Thực phẩm chế biến ngoại ồ ạt vào Việt Nam, doanh nghiệp Việt đang nhường miếng bánh ngon

26/06/2017 - 13:30

PNO - Những mặt hàng thực phẩm sơ chế, chế biến ngoại nhập đang có xu hướng vào Việt Nam nhiều hơn so với năm-sáu năm trước. Liệu các doanh nghiệp nước ta có đành lòng nhường miếng bánh ngon này?

Màu xanh ngả vàng của ô-liu và phô mai trắng nổi bật trong lọ thủy tinh hay trứng tôm muối với sắc hồng còn thơm mùi biển cả - những mặt hàng thực phẩm sơ chế, chế biến ngoại nhập gợi cơn ghiền của giới sành ăn đang có xu hướng vào Việt Nam nhiều hơn so với năm-sáu năm trước. Liệu các doanh nghiệp (DN) nước ta có đành lòng nhường miếng bánh ngon này?

Đủ xuất xứ và chủng loại 

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho hay, “tính đến tháng 5/2017, các mặt hàng nông sản chính nhập khẩu vào Việt Nam (VN) đạt 8,48 tỷ USD, tăng khoảng 32,3% so với cùng kỳ 2016”. Trong đó, đáng lưu ý là có nhiều sản phẩm đã sơ chế, chế biến sẵn.

Hiện nay, khi ngày càng nhiều nhà hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Ý sáng choang đèn; thậm chí vài món truyền thống của các nước lân cận cũng đã tỏa mùi thơm lừng trong các quán Việt; thêm vào đó hiệu ứng phim ảnh đã tạo nên một văn hóa ẩm thực mới, đa dạng hơn cho khách Việt. 

Đón đầu nhu cầu này, không ít đơn vị, cá nhân còn chào bán đủ loại thực phẩm sơ chế, chế biến cao cấp nhập từ Úc, Mỹ, Pháp, Ý, Peru, Nhật, Hàn với giá “ngất ngưởng”. Cụ thể như, gan ngỗng không cắt lát (Pháp) giá 1,8 triệu đồng/kg; sò đỏ Hokigai (Nhật) 980.000đ/kg; vẹm xanh New Zealand tách vỏ 25-30 con/kg giá 280.000đ/kg; tôm hùm Canada cấp đông, chín giá từ 490.000 - 1 triệu đồng/kg...

Thuc pham che bien ngoai ò ạt vao Viet Nam, doanh nghiẹp Viẹt dang nhuòng miéng bánh ngon
Sản phẩm sơ chế, chế biến ngoại nhập xâm lấn thị trường Việt Nam.

Không những vậy, nhiều mặt hàng đã sơ chế, chế biến phổ biến hơn và có mức giá trung bình xuất hiện ở các siêu thị. Tại Aeon Mall, Emart, Lotte Mart, Vinmart... những sản phẩm này với đủ xuất xứ từ châu Âu đến châu Á, xếp hàng nhộn nhịp trên kệ hoặc “đứng” trong diện tích rộng rãi hay ở đầu quầy, dễ dàng đập vào mắt người tiêu dùng (NTD). 

Tại Lotte Mart (Lê Đại Hành, Q.11, TP.HCM), hàng chục mặt hàng thực phẩm nông sản chế biến ngoại nhập được bày bán. Mỗi loại thường có vài ba nhãn cho NTD chọn lựa. Chẳng hạn với giấm táo, có giấm táo lên men Ottogi của Hàn Quốc, giấm táo American Garden của Mỹ. Riêng dòng hàng ô-liu, trước đây chỉ có ô-liu đen, ô-liu xanh, thì nay có thêm ô-liu nhồi nhân phô-mai hiệu Ybarra, Tây Ban Nha. Sự phong phú thương hiệu, dung tích, trọng lượng cũng giúp nới rộng biên độ giá cả nên NTD dễ chọn lựa sản phẩm theo khẩu vị và giá tiền.

Siêu thị Emart (Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp, TP.HCM) làm NTD “choáng ngợp” trước ba dàn tủ đông lạnh đồ sộ bày nhiều thực phẩm đông lạnh như viên surimi hương sò điệp tẩm bột hiệu Ventuna (Thái Lan), đậu hũ cá phômai Rich Mama (Malaysia), bánh bao Vienna Finger Ball (Hàn Quốc). Chỉ cần bỏ ra 40.000-70.000đ là NTD có thể mua về rã đông hoặc chiên, hấp… để dùng cho bữa sáng hay bữa xế. 

Đánh giá sức tiêu thụ đối với các sản phẩm chế biến ngoại nhập này, ông Lâm Tuấn Hùng - đại diện Lotte Mart cho biết: “Sức mua các sản phẩm này khá tốt. Chúng tôi đang tìm kiếm đa dạng nguồn hàng cả trong và ngoài nước nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho khách hàng trung lưu”.

Cơ hội ở một phân khúc đang bị bỏ trống 

Theo các nhà bán lẻ, tuy hàng có về nhiều hơn so với trước nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với hàng Việt, chủ yếu vẫn là các loại nông sản mà VN không có hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trung lưu, lượng đối tượng đang tăng nhiều lên.

Song trước xu hướng này, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Vinamit - nhìn nhận: “Việc sản phẩm nước ngoài vào VN ngày càng nhiều là quy luật của thế giới phẳng. Cuộc chơi khiến DN phải đứng trên đôi chân của thị trường thế giới. Ngày nay, dù chỉ bán hàng ở nội địa, DN cũng phải xác định đối thủ của mình là trên đấu trường quốc tế và tìm sự khác biệt cho sản phẩm để tăng tính cạnh tranh. Nếu không, chúng ta sẽ bị động ngay trên sân nhà”.

Nói về điều này, bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó TGĐ Công ty CP Sài Gòn Food - lạc quan đánh giá: “Đây cũng là cơ hội cho DN VN. Song nếu không chủ động đón lấy cơ hội, khi thị phần bị DN nước ngoài chia sẻ, DN Việt sẽ rất khó khăn. Trước đây, Saigon Food sản xuất cháo dinh dưỡng ăn liền theo công nghệ Nhật Bản, không có phụ gia, chất bảo quản, nhưng NTD vẫn chưa tin chuộng. Đến khi Nhật Bản, Hàn Quốc đưa sản phẩm cháo tươi vào VN thì  NTD có cơ sở so sánh nên đã có nhiều đối tượng chọn sản phẩm Việt. Đồng thời, lúc này, sản phẩm của mình vào các siêu thị Nhật Bản, Hàn Quốc cũng dễ dàng hơn trước. Ngoài ra, nếu biết tận dụng lợi thế sân nhà, chúng ta có thể sản xuất những sản phẩm giống sản phẩm ngoại nhập để cạnh tranh.Ví dụ, Saigon Food đã sản xuất chả cá, mực, tôm phối trộn có nhân tương tự các sản phẩm hàng nhập và đã hút được người mua”.

Khi NTD đang hào hứng trước một thị trường sản phẩm sơ chế, chế biến hấp dẫn, chắc chắn DN VN sẽ phải tìm cách bắt kịp nhịp mua sắm này bằng cách đưa ra nhiều sản phẩm cao cấp, đa dạng… đáp ứng nhu cầu mà một bộ phận NTD đang cần. 

Chuyên gia thị trường Hoàng Trọng - cố vấn chuyên môn Hội DN Hàng VN chất lượng cao, cho rằng: “Để thu hút khách hàng ở phân khúc cao cấp, cạnh tranh với hàng ngoại nhập, bên cạnh việc nâng chất lượng, giá trị sản phẩm, đầu tư bao bì đẹp, quảng bá sản phẩm, DN cần đưa hàng vào kênh bán lẻ hiện đại. Đáng tiếc là hiện nay, nhiều DN VN đang bỏ trống phân khúc này”.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI