Thực phẩm đạt chuẩn chất lượng mới được lưu thông ở TP.HCM

24/07/2018 - 06:00

PNO - Một bộ tiêu chuẩn đang được Sở Công thương TP.HCM xây dựng và nếu được áp dụng, nông sản, thực phẩm tươi sống phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, mới được tiêu thụ tại TP.HCM.

Không thể cứ kêu gọi suông

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TP.HCM - thừa nhận, đang có sự dễ dãi với tiêu chuẩn hàng hóa tiêu thụ trong nước.

Rất nhiều doanh nghiệp thừa khả năng làm ra các sản phẩm có thể đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe nhất của các thị trường nhập khẩu như Mỹ, EU… nhưng khi đưa ra tiêu thụ nội địa, chất lượng hàng hóa lại không đảm bảo, không thể bằng sản phẩm xuất khẩu.

Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng không yên tâm với hàng hóa sản xuất trong nước. 

Thuc pham dat chuan chat luong moi duoc luu thong o TP.HCM
Hiện thịt heo khi đưa vào TP.HCM tiêu thụ, phải truy xuất được nguồn gốc.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đã nhận xét là ở các nước, cơ quan chức năng đi tìm thực phẩm “bẩn” để xử lý, còn ở Việt Nam, người dân phải đi tìm thực phẩm “sạch” để ăn. Ở nước ngoài, không có khái niệm thực phẩm “bẩn”, mà chỉ là thực phẩm vi phạm các tiêu chuẩn về chất lượng.

Với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” kéo dài nhiều năm qua, không ít chuyên gia, đại biểu Quốc hội yêu cầu thay đổi cách làm. Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho rằng, cách làm đơn giản nhất là áp dụng quy luật của thị trường. Thay vì kêu gọi, phải có cách để người tiêu dùng tin vào chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước, tức là hàng Việt Nam phải chinh phục được người Việt Nam. 

Thị trường nhập khẩu được xem là dễ tính như Trung Quốc gần đây cũng bắt đầu siết chặt hơn về chất lượng. Hàng hóa của Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, nhưng ngày càng có nhiều tỉnh của Trung Quốc yêu cầu các sản phẩm nhập tiểu ngạch cũng phải có nguồn gốc rõ ràng. 

Chất lượng hàng tiêu thụ nội địa phải như xuất khẩu

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Sở Công thương TP.HCM đã đề xuất, các hệ thống siêu thị cùng ba chợ đầu mối tính toán, xây dựng một quy chuẩn chung đối với hàng hóa đưa về TP.HCM tiêu thụ.

Trong đó, chất lượng hàng hóa tối thiểu cũng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Quy định này nếu được áp dụng, sẽ giải quyết được những bế tắc của ngành nông nghiệp, khi ngành này liên tục kêu gọi nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng không biết sản phẩm đạt chuẩn đó bán đi đâu.

Thực tế là người sản xuất theo quy trình an toàn luôn phải chịu chi phí cao hơn, tốn nhiều công sức hơn nhưng lại không thể cạnh tranh được với những người sản xuất ẩu tả, bất chấp chất lượng. 

Nếu TP.HCM có quy định riêng, người sản xuất thấy được nhu cầu cần những sản phẩm chất lượng cao, tự người nuôi, trồng phải thay đổi phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn, nếu muốn đưa được sản phẩm vào TP.HCM tiêu thụ. Làm được điều này, còn góp phần giải được bài toán mất cân đối sản phẩm, sản lượng, kiểu “được mùa mất giá”. 

TP.HCM có ba chợ đầu mối nông sản, thực phẩm, tiếp nhận và phân phối tới 80% tổng lượng nông sản, thực phẩm tiêu thụ của cả thành phố và hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng phân phối khoảng 20% hàng hóa.

Quy trình kiểm soát tại các kênh hiện đại đã khá chặt chẽ, nên TP.HCM sẽ chú trọng giám sát nguồn hàng vào thành phố thông qua các chợ đầu mối, để kiểm soát được chất lượng của phần lớn nông sản, thực phẩm.

Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho rằng, việc soạn thảo bộ tiêu chuẩn chất lượng, sẽ hoàn toàn theo quy luật vận hành của thị trường.

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp quá sâu vào quy trình sản xuất của doanh nghiệp mà chỉ giám sát trách nhiệm của các doanh nghiệp thông qua chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường (truy xuất được nguồn gốc, quá trình nuôi trồng, thu hoạch, sơ chế, bảo quản theo quy trình VietGAP hoặc GlobalGAP); bản thân các nhà phân phối từ chối những sản phẩm không an toàn. 

Hiện, Sở Công thương TP.HCM đã đề xuất với Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nếu được đồng ý, sở sẽ sớm có bộ tiêu chuẩn và đưa vào áp dụng.

Một số địa phương như Đồng Tháp, Lâm Đồng cũng bày tỏ sự ủng hộ và muốn TP.HCM sớm soạn thảo, áp dụng bộ tiêu chuẩn chất lượng vì nhiều vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của các tỉnh này vẫn đang tìm kiếm đầu ra ổn định cho hàng hóa của họ. 

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI