Thua trên sân nhà vì quá dễ dãi?

10/08/2016 - 14:10

PNO - Điệp khúc “được mùa rớt giá”, chuyện hàng tấn dưa hấu, thanh long phải đổ bỏ, ách tắc ở biên giới do TQ ngưng thu mua hầu như năm nào cũng diễn ra, là do xuất khẩu trái cây của ta quá phụ thuộc vào thị trường TQ.

Niềm vui nhỏ nhoi từ những khoản tiền mà nông dân ở tỉnh Bình Thuận thu được từ việc bán thanh long cho thương nhân Trung Quốc (TQ) chắc không nhiều bằng sự hài lòng của chính những người TQ lặn lội từ xa xôi đến tận vườn thanh long để thu mua. Họ vui vì tỷ lệ lợi nhuận luôn ở mức cao do mua thanh long tận gốc, bán tận ngọn. Đáng lo hơn, ngoài trái thanh long, các thương nhân TQ đang nắm quyền chi phối thị trường một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Điệp khúc “được mùa rớt giá”, chuyện hàng tấn dưa hấu, thanh long phải đổ bỏ, ách tắc ở biên giới do TQ ngưng thu mua hầu như năm nào cũng diễn ra, là do xuất khẩu trái cây của ta quá phụ thuộc vào thị trường TQ. Việc tự do đi lại thu mua nông sản ở Việt Nam của các thương nhân TQ đã tạo ra những hệ lụy không tốt cho nền sản xuất nông nghiệp trong nước.

Thua tren san nha vi qua de dai?
Việc tự do đi lại thu mua nông sản ở Việt Nam của các thương nhân TQ đã tạo ra những hệ lụy không tốt cho nền sản xuất nông nghiệp trong nước - Ảnh minh họa: Internet

Điển hình mới nhất là việc nông dân ở Bình Thuận từ bỏ sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Tiêu chuẩn VietGAP cho trái thanh long nhiều năm qua được ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận nhọc công thực hiện có nguy cơ thất bại hoàn toàn. Vì theo những nông dân ở đây, “chi phí trồng thanh long theo VietGAP đắt và nhọc công hơn nhiều so với cách trồng thông thường”. Nhưng khi thu mua, thương nhân TQ không phân biệt tiêu chuẩn, mà mua đại trà, ngang giá nhau.

Khó có thể trách người nông dân bỏ canh tác theo VietGAP, bởi họ buộc phải trồng và canh tác theo nhu cầu của thị trường. Nhưng vấn đề ở đây là uy tín, chất lượng thanh long Bình Thuận được xây dựng trong nhiều năm sẽ mất đi cơ hội xuất khẩu vào các thị trường nhập khẩu khó tính khác như EU, Mỹ, Nhật. Và kế hoạch đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào thị trường TQ cho trái thanh long cũng sẽ khó thành hiện thực.

Dẫu biết thị trường thanh long xuất khẩu quá phụ thuộc vào thị trường TQ, nhưng vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta không tổ chức được khâu thu mua, vận chuyển rồi bán qua đường tiểu ngạch biên giới như trước đây các thương nhân Việt Nam đã từng làm? Tôi đã đem vấn đề này để hỏi lãnh đạo các công ty chuyên thu mua xuất khẩu thanh long sang TQ trước đây và nhận được câu trả lời đầy cay đắng: “Chúng ta mất thị trường, thua trên sân nhà vì chúng ta quá dễ dãi với họ”.

Sự dễ dãi, theo vị doanh nhân nói trên là, “không có quốc gia nào lại để thương nhân TQ tự do đi lại và lưu trú lâu đến như vậy”. Dễ dãi vì chính những thương nhân Việt lại là người dắt tay thương nhân TQ vào tận vùng nguyên liệu để thu mua hàng hóa của nông dân mình. Cay đắng hơn, chính vì cái lợi trước mắt này mà một số thương nhân Việt đã để rơi một phần lợi nhuận không nhỏ trong chuỗi giá trị của trái thanh long xuất khẩu sang TQ. Những ưu tiên của người TQ mua tận gốc, bán tận ngọn đã được thực thi ngay chính trên mảnh ruộng, khoảnh vườn, ao cá, chuồng trại của nông dân Việt.

Trong giao thương với TQ, nếu chúng ta không tận dụng được lợi thế cạnh tranh là sân nhà, thì miếng bánh lợi nhuận từ toàn bộ chuỗi giá trị của các mặt hàng nông sản xuất khẩu, không riêng gì thanh long, rơi vào túi của người TQ là điều dễ hiểu. Và hệ lụy là thương nhân Việt, nông dân Việt vẫn mãi chịu cảnh làm thuê ngay trên mảnh đất của mình với khoản lợi nhuận còm cỏ i trong chuỗi giá trị. Thương nhân TQ vào sâu trong thị trường nội địa Việt Nam để thu mua nông sản không còn là chuyện lạ; nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng điều mà người dân mong chờ ở cơ quan chức năng là tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần sớm nghiên cứu, bổ sung quy định thu thuế đối với thương lái người nước ngoài thu mua trực tiếp nông, thủy sản tại Việt Nam.

Trần Sơn Nghĩa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI