Tiệm cầm đồ đang hoạt động như... băng nhóm cướp, khủng bố

13/08/2019 - 15:30

PNO - Bằng những mánh lới khác nhau, chủ các tiệm cầm đồ vô tư “cắt cổ” khách vay.

Lãi suất lên đến 150%/năm

Quy định về lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước hiện nay là 1,125%/tháng nhưng thực tế, mức lãi suất cho vay tại các tiệm cần đồ lên tới 8,1%/tháng, tương đương 97,2%/năm, thậm chí có nơi lên đến 150%/năm. 

Tại tiệm cầm đồ Minh Quân nằm trên đường Phan Văn Hớn, H.Hóc Môn, TP.HCM, khi chúng tôi ngỏ ý muốn vay, người của tiệm cho biết, nếu vay từ 5 triệu đồng trở lên, mức lãi suất là 3%/tuần, phí làm hồ sơ 200.000 đồng. Tính ra, lãi suất vay tại đây là 12%/tháng, tương đương 144%/năm.

Ghé tiệm cầm đồ Khánh Đăng 2 ở đường Bà Hom, Q.6, TP.HCM, chúng tôi được báo mức lãi suất cho vay là 5%/tháng, tương đương 60%/năm. Nhiều tiệm cầm đồ khác còn chia nhỏ mức lãi suất vay để khách hàng tưởng lãi suất thấp, nhưng nếu tính theo tháng hoặc năm, sẽ rất cao. 

Tiem cam do dang hoat dong nhu... bang nhom cuop, khung bo
Hợp đồng cầm cố tài sản tại F88, F88 hiện có hệ thống tiệm cầm đồ rộng khắp TP.HCM

Tại tiệm cầm đồ Viet Money trên đường Cách Mạng Tháng Tám, P.15, Q.10, TP.HCM, nhân viên tư vấn làm hợp đồng vay theo tháng, nhưng mức lãi suất được chia theo khung ngày: nếu khách thanh toán trong vòng 10 ngày, sẽ chịu lãi suất 2%/tổng số tiền vay; từ ngày thứ 11 đến ngày thứ 20, lãi suất 4%; từ ngày thứ 21 đến ngày thứ 30, lãi suất là 5%.

Nếu khách không có tiền tất toán thì phải làm hợp đồng gia hạn; nếu khách không gia hạn, tiệm có quyền thanh lý tài sản của khách. “Nếu khách cầm cố xe máy, ô tô thì phải chịu thêm phí quản lý tài sản 5.000 đồng/ngày” - nhân viên tiệm này nói. 

Một số tiệm cầm đồ đưa ra mức lãi suất vay khá dễ chịu, nhưng khách vay phải mất thêm nhiều khoản phí “trên trời” khác, khi cộng dồn, sẽ cao gấp 6-7 lần so với quy định. Thậm chí có những tiệm cầm đồ còn nhận mình là của... Bộ Công an để trấn an khách hàng khi vay.

Hệ thống tiệm cầm đồ F88 đang rao mức lãi suất cho vay 1,1%/tháng, thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước nhưng trên thực tế, mức lãi suất ở đây lên đến 8,1%/tháng, tương đương 97,2%/năm.

Tại chi nhánh F88 trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM, nhân viên cho biết, cầm cố bất cứ tài sản gì từ ô tô, xe máy, máy tính đến điện thoại đều chịu chi phí vay là 2.700 đồng/1 triệu đồng/ngày (tương đương 8,1%/tháng). Khi tôi thắc mắc mức lãi suất niêm yết chỉ 1,1%, nhân viên giải thích, khách phải chịu thêm phí thẩm định tài sản, phí lưu trữ tài sản, nhưng không nói cụ thể các phí này là bao nhiêu. 

Theo một hợp đồng cầm cố tài sản của khách hàng tại F88, phí thẩm định điều kiện vay là 1,4%, phí quản lý cầm cố tài sản lên đến 5,6%. “Công ty bọn em đã đăng ký hoạt động đàng hoàng nên chị cứ yên tâm về mức lãi suất” - một nhân viên tại đây khẳng định. 

Ngoài ra, các điều khoản về xử lý tài sản cầm cố trong hợp đồng của F88 giao cho khách cũng không rõ ràng; nếu khách hàng không đọc kỹ, rất dễ mất trắng tài sản. Chẳng hạn, mặt trước hợp đồng chỉ ghi “trường hợp không đóng đúng thời hạn, tài sản cầm cố sẽ được F88 thanh lý để thu hồi khoản vay”. Ở mục xử lý tài sản cầm cố cũng ghi chung chung: “Tại bất kỳ thời điểm nào sau khi bên B (khách hàng) vi phạm nghĩa vụ đến hạn nào theo hợp đồng này, bao gồm cả nghĩa vụ trả nợ gốc, tiền lãi và các loại phí khác, bên A có toàn quyền xử lý tài sản cầm cố theo quyết định của mình”. 

Khi đọc hợp đồng này, khách không rõ đóng trễ ngày thứ bao nhiêu sẽ bị thanh lý tài sản. Hỏi thì nhân viên cho biết, với những hợp đồng trước tháng 8/2019, mỗi lần đóng trễ hạn sẽ bị phạt 300.000 đồng, sau tháng 8/2019, nếu đóng trễ hạn ngày thứ nhất, sẽ bị phạt 100.000 đồng; trễ hạn ngày thứ hai, bị phạt 200.000 đồng; trễ hạn ngày thứ ba, bị phạt 300.000 đồng. Sau 10 ngày trễ hạn, khách sẽ bị thanh lý tài sản. Giả sử khách không hỏi rõ điều khoản này, thanh toán trễ hạn 10 ngày thì coi như mất trắng tài sản, hoặc nếu xảy ra tranh chấp, khách hàng cũng nắm phần thua. 

Tín dụng đen “núp bóng” tiệm cầm đồ

Luật sư Bùi Quang Tín (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) cho biết, mức lãi suất 97,2% của F88 và 144% của tiệm cầm đồ Minh Quân thật sự quá cao so với ngân hàng. So với vay tín chấp tại các công ty tài chính, các tiệm cầm đồ ít gặp rủi ro hơn vì được cầm giữ tài sản của khách hàng, nên không thể áp dụng mức lãi suất quá cao như vậy được. 

Tiem cam do dang hoat dong nhu... bang nhom cuop, khung bo
Lãi suất của hệ thống F88 thức tế lên đến 97,2% do cộng thêm các khoản phí quản lý tài sản, thẩm định tài sản

Hoạt động cầm đồ là loại hình kinh doanh hợp pháp, phổ biến trên thế giới, kể cả ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu. Nếu quản lý tốt, các tiệm cầm đồ này còn góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Tuy nhiên, do hiện nay chưa có chế tài đủ mạnh để khống chế hoạt động cầm đồ nên hoạt động kinh doanh này diễn biến rất phức tạp. Lãi suất tự đặt ra cao chót vót, nếu không kịp trả lãi thì dễ mất tài sản, nên tiệm cầm đồ chẳng khác nào “tín dụng đen”. 

Luật sư Tín cho rằng, hiện các ngân hàng đều cho vay không quá 20%/năm, nhưng lãi suất cho vay thông qua thẻ tín dụng thì lại phổ biến ở mức 20-35%/năm; đặc biệt, lãi suất cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính có khi lên đến 50-70%/năm. Vì vậy, nếu áp dụng trần lãi suất cho vay 20% của Bộ luật Dân sự đối với hoạt động cầm đồ thì không thực tế, dễ dẫn đến các tiệm cầm đồ không tuân thủ đúng luật vì họ phân bì với các công ty tài chính.

“Để giải quyết bài toán này, cần có một quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động cầm đồ. Nếu không có quy định riêng thì hầu hết các cơ sở cầm đồ hiện nay đều vi phạm quy định tại Bộ luật Dân sự” - luật sư Tín nhận định. 

Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM, thời gian qua, hoạt động cho vay nặng lãi kiểu “tín dụng đen” trên địa bàn TP.HCM diễn biến ngày càng phức tạp, đi đâu cũng thấy tờ rơi quảng cáo cho vay; nhiều băng nhóm núp bóng vỏ bọc tiệm cầm đồ, công ty tư vấn tài chính. Những người tổ chức hoạt động này đa số từ tỉnh, thành khác đến, liên tục thực hiện hành vi đòi nợ như cướp, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật.

“Thậm chí, đã có 4 vụ giết người liên quan đến các băng nhóm này. Cơ quan điều tra đã triệt phá gần 400 băng nhóm, bắt gần 2.000 tên tội phạm hoạt động có tổ chức, chuyên nghiệp. Chúng tôi ghi nhận, hơn 500 vụ người dân bị các băng nhóm này ném chất bẩn vào nhà, gọi điện đe dọa, gây áp lực, khủng bố tinh thần để đòi nợ” - đại tá Quang thông tin. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI