc đứt ruột, mỗi lượng vàng mất gần 2 triệu đồng”, chị Vân nói.

Quan sát trên biểu đồ giá vàng, kim loại quý đã rơi xuống mức thấp nhất trong ba tháng qua. Nếu so với “đỉnh” của giá vàng vào đầu tháng Bảy là 38,4 triệu đồng/lượng, lúc này đã giảm gần 3 triệu đồng/lượng. Giá vàng giảm sâu khiến nhiều người có tiền nhàn rỗi băn khoăn nên mua vàng “bắt đáy” hoặc lướt sóng?

Đã có những thời điểm xảy ra cơn sốt giá vàng, không ít người hôm trước kéo nhau đi mua vàng hôm sau phải “ngậm quả đắng” khi giá lao dốc, lỗ nặng vài triệu đồng/lượng. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC tăng khoảng 8,88%. Mức lợi nhuận này không quá hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác nhưng lại được các chuyên gia khuyến cáo đầy rủi ro và mạo hiểm.

Tien nhan roi: Mua vang hay gui tiet kiem?
Nhiều người phân vân giữa mua vàng và gửi tiền ngân hàng

Chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh phân tích, đầu tư vàng chỉ phù hợp khi người mua giữ trong trung dài hạn, việc lướt sóng là rất rủi ro. Mức sinh lợi của vàng chỉ có thể hơn lãi suất ngân hàng, còn để lên những mức cao như trong quá khứ (năm 2011 giá vàng từng lên mức kỷ lục 48- 49 triệu đồng/lượng) là rất khó. Chưa kể, khi các kênh đầu tư khác trong nước đang mạnh thì vàng sẽ khó hút được dòng tiền. “Đặc biệt, gửi vàng vào ngân hàng hiện không có lãi mà còn tốn phí nên nhiều người không mặn mà. Chưa kể nhiều người đến giờ vẫn đang nắm giữ vàng mua từ thời 48-49 triệu đồng/lượng nhưng không dám bán vì lỗ quá nặng”, ông Khánh nói.

Lãi cao hơn khi gửi tiết kiệm dài hạn

Có 300 triệu đồng tiền nhàn rỗi, chị Đặng Thanh (Q.2, TP.HCM) ghé vào một ngân hàng quốc doanh gửi tiết kiệm. Nhìn qua biểu lãi suất huy động, chị chọn kỳ hạn sáu tháng với mức lãi suất chỉ 5,3%/năm. Trong khi đó, nếu chọn kỳ hạn gửi tiết kiệm từ 12 tháng trở lên, mức lãi suất có thể lên 7-8%/năm ở nhiều ngân hàng cổ phần.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mức lãi suất huy động kỳ hạn dài tại một số ngân hàng cổ phần đang ở mức khá cao. Mới đây, tại Ngân hàng TMCP Bản Việt mức lãi suất kỳ hạn 18 tháng được niêm yết lên tới 8,3%/năm, trong khi kỳ hạn 13 tháng cũng ở mức 7,9%/năm.

Trong biểu lãi suất vừa được áp dụng, lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng của Ngân hàng TMCP Phương Đông là 7,7%/năm, ở kỳ hạn 13 tháng là 7,7%/năm với điều kiện khách hàng gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Ngân hàng TMCP Việt Á huy động tiền gửi của khách hàng kỳ hạn 13 tháng lên tới 8,38%/ năm, áp dụng cho các khoản tiền từ 100 tỷ đồng trở lên, với điều kiện đơn vị kinh doanh sẽ báo cáo và được cấp thẩm quyền của ngân hàng này chấp thuận. Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân, mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 18 tháng là 7,8%/năm và kỳ hạn 24 tháng ở mức 8%/năm.

Là người thường xuyên dành các khoản tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm, chị Ánh Tuyết (Q.9, TP.HCM) chia sẻ, trước đây chị thường mở một sổ tiết kiệm với kỳ hạn basáu tháng, phòng trường hợp đột xuất cần tiền có thể rút ra mà không quá thiệt. Bởi các ngân hàng quy định khách hàng rút trước hạn sẽ chỉ hưởng lãi suất không kỳ hạn.

Nhưng gần đây, khi tìm hiểu mức lãi suất của các ngân hàng, thấy có sự khác biệt khá lớn giữa lãi suất kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, chị đã thay đổi suy nghĩ. “Với khoản tiền nhàn rỗi thật sự chưa cần gấp, tôi gửi kỳ hạn trên 12 tháng với mức lãi suất 7,6%/năm tại một ngân hàng cổ phần, khoản còn lại tôi gửi kỳ hạn ngắn ba-sáu tháng để khi cần không phải rút trước hạn”, chị Tuyết chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết năm nay xu hướng người gửi tiền chọn kỳ hạn 12 tháng trở lên nhiều hơn những năm trước. Vẫn có một số lượng lớn dân cư gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất và đây vẫn là kênh an toàn nhất.

Tiền gửi từ dân cư vẫn tăng mạnh

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, dòng tiền từ dân cư vẫn chảy mạnh vào các ngân hàng thương mại. Thống kê đến cuối tháng 8/2016, huy động vốn tăng 8,9% trong khi đến cuối tháng 9/2016 huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn TP tăng tới 11%. Nhiều khách hàng chọn kỳ hạn gửi từ 6-12 tháng khi đánh giá sự ổn định của nền kinh tế trong năm nay, trong khi các ngân hàng đang có xu hướng nhích lãi suất huy động kỳ hạn dài để thu hút người gửi tiền và cân đối lại nguồn vốn trung dài hạn.

Châu Anh
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI