Thông qua cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Đèn xanh đã bật

25/11/2017 - 08:18

PNO - 460/465 Đại biểu Quốc hội tán thành nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM trong chiều 24/11. Một sự thống nhất cao độ, cũng cho thấy sự mạnh mẽ và táo bạo, muốn thực sự thúc đẩy TP.HCM trở thành “đầu tàu”.

“Đầu tàu” đã được bật đèn xanh.

Nghĩa là “đầu tàu” được kì vọng sẽ xé bóng đêm để vun vút trên con đường phát triển, từ đó tạo lực kéo những “toa tàu” còn lại của đất nước.

Đây không phải là lần đầu tiên TP.HCM được nới rộng cơ chế quản lí và được phép phân cấp, tự quyết mạnh mẽ hơn. Còn nhớ hơn chục năm trước, với Nghị định 93 được ví như “đôi đũa thần” cho thành phố vượt rào cản và tăng tốc.

Nhưng rồi, “chiếc áo” Nghị định 93 nhanh chóng trở nên chật chội không phù hợp nữa. Khi thực tế cuộc sống và nền kinh tế - đặc biệt trong thời đại số hóa – biến chuyển và thay đổi rất nhanh, thì những chính sách, cơ chế ở mức “cơi nới” khó mà phù hợp, thậm chí nhanh chóng trở nên lạc hậu rồi trở thành rào cản phát triển.

Thong qua co che dac thu cho TP.HCM: Den xanh da bat
TP.HCM được kỳ vọng trở thành “đầu tàu”.

Lần này thì, không chỉ ở mức độ “cơi nới”, mà là tháo dỡ rào cản một cách mạnh mẽ, quyết liệt, từ trong tâm hun đúc thành ý chí và đi đến hành động.

Trong nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM, điều đáng lưu ý đầu tiên là Hội đồng Nhân dân Thành phố được phân cấp và giao quyền tự quyết nhiều hơn, lớn hơn. Thẳng thắn mà nói, Hội đồng Nhân dân TP.HCM có nhiều việc hệ trọng và lớn lao để làm, để cân nhắc và quyết định hơn so với trước đây.

Đơn cử như Hội đồng Nhân dân Thành phố được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên phù hợp với quy hoạch; được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của Thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công; được đề xuất để Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn Thành phố thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; được quyết định áp dụng trên địa bàn phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, tăng mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Không chỉ được trao thêm quyền, mà song song với trao quyền là trao thêm cơ hội để có tiền nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách TP.HCM. Theo đó, ngân sách TP được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới).

Trước đây, khoản ngân sách TP.HCM thu vượt chỉ được hưởng tỉ lệ theo qui định; thì bây giờ, Thành phố được thí điểm hưởng 100% để có nguồn đầu tư cho xây dựng hạ tầng đang ngày càng quá tải, tăng phúc lợi xã hội và đặc biệt là có nguồn bền vững để thực hiện một chiến lược đột phá cốt yếu là chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý theo hiệu quả công việc, với mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.

Muốn cho một bộ máy tinh gọn và hiệu quả, sẽ có nhiều việc phải làm. Nhưng làm gì đi nữa, cũng không thể không giải quyết vấn đề cốt yếu: Lương phải đủ sống, trang trải và thậm chí tích lũy. Lương còm, mà bảo cán bộ công chức, viên chức vắt kiệt sức, sẽ khó mà thuyết phục. Dù có ép, thì họ vẫn âm thầm kiếm việc làm thêm để cải thiện thu nhập, thì khó mà toàn tâm toàn lực vì việc công, cái chung. Nếu không, thì cũng hướng sang ngã rẽ nhũng nhiễu, tham nhũng… gây hệ lụy còn khủng khiếp hơn trong lòng dân.

Khi có thể trả lương theo hiệu quả công việc, chính quyền có thể “ép” công chức làm ra làm, chơi ra chơi; có cơ hội để tinh giản, cải thiện hiệu quả công việc của bộ máy một cách quyết liệt hơn.

Với nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM vừa được thông qua có thể thấy đầu tàu TP.HCM đã nhận được tín hiệu tăng tốc, không chỉ kéo lên những cơ hội rõ ràng cho thành phố mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển cho các vùng kinh tế lân cận.

Đó là tín hiệu của sự cởi trói nhưng sẽ khó đòi hỏi ngay được những thành tựu đột phá bởi điều gì cũng cần phải có giai đoạn. Tuy vậy, dù ở giai đoạn nào, thì những thành tựu có được cũng phải xứng đáng với những cơ chế được thông qua lần này. Đó là tín hiệu lòng dân, là "cái bấm nút" đầy hy vọng của rất nhiều người.

Thụy Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI